'Cuộc đua nam tính' khiến sếp ghét nhân viên làm việc tại nhà

Nhiều CEO coi mọi thứ là cuộc đua của sự nam tính và nơi văn phòng là đấu trường, họ cho rằng nhân viên làm việc từ xa là những kẻ mềm yếu.

Kể từ khi Covid-19 được đẩy lùi, các CEO ở Mỹ đã thực hiện chiến dịch để kiên quyết lôi kéo nhân viên trở lại văn phòng. Các ngân hàng lớn là nhóm dẫn đầu cuộc tấn công, yêu cầu mọi người quay lại văn phòng và đe dọa sa thải những ai không tuân thủ.

Trong những tháng gần đây, ngay cả Disney và Salesforce, những công ty mà chỉ hai năm trước đã tuyên bố "ngày làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều đã chết", cũng bắt đầu buộc nhiều nhân viên phải đến văn phòng 4 ngày/tuần.

Sau cuộc chiến kéo dài một năm để kéo nhân viên làm việc toàn thời gian tại chỗ, ông lớn ngành ngân hàng Goldman Sachs tự hào đạt được tỷ lệ trở lại tương đương mức trước khi xảy ra đại dịch.

Theo Insider, nhiều chủ doanh nghiệp nghĩ rằng làm việc tại nhà chỉ dành cho những kẻ mềm yếu.

Jamie Dimon - CEO của JPMorgan Chase, ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ - tuyên bố làm việc tại nhà "không phù hợp với những người thích văn hóa hối hả". Elon Musk yêu cầu nhân viên cam kết thực hiện một lịch trình "khắc nghiệt", làm việc cường độ cao.

Trong một bài báo gần đây trên tờ The New York Times, giám đốc điều hành tài chính Steven Rattner đã phản đối việc làm việc tại nhà, coi nó như một bằng chứng cho thấy nước Mỹ đã "mềm yếu".

Cuộc đua nam tính

Ngay cả khi nhân viên chứng minh rằng họ có thể làm việc tốt khi không có mặt ở văn phòng, các CEO lớn tuổi vẫn muốn mọi thứ trở lại như cũ. Những nhà lãnh đạo này có quan điểm rõ ràng rằng văn phòng là để làm việc, còn nhà là lãnh địa của phụ nữ, nơi họ làm những thứ không được trả lương.

Trong suy nghĩ của nhiều ông chủ, làm việc tại nhà là một nghịch lý.

"Họ là những người đàn ông có quan điểm rất truyền thống, coi nhà là lãnh địa của các bà vợ và văn phòng làm việc là lãnh địa của đàn ông", Joan Williams, giám đốc Trung tâm Luật Đời sống Công việc tại Đại học Luật California, cho biết.

Williams lấy dẫn chứng là tỷ phú Elon Musk - người coi mọi thứ là cuộc đua của sự nam tính và nơi văn phòng là đấu trường quan trọng. "Họ (các ông chủ) không muốn tiếp tục cho làm việc tại nhà. Đây không phải vấn đề năng suất làm việc, mà là về sự nam tính".

Ba thập kỷ trước, Williams đã đặt cho "cuộc đua nam tính" này một cái tên gọi hàn lâm, đó là "tiêu chuẩn của người lao động lý tưởng".

"Người lao động lý tưởng được coi là người bắt đầu làm việc từ khi còn rất trẻ và làm toàn thời gian, toàn lực trong 40 năm không nghỉ, không dừng lại để sinh con, nuôi dạy con cái, hay bất cứ việc gì khác", cô giải thích.

Nhưng phần lớn chúng ta biết về kiểu làm việc đó với cụm từ "văn hóa hối hả". Đó là một văn hóa làm việc bị đánh giá lỗi thời, đậm tính phân biệt giới tính.

 Nhiều ông chủ coi nhân viên thích làm việc linh hoạt là kẻ mềm yếu. Ảnh: Pexels.

Nhiều ông chủ coi nhân viên thích làm việc linh hoạt là kẻ mềm yếu. Ảnh: Pexels.

Chuẩn mực của "người lao động lý tưởng" ra đời vào thời điểm đàn ông đi làm, còn phụ nữ thì không. Lý do khiến đàn ông có thể cống hiến hết mình cho công việc là họ có vợ ở nhà chăm sóc gia đình.

Ngay cả khi nhiều phụ nữ bắt đầu tham gia vào lực lượng lao động vào những năm 1970, kỳ vọng nhân viên phải cống hiến hết mình cho công việc không hề lay chuyển. Phụ nữ đi làm cố gắng sống theo chuẩn mực của đàn ông, nhưng họ không thể. Khác với chồng của họ, phụ nữ không có những "người vợ" của riêng mình để toàn tâm toàn ý đi làm.

Có hai giải pháp rõ ràng cho tình thế tiến thoái lưỡng nan này: hoặc đàn ông có thể giặt giũ và chăm sóc trẻ nhiều hơn; hoặc các ông chủ có thể khiến công việc trở nên linh hoạt để phụ nữ có thể sắp xếp giữa công việc và gia đình.

Nhiều công ty có văn hóa tốt đã cho nhân viên nữ lựa chọn làm việc tại nhà hoặc làm việc bán thời gian. Nhưng sự linh hoạt đi kèm cái giá phải trả rất đắt.

Nghi ngờ về hiệu suất thực sự, các ông chủ lặng lẽ trừng phạt những phụ nữ chọn làm việc linh hoạt bằng cách giao cho họ những nhiệm vụ nhàm chán và từ chối thăng chức.

Các nghiên cứu cho rằng những người đàn ông có tư duy bình đẳng, nhóm yêu cầu sự linh hoạt, cũng phải trả giá. Họ bị sếp và đồng nghiệp xa lánh vì vi phạm các chuẩn mực nam tính, sự nghiệp của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều phụ nữ lập gia đình thấy bản thân phải bước lùi khỏi công việc. Họ không có lựa chọn. Khi có con, họ không thể ở lại văn phòng muộn hoặc bay đi công tác mỗi tuần, cũng không thể trả lời điện thoại công việc 24/7.

Theo cách nói của Williams, làm việc tại nhà đã trở thành một "khu ổ chuột nữ tính hóa", khiến phụ nữ mắc kẹt trong những công việc bế tắc.

Bước tiến và rủi ro

Khi đại dịch ập đến, mọi thứ thay đổi: mọi người, cả nam giới và phụ nữ, người có gia đình hay độc thân, người già đến trẻ đều làm việc ở nhà. Điều đó có nghĩa làm việc linh hoạt không còn của riêng phụ nữ.

Bên cạnh đó, một khi đã được thử cảm giác làm việc tại nhà, những ông bố cũng nhận ra mình thích dành thời gian với con cái. Những người lao động trẻ cũng thấy họ tập trung tốt hơn khi không bị các yếu tố ở văn phòng làm phiền.

Theo một cuộc khảo sát quốc gia do các nhà kinh tế tại Stanford, Đại học Chicago và ITAM thực hiện, 2/3 người lao động nói rằng trong số những người họ biết, nhận thức về công việc từ xa đã thay đổi trong thời kỳ đại dịch.

Ngay cả những người "nghiện công việc" cũng trở nên linh hoạt hơn, nhiều người trong số đó không còn phải làm việc toàn thời gian ở văn phòng hay đi công tác thường xuyên.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy 10% nam giới có thu nhập cao nhất đã làm việc ít hơn 77 giờ vào năm 2022 so với năm 2019. Theo một phân tích khác, những đàn ông đã kết hôn đang sử dụng thời gian rảnh rỗi mới có được của họ để làm việc nhà.

Đó có thể là sự khởi đầu của một chu kỳ đạo đức - trong đó thế giới công việc mới sẽ mở ra cho những phụ nữ có gia đình, trong khi chồng của họ sẽ đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong gia đình.

Xu hướng mới được kỳ vọng đem lại cho phụ nữ nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Ảnh: Vlada Karpovich/Pexels.

Nhưng thay vì cố gắng đạt được những lợi ích đó và tạo điều kiện cho phụ nữ thăng tiến trong lực lượng lao động, một số CEO cố gắng "tái kỳ thị tính linh hoạt" bằng cách cấm làm việc tại nhà.

Goldin, nhà sử học kinh tế, nói: "Quay trở lại vị trí trước đây nghĩa là chúng ta không đạt được bất kỳ lợi ích nào".

Chấp nhận làm việc từ xa là một khởi đầu tốt, nhưng nó đi kèm với rủi ro.

Các cuộc khảo sát đã phát hiện ra rằng phụ nữ có nhiều khả năng thích lịch trình chủ yếu làm từ xa hơn nam giới. Nếu đàn ông là những người duy nhất đến văn phòng mọi lúc và nói chuyện với các ông chủ, họ có khả năng vượt lên trên những người khác.

Các công ty khuyến khích và hỗ trợ làm việc tại nhà cũng cần đảm bảo rằng không coi những người làm việc từ xa là "công dân hạng hai".

Dựa vào thực tế, có thể hiểu được tại sao rất nhiều CEO mong mỏi sự trở lại văn phòng của toàn bộ nhân viên. Xét cho cùng, việc quản lý quy mô lớn sẽ dễ dàng hơn khi áp dụng phương pháp "một tiêu chuẩn cho tất cả".

Tình hình có thể trở nên khó khăn khi doanh nghiệp phải cố gắng đáp ứng tất cả sở thích, nhu cầu khác nhau của các nhân viên thuộc nhiều nhóm nhân khẩu học.

Ngoài ra, các công việc khác nhau đòi hỏi mức độ hợp tác khác nhau: trong khi người quản lý sản phẩm thường cùng với các bên liên quan giải quyết vấn đề, còn các kỹ sư phần mềm có thể tự viết mã độc lập.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, một số CEO đã ví công việc từ xa như việc mở chiếc hộp Pandora. Mở nắp lên và không biết nhân viên sẽ đưa ra loại yêu cầu mới nào.

Nhưng cho dù các CEO lớn của nước Mỹ có thích hay không, một trạng thái bình thường mới đã được thiết lập. Phụ nữ làm việc tại nhà không còn là điều sai trái nữa.

Đại dịch đã bác bỏ quan niệm sai lầm rằng công việc và gia đình là những lĩnh vực riêng biệt, phân chia theo giới tính.

"Người lao động lý tưởng trong hầu hết ngành nghề đã thay đổi từ 'làm toàn thời gian tại chỗ và làm thêm giờ' sang làm việc linh hoạt. Đó là một sự thay đổi lớn. Nó tốt hơn cho phụ nữ. Tốt hơn cho cả những người đàn ông thực sự muốn hiện diện ở nhà", Williams nói.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-dua-nam-tinh-khien-sep-ghet-nhan-vien-lam-viec-tai-nha-post1422807.html