Cuộc đua không dừng:Doanh số bán vũ khí thế giới tăng mạnh

Chúng tôi mới giới thiệu bài viết và phỏng vấn chuyên gia với tiêu đề 'Xuất khẩu vũ khí: Mỹ vững ngôi vô địch, Nga về nhì' (DVO, 15/12/2019)

Để rộng đường tranh luận, làm rõ các số liệu và cung cấp một số thông tin chi tiết hơn, xin giới thiệu một bài viết khác của chuyên gia quân sự Nga Iuferev Xergey cũng về chủ đề này đăng trên “Bình luận quân sự” Nga ngày 10/12/2019.

Lắp ráp máy bay ném bom chiến trường (chiến thuật-ND) Su-34

Lắp ráp máy bay ném bom chiến trường (chiến thuật-ND) Su-34

Ngày 9/12/2019, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố bản báo cáo định kỳ (cuối năm) về thị trường vũ khí và dịch vụ quân sự toàn cầu.

Theo các số liệu được công bố, doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự năm 2018 của 100 công ty công nghiệp quốc phòng lớn nhất trên thế giới đã tăng 4,6% so với (doanh số) năm 2017.

Nếu quy ra tiền, tổng giá trị bán hàng của 100 công ty công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới nói trên lên tới 420 tỷ đô la Mỹ tính đến cuối năm 2018.

Trong thông cáo báo chí của mình, các chuyên gia của SIPRI đặc biệt lưu ý đến một thực tế là so với năm 2002 (năm đầu tiên SIPRI tiến hành thu thập phân tích các dữ liệu trị trường buôn bán vũ khí để so sánh), thì doanh số bán vũ khí trên hành tinh năm 2018 đã tăng 47%.

Đồng thời, các chuyên gia SIPRI cũng đề nghị là khi xem xét bản báo cáo này cần phải tính đến hai yếu tố. (1) Trong Bảng xếp hạng này không có công ty công nghiệp quốc phòng Trung Quốc nào do các công Trung Quốc không cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động của mình. (2) Bảng xếp hạng chỉ đánh giá 100 công ty sản xuất các sản phẩm quân sự lớn nhất trên thế giới.

Để bạn đọc dễ hiểu hơn về khối lượng bán hàng (doanh số) của những công ty này, chúng tôi xin dẫn một ví dụ đơn giản. Công ty Amphenol Corp (Mỹ) xếp thứ 100 trong bảng xếp hạng 2018 này đã bán các sản phẩm của mình trị giá 820 triệu đôla.

Công ty trên thực tế không được công chúng biết đến này chuyên sản xuất dây cáp điện, các ổ cắm, bảng mạch in và các thiết bị điện tử khác nhau cho các sản phẩm quân sự chịu lực quá tải cực lớn và bị tác động bởi môi trường độc hại- như các tên lửa, máy bay, máy bay lên thẳng, UAV, tàu biển, tàu vũ trụ, v.v.

Vị trí của Nga trong Bảng xếp hạng "Тốp-100 công ty vũ khí thế giới "

Tổng doanh số của các công ty công nghiệp quốc phòng Nga vẫn giữ mức ổn định. Trong tổng số 100 công ty buôn bán vũ khí lớn nhất thế giới có 10 đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Trong năm 2018, những công ty này đã bán vũ khí và các dịch vụ quân sự trị giá 36,2 tỷ USD,- nhưng cùng với đó, các chuyên gia SIPRI cũng chỉ ra rằng doanh số của các công ty Nga đã giảm không đáng kể, - giàm 0,4% so với năm 2017.

Đồng thời, do sự tăng trưởng doanh số của những công ty cạnh tranh từ các quốc gia khác, chủ yếu là Mỹ và Châu Âu, nên tỷ lệ doanh số ủa các nhà sản xuất vũ khí của Nga trong tổng doanh số của 100 công ty trong bảng xếp hạng đã giảm từ 9,7% xuống chỉ còn 8,6% trong năm 2018.

Tuy vậy- như thế vẫn đủ để Nga giữ vị trí thứ hai về doanh số bán vũ khí, chỉ sau Mỹ (59%). Tiếp theo là Anh với tỷ lệ chênh lệch (so với Nga) không đáng kể - 8.4% (35,1 tỷ USD, giảm 4,8% so với năm 2017).

Điều đáng chú ý là các công ty quốc phòng Nga đã chiếm vị trí thứ hai, vượt qua Anh từ năm 2017, và vẫn duy trì được vị trí này tính đến cuối năm 2018. Vị trí thứ tư thuộc về Pháp với tỷ lệ 5,5% (23,2 tỷ đô la).

Các công ty Nga được xếp hạng trong “Top 100” của SIPRI có mức độ phát triển khác nhau. Trong năm 2018, 5 công ty Nga tăng được doanh số bán vũ khí và ngược lại, 5 công ty khác giảm doanh sô bán ra.

Nhưng ngay cả đối với các công ty có doanh số tăng, không phải công ty Nga nào cũng cải thiện được vị trí của mình trong bảng xếp hạng. Chỉ có hai công ty Nga được nâng bậc so với năm 2017, đó là : tập đoàn “Almaz-Antey “ và tập đoàn “Uralvagonzavod”.

Vị trí của các công ty Nga trong bảng xếp hạng Top 100:

Vị trí thứ 9 (+1 (tức tăng một bậc) trong bảng xếp hạng): Tập đoàn “Almaz-Antey”. Doanh số bán vũ khí và cung cấp các dịch vụ quân sự năm 2018 của tập đoàn này là 9.640 triệu USD (tỷ trọng của các sản phẩm và dịch vụ quân sự trong tổng doanh số là 98%). Để so sánh: Doanh thu năm 2017 - $ 8.195 triệu.

Vị trí thứ 15 (-1 trong bảng xếp hạng tức hạ một bậc-ND): Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất Nga.. Năm 2018,- doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự của tập đoàn là 5.420 triệu USD (tỷ trọng của các sản phẩm và dịch vụ quân sự trong tổng doanh số là 83%). Doanh số năm 2017 - 6.168 triệu USD.

Vị trí thứ 18 (-3 trong bảng xếp hạng): Tập đoàn đóng tàu thống nhất (OSK ). Kết quả năm 2018,- doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự là 4.700 triệu USD (tỷ trọng các sản phẩm quân sự và dịch vụ quân sự trong tổng doanh số là 84%). Doanh số năm 2017 - 4,762 triệu USD.

Vị trí thứ 26 (-2 trong bảng xếp hạng): “Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật”. Trong năm 2018, doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự- 3.600 triệu USD (tỷ trọng các sản phẩm quân sự và dịch vụ quân sự trong tổng doanh số là 98%). Doanh thu năm 2017 - 3,443 triệu USD.

Vị trí thứ 33 (-1 trong bảng xếp hạng): Tập đoàn chế tạo động cơ thống nhất (ODK). Theo kết quả năm 2018, doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự- 2.950 triệu USD (tỷ trọng của các sản phẩm quân sự và dịch vụ quân sự trong tổng doanh số là 76%). Doanh số năm 2017 - 2.926 triệu USD.

Vị trí thứ 40 (-5 trong xếp hạng): Công ty “NPO “các tổ hợp chính xác cao. Theo kết quả năm 2018, doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự- 2.630 triệu USD (tỷ trọng của các sản phẩm quân sự và dịch vụ quân sự trong tổng doanh số là 97%). Doanh số năm 2017 - 2 706 triệu USD.

Vị trí thứ 45 (-2 trong bảng xếp hạng): công ty cổ phần “Ruselectronika”. Doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự năm 2018- 2.330 triệu USD (tỷ lệ các sản phẩm và dịch vụ quân sự trong tổng doanh số là 87%). Doanh số năm 2017 – 2.171 triệu USD.

Vị trí thứ 52 (-15 trong bảng xếp hạng): công ty “Máy bay lên thẳng Nga”. Đến hết năm 2018, doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự lên tới 1.810 triệu USD (tỷ trọng của các sản phẩm và dịch vụ quân sự trong tổng doanh số là 60%). Doanh số năm 2017 – 2.601 triệu đô la.

Vị trí thứ 53 (-7 trong bảng xếp hạng): Tập đoàn “Công nghệ vô tuyến điện tử (KRET)”. Đến hết năm 2018, doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự- 1.770 triệu USD (tỷ trọng của các sản phẩm và dịch vụ quân sự trong tổng doanh số là 92%). Doanh số năm 2017 – 2. 113 triệu USD.

Vị trí thứ 64 (+4 trong xếp hạng): Công ty cổ phần “NPK Uralvagonzavod”. Trong năm 2018, doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự của công ty này là 1.370 triệu USD (tỷ trọng các sản phẩm và dịch vụ quân sự trong tổng doanh số là 62%). Doanh số năm 2017 - 1,281 triệu USD.

Đầu tàu của Ngành công nghiệp quốc phòng Nga là Tập đoàn “Almaz-Antey”: trong năm 2018, chỉ riêng tập đoàn này đã có doanh số bán sản phẩm quân sự chiếm tới 27% tổng doanh số của 10 công ty công nghiệp quốc phòng lớn nhất Nga.

Thành công của tập đoàn này- phần lớn là do đã bán được các hệ thống phòng không S-400 “Triumph” đang rất được chuộng trên thị trường quốc tế và đang tiếp tục được Các Lực lượng Vũ trang Nga mua với số lượng lớn.

Trong bối cảnh, khi khối lượng mua vũ khí trang bị cho Quân đội Nga đang giảm, vì chương trình tái vũ trang quy mô lớn đang gần kết thúc, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga sẽ chủ yếu hy vọng vào các đơn hàng mới về xuất khẩu vũ khí.

Xu hướng này được thể hiện rõ nhất qua ví dụ của Tập đoàn “Các máy bay lên thẳng Nga”, - trong năm 2018, doanh số của tập đoàn giảm 30%, chủ yếu là do các đợt giao hàng loạt máy bay lên thẳng cho Quân đội Nga đã hoàn tất. Trong tương lai, có khả năng là tình hình sẽ được cải thiện nhờ đưa máy bay tiêm kích đa năng thế hệ năm Su-57 xâm nhập thị trường xuất khẩu.

Như kinh nghiệm với các hệ thống S-400 cho thấy, Nga sẵn sàng đàm phán bán các loại vũ khí mới nhất trên thị trường quốc tế vói các đối tác một cách linh hoạt. Ví dụ rõ nhất- là Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã trở thành khách mua hai tiểu đoàn S-400 Nga.

Mỹ thống trị thị trường vũ khí thế giới

Mỹ độc quyền thống trị thị trường vũ khí và dịch vụ quân sự trên thế giới. Trong top 100 công ty quốc phòng lớn nhất thế giới theo báo cáo trên của SIPRI, có tới 43 công ty của Mỹ. Các công ty Mỹ này chiếm 59% tổng doanh số tất cả các hợp đồng bán vũ khí và dịch vụ quân sự trên thế giới năm 2018.

Tổng doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự của các công ty Mỹ trong bảng xếp hạng lên tới 246 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2017. Lần đầu tiên tính từ năm 2002, năm vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng đều thuộc về các công ty Mỹ: Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics,- những công ty này đã đẩy nhà sản xuất vũ khí lớn như BAE Systems (Anh) xuống vị trí thứ sáu.

Chỉ riêng 5 công ty công nghiệp quốc phòng lớn nhất của Mỹ cũng đã có doanh số tới 148 tỷ USD, tức tới 35% tổng doanh số của 100 nhà sản xuất vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự và dịch vụ quân sự lớn nhất thế giới.

Theo các chuyên gia SIPRI, những sự kiện nổi bật trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ năm 2018- đó là các tiến trình liên kết của tất cả các công ty- nhà sản xuất sản xuất quốc phòng lớn nhất.

Theo Od Flirant, Giám đốc Chương trình chi tiêu cho vũ khí và chi phí quân sự của SIPRI thì các nhà sản xuất sản phẩm quân sự Mỹ đang tích cực liên kết với nhau để chế tạo các mẫu và hệ thống vũ khí thế hệ mới, cũng như để giành được các hợp đồng từ chính phủ Mỹ.

Giữ vị trí đầu tiên trên thế giới và trong số các công ty vũ khí của Mỹ một cách rất xứng đáng- đó là tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin. Trong năm 2018, tập đoàn này đã thu đươc 47,26 tỷ đô la, nhiều hơn cả doanh số của 10 công ty quốc phòng Nga trong bảng xếp hạng cộng lại.

Những thành công của nhà sản xuất này có liên quan chủ yếu đến việc Không quân Mỹ thực hiện một chương trình mua sắm quy mô lớn các máy bay tiêm kích- ném bom thế hệ năm F-35. Các lực lượng vũ trang Mỹ đã có kế hoạch mua 2.443 máy bay này với ba phiên bản, còn khoảng một nghìn máy bay F-35 Lightning II nữa được xuất khẩu.

Một số nhân tố khác

Đến cuối năm 2018, 80 công ty trong bảng xếp hạng Top 100 của Viện SIPRI là các công ty Mỹ, Châu Âu và Nga. Trong số 20 công ty quốc phòng lớn nhất còn lại có 6 công ty Nhật Bản, - Israel, Ấn Độ và Hàn Quốc, mỗi nước có 3 công ty, thêm hai công ty Thổ Nhĩ Kỳ và một công ty nữa– của Úc.

Trong số các quốc gia được liệt kê ở trên, có thể chỉ ra hai quốc gia nổi bật- họ đang tăng mạnh doanh số bán vũ khí của mình. Cụ thể, Hàn Quốc đã bán được 5,2 tỷ đô la vũ khí và các dịch vụ quân sự trong năm 2018 (tăng 9,9% so với năm 2017). Thổ Nhĩ Kỳ còn có những tiến bộ ấn tượng hơn- doanh số bán vũ khí chỉ trong một năm đã tăng 22%, đạt 2,8 tỷ USD.

Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách mới của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ưu tiên hiện đại hóa sâu Các lực lượng vũ trang và hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/cuoc-dua-khong-dungdoanh-so-ban-vu-khi-the-gioi-tang-manh-3393562/