Cuộc đua ngầm ở câu lạc bộ những người đi vòng quanh thế giới

Theo nhà sáng lập của một trong những câu lạc bộ dành cho người đi vòng quanh thế giới, khoảng 400 người đã hoàn thành việc đặt chân đến mọi quốc gia.

Khi Internet phát triển, câu chuyện du lịch cũng thay đổi theo. Ngày nay, mọi người có thể tìm thấy kinh nghiệm cho các chuyến đi hay trở nên nổi tiếng một cách dễ dàng hơn.

Việc đánh dấu những quốc gia từng đặt chân đến không còn giới hạn ở các đối tượng lắm tiền. Năng lực truyền thông có thể giúp những người đam mê xê dịch tìm thấy nguồn tài trợ. Kết quả là số người chu du quanh thế giới trở nên đông hơn.

Các cộng đồng trực tuyến dành riêng cho những đối tượng này cũng ra đời. Mỗi nơi có mục đích và luật lệ riêng. Tuy nhiên, phần lớn các nhóm có rất ít điều kiện chung. Vì vậy, những gì được tính đối với nhóm này có thể không được nhóm khác công nhận.

Ngày nay, cơ hội chu du khắp thế giới không chỉ dành cho những người lắm tiền. Ảnh: Conde Nast Traveler.

Sân chơi của những người khám phá thế giới

Ra đời vào năm 1954, The Travelers' Century Club (TCC) chỉ dành cho những người đã đến thăm ít nhất 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo JoAnn Schwartz, chủ tịch của TTC, ngày nay, thế giới có 327 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Chúng tôi hầu như hoạt động giống một hệ thống danh dự. Với các hồ sơ gửi đến, chúng tôi xem xét kỹ và thỉnh thoảng gửi đến ứng viên một số câu hỏi", ông nói.

Với gần 1.500 thành viên, Schwart tuyên bố phạm vi sở thích và phong cách du lịch của nhóm rất rộng.

Trong khi đó, Most Traveled People (MTP), thành lập vào năm 2005, chia thế giới thành 891 nơi gồm các quốc gia, bang, tỉnh và nhóm đảo. Việc quá cảnh tại sân bay hay chỉ đặt chân đến biên giới không được tính là đã du lịch đến quốc gia đó. Tuy nhiên, tổ chức này không có yêu cầu về thời gian tối thiểu dành cho mỗi chuyến đi.

Tương tự, Nomad Mania chia thế giới thành 1.281 khu vực, bao gồm quần đảo Tân Siberia của Nga và vùng Catalonia của Tây Ban Nha.

Mỗi cộng đồng dành cho người du lịch vòng quanh thế giới lại có những yêu cầu riêng. Ảnh: Guinness.

"Nomad Mania là nền tảng duy nhất xác minh các thông tin của phượt thủ một cách chi tiết nên không ai có thể nghi ngờ tính xác thực của điều đó", Harry Mitsidis, người sáng lập ra Nomad Mania, nói.

Nhóm này kiểm tra thông tin bằng cách chọn các nước một cách ngẫu nhiên và hỏi phượt thủ những thông tin liên quan như quy định về giấy tờ để đến thăm quốc gia đó.

"Chúng tôi nhấn mạnh vào những điều mọi người thực sự nhìn thấy, những thứ không xuất hiện ở sân bay hay biên giới", ông cho hay.

Một ông lớn khác trong sân chơi của những người thích chu du là kỷ lục Guinness. Những phượt thủ muốn ghi danh với tổ chức này cần nộp hồ sơ bao gồm dấu mộc trên hộ chiếu, nhật ký ghi trên điện thoại di động hay tọa độ định vị GPS.

Khác với nhiều bên, Guinness công nhận quá cảnh tại các sân bay đồng nghĩa với việc đã đặt chân đến quốc gia đó. Tuy nhiên, tổ chức này lại yêu cầu phượt thủ phải đặt chân đến một số hòn đảo không có người ở.

Tranh cãi về các điều kiện

"Nhiều phượt thủ nói với tôi rằng số lượng là một trong những vấn đề chính của các cộng đồng trong sân chơi. Dù phần lớn hoạt động như những diễn đàn tư vấn về du lịch thế giới, các cuộc thảo luận tại đây có thể nhanh chóng biến thành tranh luận", Mitsidis chia sẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, Jessica Nabongo, phượt thủ đang trên hành trình trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên đặt chân đến mọi quốc gia trên thế giới nói: "Một số người có thể đến một đất nước trong 2 tuần nhưng không bao giờ trò chuyện cùng người địa phương, trong khi một số khác chỉ ở đó 48 tiếng nhưng dành thời gian với một gia đình bản địa rất nhiều. Vậy, bên nào sẽ hiểu về quốc gia đó nhiều hơn? Câu trả lời sẽ dẫn đến vấn đề bạn cần bao nhiêu thời gian. Song, bao nhiêu là đủ?".

Gunnar Garfors, phượt thủ đầu tiên đến thăm mọi quốc gia trên thế giới ít nhất 2 lần và có 10 kỷ lục thế giới liên quan đến du lịch, chỉ ra rằng cuộc sống luôn có giới hạn về thời gian và tất cả chỉ sống một lần. Do đó, mọi kế hoạch phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, trong các cộng đồng, nơi ngôi sao du lịch được tính bằng dấu mộc trên hộ chiếu, những người trong cuộc cho rằng ranh giới giữa cạnh tranh và hợp tác khá phức tạp.

Sal Lavallo đặt chân đến mọi quốc gia trên thế giới ngay sau sinh nhật lần thứ 27. Ảnh: Conde Nast Traveler.

Sal Lavallo, một trong những người trẻ nhất đặt chân đến mọi quốc gia trên thế giới, nhận định: "Đây không phải là cuộc thi, cũng không phải là tín ngưỡng. Đối với một số người, thành tích rất có ích. Song với một số khác, điều đó chẳng là gì".

Những phượt thủ muốn phá kỷ lục và những người nhắm đến thành tích check-in có xu hướng cạnh tranh. Trong khi đó, những người xê dịch vì sở thích riêng thì ngược lại.

Mặt khác, tình trạng căng thẳng bắt nguồn từ hệ thống danh dự. Nhiều tranh cãi về vấn đề ai là người đạt kỷ lục trước đã xảy ra.

Cassie de Pecol, người giữ 2 kỷ lục Guinness về đến thăm các quốc gia có chủ quyền trong thời gian nhanh nhất, trở thành chủ đề của nhiều cuộc tranh cãi. Cô được biết đến là người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên đến thăm mọi quốc gia trên thế giới.

Theo De Pecol, chuyện một người đặt chân đến mọi quốc gia trên thế giới rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu là các danh hiệu được nêu trong những cuốn sách lịch sử hay phá vỡ kỷ lục thế giới, họ cần bằng chứng.

Khi danh hiệu là một cuộc đua

Trong những thập kỷ trước, thậm chí nhiều thế kỷ trước, chuyện này khá khó khăn. Đó là lý do nhiều người vinh danh Amelia Earhart là người phụ nữ đầu tiên bay qua Đại Tây Dương một mình hay Nellie Bly với chuyến đi vòng quanh thế giới trong 72 ngày. Nguyên nhân là những người này đã chứng minh được việc làm của họ.

Với một số người, họ xê dịch vì muốn phá kỷ lục. Với một số khác, họ du lịch vì sở thích. Ảnh: Shutterstock, Lonely Planet.

Tuy nhiên, De Pecol thừa nhận hoàn cảnh đã thay đổi rất nhiều trong những thập kỷ qua. Thành tích không chỉ là sự công nhận. Thiết lập kỷ lục còn là món quà trời ban với hàng trăm nghìn người theo dõi, kèm theo sự nổi tiếng và những lợi ích khó chối từ.

"Càng có nhiều người theo dõi, bạn càng sở hữu những món quà béo bở. Đó là cuộc chiến thực sự để tồn tại trong cộng đồng du lịch, để trở thành phượt thủ thú vị nhất. Thế giới rất tươi đẹp nhưng Internet có thể là địa ngục trần gian", cô nói.

Phản ứng dữ dội từ cộng đồng khiến một số người chọn ngôn ngữ mơ hồ khi nói về thành tích. Một điển hình là Lavallo. Dù một số người gọi anh là phượt thủ trẻ nhất thế giới đến thăm mọi quốc gia, anh thích nhận mình là "một trong những người trẻ nhất" bởi "không muốn làm mất lòng ai".

Giới tính và chủng tộc cũng tham gia vào cuộc chơi về danh hiệu.

"Mọi người có thể khá tàn nhẫn bởi họ chỉ là người bình thường", Lavallo đề cập đến những thành viên hay chỉ trích người khác.

Theo Mitsidis, một trong những người giữ kỷ lục toàn diện nhất, khoảng 400 người đã hoàn thành công cuộc đặt chân đến mọi quốc gia trên thế giới. Con số này dựa trên những nghiên cứu, câu chuyện và ước tính những người không muốn nổi tiếng.

"400 không phải số người quá lớn nhưng đang tăng trưởng theo từng tuần. Khi tôi hoàn thành chuyến đi đến mọi quốc gia vào năm 2008, tôi nghĩ những người làm được điều đó chỉ khoảng 20", ông nói.

Trong khi đó, Schwatz của TTC cho rằng: "Chúng ta đều có những đánh giá khác nhau về loại hình du lịch nào là tốt nhất. Mọi người chỉ nên làm những gì mình thích và không nên lo lắng về những điều người khác đang làm. Nếu bạn đang có những trải nghiệm tuyệt vời khi khám phá thế giới, bạn đã làm đúng".

Cô gái người Mỹ 21 tuổi đi du lịch 196 nước Lexie Alford, cô gái người Mỹ đã hiện thực hóa giấc mơ đặt chân đến mọi quốc gia trên thế giới ở tuổi 21. Cô đã phải dành dụm tiền từ năm 12 tuổi để thực hiện chuyến đi này.

Kim Ngân
Theo Conde Nast Traveler

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-dua-ngam-o-cau-lac-bo-nhung-nguoi-di-vong-quanh-the-gioi-post940598.html