Cuộc đua loại bỏ bao bì, vật dụng bằng nhựa

Cuối tháng 3.2019, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch loại bỏ hầu hết các vật dụng bằng nhựa dùng một lần, từ ống hút tới thìa khuấy cà phê và đĩa nhựa… Châu Âu đang đặt ra những tiêu chuẩn mới, tham vọng và là bước đi thúc đẩy các nước khác làm theo.

Seattle của Mỹ, Vancouver của Canada đã trở thành những thành phố lớn đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng ống hút nhựa dùng một lần. Tại châu Á, Đài Loan đang triển khai kế hoạch loại bỏ ống hút, cốc nhựa. Các thương hiệu lớn như Starbucks, McDonald’s, Marriott cũng công bố kế hoạch ngừng sử dụng ống hút nhựa.

Theo một báo cáo của tạp chí khoa học Science vào năm 2017, thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỉ tấn hiện ở dạng rác thải. Và 79% trong 6,3 tỉ tấn đó giờ đang nằm trong các bãi rác và môi trường tự nhiên. 25% đồ nhựa mà chúng ta muốn tái chế phải bị thải bỏ ra bãi rác vì chúng bị nhiễm độc thực phẩm và hóa chất nên không thể chuyển thành sản phẩm mới.

Các startup châu Âu khác cũng đang khám phá nhiều vật liệu khác nhau chẳng hạn như bao bì có thể ăn được làm từ rong biển do Skipping Rock Labs phát triển. Ảnh minh họa

Các startup châu Âu khác cũng đang khám phá nhiều vật liệu khác nhau chẳng hạn như bao bì có thể ăn được làm từ rong biển do Skipping Rock Labs phát triển. Ảnh minh họa

Những thông tin này buộc thế giới tiêu dùng cần có sự thay đổi triệt để; các công ty và chính phủ cần có những nỗ lực bền vững hơn để triển khai chính sách thân thiện với môi trường nhằm thay đổi tình trạng này.

Trong “bối cảnh đen tối và dường như vô vọng” đó, một làn sóng mới các công ty startup đã và đang xuất hiện để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhằm giảm thiểu lượng đồ nhựa sử dụng một lần trong đời sống của chúng ta. Và xét về tiềm năng kinh doanh thì đây là một thị trường rất lớn.

Tại Mỹ, lệnh cấm sử dụng ống hút nhựa tại những thành phố lớn như Seattle cũng mang lại cơ hội kinh doanh cho thị trường ống hút tái sử dụng. Hàng chục công ty sản xuất ống hút kim loại hoặc các chất liệu khác như tre ra đời nhưng vẫn còn vài vấn đề liên quan đến trải nghiệm của người tiêu dùng. Bỏ một chiếc ống hút vào giỏ xách thì nó sẽ bị bẩn và cảm giác khá phiền hà.

FinalStraw là một loại ống hút kim loại có đầu bịt bảo vệ bằng cao su, có thể xếp lại và cất vào hộp đựng. Bên trong hộp cũng có “chổi quét” có thể xếp lại và giá đỡ. Nhà sản xuất cố gắng làm cho mỗi phần của sản phẩm trở nên tiện lợi và an toàn để mọi người thực sự muốn sử dụng nó.

Sulapac – công ty startup trong lĩnh vực vật liệu biocomposite của Phần Lan – đã hợp tác với Công ty giấy Stora Enso để đưa một loại ống hút sinh học hoàn toàn tự hủy ra thị trường toàn cầu. Đối với những công ty lớn như Stora Enso, việc hợp tác với những startup như Sulapac là một cách chuẩn bị để giảm thiểu những tác động sắp xảy đến.

Ngoài ống hút, Sulapac cũng sản xuất các loại nắp đậy tự hủy sinh học. Một trong những lợi thế của Sulapac là vật liệu của công ty này có thể tương thích với các loại máy móc đang được sử dụng để sản xuất nhựa truyền thống. Vì thế, doanh nghiệp sẽ không cần phải đầu tư thêm nếu chuyển sang sản xuất các loại bao bì bằng vật liệu mới này.

Các startup châu Âu khác cũng đang khám phá nhiều vật liệu khác nhau chẳng hạn như bao bì có thể ăn được làm từ rong biển do Skipping Rock Labs phát triển. Tuy nhiên, thời hạn sử dụng cũng là một trở ngại đối với sản phẩm của công ty này. Chỉ sau vài ngày, sản phẩm bao bì Ooho của Skipping Rock Labs sẽ co lại và cũng dễ bị rách, không thể dán kín. Vì thế, nó trở nên kém hấp dẫn với những khách hàng tiềm năng như khách sạn, một thị trường có nhu cầu lớn đối với bao bì dành cho các loại sản phẩm vệ sinh cá nhân cỡ nhỏ. Ooho chỉ được sử dụng giới hạn cho các sản phẩm tiêu dùng ngay như nước uống tại các lễ hội và gói nhỏ đựng thức ăn nhanh. Giá cả cũng là một thách thức.

Các loại bao bì tự hủy sinh học vẫn còn khá đắt so với bao bì nhựa. Một chiếc ống hút Sulapac có giá đắt hơn ba lần so với ống hút nhựa. Công ty này cho biết nếu sản xuất với số lượng lớn hơn thì chất liệu biocomposite có thể cạnh tranh về giá so với nhựa, nhưng điều này chưa thể xảy ra trong tương lai gần.

Hiện tại, Sulapac đang hợp tác với những thương hiệu cao cấp chẳng hạn như Chanel – khách hàng của những thương hiệu này có thể dễ dàng chấp nhận mức giá cao của bao bì thay thế. Tipa, một startup của Israel, đang giải quyết vấn đề của bao bì linh hoạt như loại dùng để gói cà phê, thực phẩm tươi sống và đồ ăn vặt. Nếu như các loại bao bì nhựa dạng cứng có thể được tái chế một phần thì bao bì linh hoạt rất khó tái sử dụng. Công ty này tạo ra một loại màng sinh học có thể tự phân hủy thành chất hữu cơ sau sáu tháng.

Chất liệu này đã được những khách hàng như siêu thị Hà Lan Ekoplaza sử dụng.

Vào tháng 2.2019, Ekoplaza đã xuất hiện trên nhiều dòng tít báo chí do tạo ra một khu vực “hoàn toàn không nhựa” trong các cửa hàng của họ. Dù vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra cho tương lai của nhựa sinh học nhưng các công ty và nhà đầu tư đang nhận thấy một cơ hội lớn khi lệnh cấm bao bì, đồ nhựa sử dụng một lần bắt đầu có hiệu lực trên khắp châu Âu trong ba năm tới. Tipa huy động được 11 triệu USD trong vòng gọi vốn series-B vào cuối năm 2017 từ các nhà đầu tư như GreenSoil Investments, Horizons Ventures và quỹ đầu tư của tỉ phú Hong Kong Lý Gia Thành. Sulapac nhận được 3 triệu euro trong lần gọi vốn vòng hạt giống và đang có kế hoạch gọi vốn vòng series-A vào năm 2019.

Tâm Mai

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cuoc-dua-loai-bo-bao-bi-vat-dung-bang-nhua-18184.html