Cuộc đua ép ăn, 'vỗ béo' để con gái có thể lấy chồng

Tại Mauritania, mập mạp mới được xem là phú quý và xứng đáng có được tấm chồng tốt. Vì thế, hầu hết phụ nữ tại đây đều ép con gái của mình ăn theo chế độ tăng cân khắc nghiệt.

Mauritania là quốc gia Hồi giáo nằm ở Tây Phi, giáp sa mạc Sahara và phần lớn người dân dựa vào nông nghiệp để sinh sống.

Trong khí hậu khô nóng của sa mạc, 5-7 đứa trẻ phải ngồi trong một túp lều nhỏ được gọi là trại vỗ béo, cố gắng nuốt những tô thức ăn lớn để có được thân hình “càng mập càng tốt” như người lớn mong muốn.

Khi còn là một đứa trẻ, Souadou Isselmou (sống tại phía nam Mauritania) từng ghét quá trình này đến mức muốn ném tất cả thức ăn vào nhà vệ sinh hoặc giấu dưới áo abaya để không phải ăn nữa.

“Lúc tôi lên 7, bố mẹ đã bắt đầu cho tôi ăn hai thùng cháo và couscous mỗi ngày để có người nào đó muốn cưới tôi", Isselmou kể.

Sau nhiều năm ăn theo chế độ tăng cân khắc nghiệt, cân nặng của Isselmou tăng gấp 3-4 lần so với ban đầu. Năm 13 tuổi, cô kết hôn với anh họ của mình và có con sau đó 1 năm.

Trường hợp của Isselmou rất phổ biến ở đất nước Tây Phi này. Hầu hết mọi cô gái đến tuổi lấy chồng (khoảng 13-14 tuổi) đều có thân hình phì nhiêu và vẻ ngoài già dặn.

 Nhiều đứa trẻ lớn lên với ký ức tồi tệ khi từng tham gia trại vỗ béo. Ảnh: UNHCR.

Nhiều đứa trẻ lớn lên với ký ức tồi tệ khi từng tham gia trại vỗ béo. Ảnh: UNHCR.

Khi bề ngang cơ thể trở thành quyền lực của phụ nữ

Trái với các quốc gia khác trên thế giới khi phụ nữ sẵn sàng làm tất cả để có được “vòng eo con kiến”, thân hình "mình hạc sương mai" như cắt đốt sườn, hút mỡ thì ở Mauritania, vẻ đẹp được đánh giá bằng chiều ngang của cơ thể. Với họ, “càng béo càng tốt” mới là chuẩn mực cái đẹp của phụ nữ.

Quá trình “vỗ béo” các bé gái ở Mauritania được ví như hình thức nuôi ngỗng để thu gan (foie gras) của người Pháp.

Vào mỗi mùa mưa hàng năm, những bà mẹ Mauritania cùng nhau tổ chức trại vỗ béo cho các con gái của mình. Họ dựng một túp lều sâu trong sa mạc Sahara đủ để 5-10 người sinh sống.

Những bé gái dưới 11 tuổi sẽ được đưa đến đây để rèn luyện tăng cân như các bà mẹ đã từng trải qua trước đây.

Khẩu phần một bữa sáng cho một bé gái phải đảm bảo chứa 3.000 calo. Dẫn đến các bé gái bị ép ăn liên tục các loại thực phẩm khác nhau như sữa lạc đà pha ngọt, couscous (loại ngũ cốc đặc trưng tại đây), thịt dê, cháo yến mạch… Mỗi thứ đều không dưới 1 kg/bữa.

Khối lượng thức ăn sẽ được tăng dần vào bữa trưa và bữa tối để chắc chắn mỗi đứa trẻ đều được hấp thụ từ 9.000-16.000 calo một ngày.

Những bữa ăn trở thành địa ngục với các bé gái tham gia quá trình này. Ảnh: Unreported World, Bad Cultures.

Vì muốn đẩy nhanh tiến độ và cố gắng nhồi nhét càng nhiều càng tốt, các quản trại rút gọn thời gian nghỉ ngơi ngắn nhất có thể, đương nhiên là không có khoảng trống nào cho việc tập thể dục.

Những trường hợp không chịu ăn, bỏ ăn, nôn mửa sẽ nhận các hình phạt khốc liệt từ quản trại. Phổ biến nhất là hình phạt kẹp những ngón chân vào 2 cái que và xoắn lại với nhau. Vì sợ đau, hầu hết bé gái đều phải ngoan ngoãn chịu ăn.

Ngoài mong muốn con gái sẽ được đàn ông để ý, các bà mẹ còn ép những đứa trẻ phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của quá trình này với lý do “thêm một đứa con gái được kết hôn là bớt được một miệng ăn trong nhà”.

Hậu quả khủng khiếp

Youma Mohamed, một nhà hoạt động xã hội, cho biết chế độ ăn này sẽ khiến các cô gái trẻ mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp hoặc bệnh tim suốt đời.

Theo SBS, khi hạn hán kéo dài, gia đình không đủ lương thực, họ sẽ dùng đến thuốc để thúc đẩy quá trình “vỗ béo” như corticosteroid - một loại thuốc dùng để trị bệnh da liễu, thấp khớp…, hay cyproheptadine - dùng cho các bệnh dị ứng và tác dụng phụ là khiến người dùng tăng cân và thậm chí là thuốc tăng trọng dành cho động vật chăn nuôi.

Mặc dù chỉ có các hiệu thuốc mới được phép bán các loại thuốc này, nhưng chúng vẫn được bí mật bán tại các phiên chợ trên đường phố và được sử dụng mà không hề có bất kỳ sự tư vấn nào từ bác sĩ.

Theo tổ chức Kids Health, trẻ em từ 6-12 tuổi chỉ nên hấp thụ 1.600-2.200 calo một ngày, tùy thuộc vào mức độ hoạt động của mỗi bé. Như vậy, mỗi đứa trẻ ở Mauritania khi tham gia trại vỗ béo phải nhồi nhét hơn 800.000 calo suốt 3 tháng ròng, cao gấp 4-5 lần so với trẻ em bình thường.

Chế độ ăn uống này khiến các bé gái dậy thì sớm và gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Ảnh: The African Gourmet.

Sau khi trải qua giai đoạn ép ăn, một cô gái tuổi vị thành niên có thể nặng đến 140 kg. Việc nhồi nhét hàng tấn thức ăn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ, thậm chí là dẫn đến tử vong. Tổ chức WHO cũng nhấn mạnh việc béo phì quá mức sẽ tạo sức ép lên tim và các cơ quan khác.

Tại Mauritania, gần 1/4 phụ nữ (khoảng 23%) bị ép tăng cân khi còn nhỏ. Sau mỗi mùa vỗ béo, thân hình khỏe mạnh của các bé gái sẽ chuyển thành những chiếc bụng căng phồng như quả bóng. Hình ảnh này được nhiều người so sánh với những con ngỗng sau khi được nhồi.

Hiện Isselmou đã 40 tuổi, cô bị mắc bệnh tiểu đường loại 2 và béo phì. Isselmou cho biết bản thân cô cảm thấy nặng nề đến nỗi cô chỉ có thể đi bộ sau 4 tháng ăn kiêng và vẫn còn hãi hùng khi nhớ lại quá khứ hồi bé.

Trường hợp của Isselmou là may mắn còn sống và sức khỏe tạm ổn. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm đứa trẻ khác đã chết mỗi năm do hậu quả của quá trình khốc liệt này.

Định kiến từ tục tảo hôn

Lớn lên ở một đất nước nghèo khó và từng trải qua những đợt hạn hán kéo dài khiến cho những người phụ nữ ở đây nghĩ rằng hôn nhân ổn định mới là điều quan trọng nhất. Vì thế, họ sẽ làm tất cả để tăng cơ hội hạnh phúc cho con gái của mình.

Hầu hết mong ước của các bà mẹ Mauritania là muốn con gái mình đều lớn lên với vẻ ngoài xinh đẹp - nghĩa là có thân hình phì nhiêu - để lấy được một tấm chồng tốt.

Theo Equality Now, chế độ này có liên quan đến tục tảo hôn. Việc ăn quá nhiều khiến trẻ em dậy thì sớm và vẻ ngoài già dặn hơn để có thể kết hôn.

Theo một thống kê vào năm 2019, 37% các cô gái trẻ kết hôn trước 18 tuổi và có con khoảng 1-2 năm sau đó. Những gia đình nghèo thường cho con kết hôn sớm hơn so với những cô gái đến từ các khu vực giàu có của đất nước.

Tục tảo hôn là nguyên nhân khiến trại vỗ béo vẫn tiếp tục tồn tại. Ảnh: Jot Down.

Đối với đàn ông tại quốc gia này, phụ nữ béo mới là hình mẫu lý tưởng để cưới về làm vợ. “Nếu cô gái đó không béo, tôi sẽ không cưới cô ấy vì phụ nữ béo mới khiến đôi bên thoải mái hơn khi quan hệ tình dục. Đối với tôi, phụ nữ béo thì tăng ham muốn hơn người gầy”, Abu Bakri nói.

Aminetou Mint Moctar - người đứng đầu Hiệp hội des Femmes Chefs de Famille - một tổ chức từ thiện về quyền phụ nữ - cho biết thêm tại đất nước này, phụ nữ mập mạp tượng trưng cho sự giàu có, quyền lực và chuẩn mực của cái đẹp. Đàn ông sẽ tranh giành nhau để cưới được một cô gái như vậy về làm vợ.

Lemrabott Brahim, nhà phân tích xã hội của tổ chức OJLPA, cho rằng việc vỗ béo, làm đẹp và tảo hôn như hiện nay không thể tách rời trong suy nghĩ của hầu hết bà mẹ Mauritania.

"Thật khó để xóa bỏ văn hóa ép ăn ở đây. Đó là một thứ gì đó ăn sâu vào tâm trí và trái tim của những người mẹ, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa nơi mà dân làng vẫn tin mù quáng vào truyền thống này", Brahim cho hay.

Brahim cũng nhấn mạnh nếu không có sự can thiệp của chính quyền và các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, tục tảo hôn, chế độ ép ăn chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và ảnh hưởng đến thế hệ trẻ em trong tương lai.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chien-vo-beo-cho-cac-be-gai-de-co-the-lay-chong-post1068412.html