Cuộc đua hạt nhân mới (K2): Căng thẳng Nam Á

Đụng độ biên giới giữa Ấn Độ-Pakistan hồi tháng trước và việc Ấn Độ gần đây phát triển đầu đạn đa dẫn hướng độc lập (MIRV) được cho sẽ làm leo thang nguy cơ xung đột giữa 2 nước sở hữu vũ khí hạt nhân đối địch từ lâu đời ở Nam Á, đồng thời lôi kéo những đồng minh phía sau, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nóng bỏng Kashmir

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang vào ngày 18-9, khi 18 binh sĩ Ấn Độ bị giết chết trong cuộc tấn công vũ trang vào một căn cứ quân sự do Ấn Độ kiểm soát ở Kashmir. Ấn Độ cho rằng binh sĩ Pakistan chính là những kẻ đã tiến hành vụ tấn công. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Singh Rajnath gọi Pakistan là ''nước khủng bố” trong một lời kêu gọi chống Pakistan sau vụ tấn công này.

Những tiến bộ trong chương trình hạt nhân của Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ đã làm gia tăng đáng kể mối nguy cơ xung đột hạt nhân, đe dọa xóa mờ các ranh giới hạt nhân và tăng cường nguy cơ leo thang hạt nhân.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Hoa Kỳ

"Có những dấu hiệu cho thấy thủ phạm của vụ tấn công ở Uri được đào tạo chuyên nghiệp và trang bị vũ khí đặc biệt. Tôi vô cùng thất vọng về việc Pakistan tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho chủ nghĩa khủng bố và các nhóm khủng bố" - ông Singh nói. Một số nguồn tin cho biết Ấn Độ đã tiến hành tấn công trả đũa vài ngày sau đó vào các doanh trại của Pakistan ở bên kia “Đường kiểm soát” - biên giới không chính thức giữa 2 nước tại Kashmir.

Tuy nhiên, Pakistan đã phủ nhận việc họ đứng đằng sau vụ tấn công vào doanh trại của Ấn Độ, cũng như việc Ấn Độ tấn công trả đũa vào doanh trại của họ, nhưng điều đó hầu như không giúp làm giảm bớt căng thẳng. Pakistan nhấn mạnh đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào từ Ấn Độ. Tờ The News cho biết dù Pakistan sẽ không khơi mào chiến tranh, nhưng sẽ trả đũa với tất cả sức mạnh nếu bị Ấn Độ tấn công. Sức mạnh của Pakistan dĩ nhiên bao gồm cả vũ khí hạt nhân.

Phát triển nhanh nhất

Theo dữ liệu về vũ khí hạt nhân của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA), Pakistan hiện đang nhỉnh hơn so với Ấn Độ về số đầu đạn hạt nhân. Các chuyên gia của ACA tin rằng Pakistan có 110-130 đầu đạn hạt nhân, trong khi Ấn Độ có 100-120 đầu đạn. Thông tin này khớp với báo cáo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Còn theo Wikipedia hiện Ấn Độ có khoảng 110-120 đầu đạn và Pakistan khoảng 120-130 đầu đạn.

Báo cáo của SIPRI còn cho biết cả Ấn Độ và Pakistan hiện đều đang tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ với việc gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân và tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Điều đáng lo ngại là cả Ấn Độ và Pakistan đều không tham gia NPT (Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân). Với đà phát triển như thời gian qua, nhiều khả năng Pakistan sẽ sớm trở thành nước có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới. Một báo cáo nghiên cứu của International Peace và Stimson Center, 2 cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết Pakistan có 4 lò phản ứng sản xuất plutonium, Ấn Độ có 1. Pakistan ước tính có khả năng sản xuất 20 đầu đạn hạt nhân hàng năm, trong Ấn Độ chỉ sản xuất được 5 đầu đạn mỗi năm.

Báo cáo công bố năm 2015 dự báo Pakistan có thể "có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba sau Hoa Kỳ và Nga”, đồng thời Pakistan sử dụng các vật liệu phân hạch để làm vũ khí nhiều hơn so với Ấn Độ. Hiện Ấn Độ có khoảng 600kg plutonium dự trữ, trong khi Pakistan có khoảng 170kg plutonium và 3,1 tấn uranium làm giàu cao (HEU). Giả định 1 đầu đạn hạt nhân cần 5kg plutonium hoặc 15kg HEU, Ấn Độ có thể sản xuất 120 đầu đạn với kho dự trữ hiện có, so với Pakistan 240 đầu đạn. Tuy nhiên, Ấn Độ có lợi thế về kho dự trữ plutonium. Cần ít plutonium để sản xuất một quả bom phân hạch hơn so với HEU. Vì vậy, đầu đạn hạt nhân plutonium nhẹ hơn và sử dụng tốt hơn với tên lửa đạn đạo.

Người Pakistan biểu tình phản đối Ấn Độ thử tên lửa MIRV.

Lôi kéo Hoa Kỳ -Trung Quốc

Tại thời điểm này, cả Ấn Độ và Pakistan đều không triển khai bất kỳ đầu đạn hạt nhân nào. Thay vào đó, họ đang giữ chúng trong kho, tách rời với các tên lửa. Chính sách chiến tranh hạt nhân của Ấn Độ được xây dựng trên học thuyết “Không khai hỏa trước” (NFU). Ngược lại, Pakistan không thông qua học thuyết NFU. Sự căng thẳng giữa 2 cường quốc hạt nhân Nam Á đã kéo theo những thế lực đứng đằng sau.

Đó là Trung Quốc đã nhiều lần đụng độ với Ấn Độ tại đường biên giới giữa 2 nước. “Kẻ thù của kẻ thù là bạn”, vì vậy Trung Quốc và Pakistan đã nhanh chóng xích lại gần nhau. Ông Michael Kugelman, chuyên gia cấp cao về Nam Á và Đông Nam Á tại Woodrow Wilson Center, nhận định: "Bắc Kinh sẽ tăng cường sự ủng hộ đối với Islamabad trong bối cảnh căng thẳng Ấn Độ-Paksitan gia tăng. Trung Quốc sẽ chủ trương tái khẳng định các cam kết với Pakistan và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ. Đặc biệt Bắc Kinh lo ngại xung đột Ấn Độ - Pakistan gia tăng có thể phá hoại dự án Vành đai Kinh tế Trung Quốc-Pakistan do Bắc Kinh tài trợ”. Dự án này có giá trị ước tính 46 tỷ USD, giúp những khu vực nằm sâu trong lục địa phía Tây của Trung Quốc có thể mở đường ra biển thông qua Pakistan.

Trong khi đó, Hoa Kỳ xem Ấn Độ là một đối tác chiến lược quan trọng. Hồi tháng 6, Nhà Trắng đã có bước đi đột phá khi quyết định trao cho New Delhi quy chế "đối tác quốc phòng quan trọng", mở đường cho việc chuyển giao số lượng lớn các công nghệ có thể được dùng cho vũ khí chiến lược của Ấn Độ, như tên lửa đạn đạo. Tiếp đó, ngày 30-8, Hoa Kỳ và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận chia sẻ hậu cần, cho phép quân đội 2 bên sử dụng căn cứ của nhau, như việc sử dụng căn cứ Hoa Kỳ ở Diego Garcia trên Ấn Độ Dương, nơi các tàu ngầm Trung Quốc ngày càng hoạt động tích cực.

Vì vậy, từ trước khi căng thẳng Kashmir diễn ra, Trung Quốc đã nối lại việc chuyển giao công nghệ vũ khí chiến lược cho Pakistan. Theo giới chuyên gia, hình dáng của bệ phóng thẳng đứng di động được Pakistan sử dụng hồi tháng 12-2015 để thử tên lửa đạn đạo tầm trung Shaheen-3, có tầm bắn bao trùm toàn bộ Ấn Độ, rất giống với bệ phóng được Bắc Kinh chuyển giao cho Triều Tiên vào năm 2011. Bắc Kinh cũng được cho là giúp đỡ Islamabad phản ứng vụ Ấn Độ thử 2 phiên bản tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), Agni-V và Agni-VI. Cả hai đều đang được phát triển để có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân cùng lúc, sử dụng công nhệ MIRV. Năm ngoái, Trung Quốc đã cho ra mắt 10 phiên bản MIRV của tên lửa ICBM DF-5.

(còn tiếp)

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161029/ky-2-cang-thang-nam-a.aspx