Cuộc đua giải cứu sông Hằng ở Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ đang gấp rút thực hiện mục tiêu làm sạch 100% sông Hằng vào năm 2020 với nỗ lực xử lý 4,8 tỷ lít nước thải mỗi ngày và loại bỏ các nhà máy hóa chất độc hại.

Một người đàn ông đánh răng khi đứng giữa dòng nước ô nhiễm của sông Hằng ở thành phố Kolkata, Ấn Độ. Sông Hằng thiêng liêng của Ấn Độ bắt nguồn từ dòng sông trong vắt trên dãy Himalaya băng giá nhưng trở nên ô nhiễm trong hành trình qua các thành phố đang phát triển và các trung tâm công nghiệp.

Một người đàn ông đánh răng khi đứng giữa dòng nước ô nhiễm của sông Hằng ở thành phố Kolkata, Ấn Độ. Sông Hằng thiêng liêng của Ấn Độ bắt nguồn từ dòng sông trong vắt trên dãy Himalaya băng giá nhưng trở nên ô nhiễm trong hành trình qua các thành phố đang phát triển và các trung tâm công nghiệp.

Chính phủ Ấn Độ cam kết tài trợ gần 3 tỷ USD cho việc dọn sạch sông Hằng trong 5 năm và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tháng trước, Bộ trưởng Tài nguyên nước Ấn Độ Nitin Gadkari cho biết các kế hoạch làm sạch dòng sông đang được tiến hành. Tuy nhiên, theo Reuters, các nỗ lực đang bị cản trở do khó khăn trong việc giải ngân, các quan chức đang vật lộn để tìm vị trí cho các nhà máy xử lý nước thải.

Các tín đồ đạo Hindu tắm tại Devprayag, Ấn Độ. Tại bang Uttar Pradesh, thành phố Prayagraj đang tổ chức lễ hội tôn giáo khổng lồ có tên Kumbh Mela với 150 triệu người hành hương sẽ đến tắm ở sông Hằng vào tháng 3. Chính phủ tiểu bang đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo nước sạch, tạm thời đóng cửa cống thoát nước và ra lệnh cho các xưởng thuộc da gây ô nhiễm nặng ở thượng nguồn phải đóng cửa trong thời gian ba tháng lễ hội.

Tín đồ đạo Hindu chuẩn bị ngâm mình xuống con kênh bị ô nhiễm chảy vào sông Hằng trong một đám rước tôn giáo ở Kolkata, Ấn Độ. Tháng 11/2018, Liên Hợp Quốc nói rằng sông Hằng vẫn đang "bị ô nhiễm nặng nề và thiếu nghiêm trọng những nỗ lực làm sạch". Liên Hợp Quốc ước tính có tới 80% nước thải được xả vào hai nhánh chính của dòng sông vẫn chưa được xử lý.

Nước thải chưa được xử lý chảy từ một cống mở ra sông Hằng ở Kanpur, Ấn Độ. Bắt đầu từ thị trấn Devprayag, sông Hằng trải dài 2.525 km chảy xuống vùng đồng bằng đông dân ở phía bắc Ấn Độ, cuối cùng tạo thành một vùng đồng bằng rộng lớn với sông Brahmaputra và đổ ra vịnh Bengal. Dòng sông và các nhánh của nó là nguồn nước quan trọng cho hàng trăm triệu người để ăn uống, tắm giặt và tưới tiêu đất.

Các tín đồ ngâm mình tại Sangam, ngã ba sông Hằng, Yamuna và Saraswati, trong Lễ hội Kumbh Mela ở Prayagraj, Ấn Độ. Đối với người Hindu, sông Hằng được nhân cách hóa thành nữ thần Ganga. Các lễ hội tôn giáo lớn được tổ chức thường xuyên dọc theo bờ sông. Nhiều người tin rằng uống nước sông Hằng mang lại may mắn.

Hàng nghìn người Ấn Độ đắm mình và sùng bái các vị thần của họ mỗi ngày với niềm tin rằng việc ngâm mình trong sông Hằng sẽ xóa bỏ mọi tội lỗi, bất chấp ô nhiễm từ các xưởng thuộc da ở Kanpur, thành phố công nghiệp cách thượng nguồn 300 km.

Đền và các tòa nhà dân cư trên bờ sông Hằng ở Varanasi. Dữ liệu mới nhất của chính phủ cho thấy mức độ chất thải của con người ở sông Hằng khiến dòng sông không an toàn để tắm. Cơ quan Kiểm soát Ô nhiễm đang giám sát 161 cống xả thải vào sông Hằng, trong đó 151 cống xả ra hơn một triệu lít nước thải mỗi ngày.

Xác chết được ngâm dưới sông Hằng và để bên bờ sông trước khi hỏa táng ở Varanasi. Hàng triệu người được hỏa táng dọc theo dòng sông hoặc tro cốt của họ được ngâm xuống nước đang tác động tới thành phố cổ xưa và linh thiêng nhất đối với người theo đạo Hindu.

Nước thải chưa được xử lý từ một khu dân cư chảy vào sông Hằng ở Mirzapur, Ấn Độ. Ở nhiều nơi, hệ thống nước thải lạc hậu của Ấn Độ không thể xử lý lượng chất thải khổng lồ được xả ra dọc theo sông. Theo dữ liệu được Reuters thu thập, khoảng 4,8 tỷ lít nước thải từ 118 thị trấn và thành phố chảy vào sông Hằng mỗi ngày. Khả năng hoạt động để xử lý nước thải chỉ là một tỷ lít mỗi ngày.

Các nhân viên nhét da trâu vào chiếc trống lớn bên trong xưởng thuộc da tại một khu công nghiệp ở Kanpur, Ấn Độ. Theo dữ liệu chính thức, chính quyền Thủ tướng Modi đã xóa bỏ việc xây dựng các nhà máy, đồng thời cải tạo các nhà máy hiện có với công suất kết hợp để làm sạch thêm hai tỷ lít nước thải mỗi ngày. Tuy nhiên, quy trình đấu thầu phức tạp đang khiến các nhà thầu không mặn mà với các dự án này.

Tại các điểm dọc theo sông, chất thải công nghiệp và nước thải đổ từ các cống mở biến dòng sông thành màu đỏ và những đám mây bọt độc hại nổi trên bề mặt ở một số nơi. Hóa chất độc hại từ các xưởng thuộc da góp phần nặng nề nhất trong sự ô nhiễm của sông Hằng. Chính phủ Ấn Độ đang duy trì các nỗ lực để làm sạch dòng sông với mục tiêu làm sạch 70-80% trong 3 tháng và làm sạch 100% sông Hằng vào tháng 3/2020.

Tuyết Mai
Ảnh: Reuters

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-dua-giai-cuu-song-hang-o-an-do-post910233.html