Cuộc đua tìm kiếm vắc-xin ngừa Covid-19

Chiến dịch chủng ngừa lớn nhất trong lịch sử đang diễn ra. Hơn 1,28 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được phân phối ở 174 nước.

Chiến dịch chủng ngừa lớn nhất trong lịch sử đang diễn ra. Hơn 1,28 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được phân phối ở 174 nước và tỷ lệ mới nhất đạt khoảng 19,7 triệu liều/ngày.

Trên đây là số liệu mà hãng tin Bloomberg thu thập được, cập nhật ngày 9/5. Riêng ở Mỹ, 257 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm cho người dân tính đến nay.

Bloomberg chỉ ra rằng hơn 1,28 tỷ liều vắc-xin đã được phân phối là đủ để tiêm ngừa đầy đủ cho 8,4% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, việc phân phối diễn ra không cân bằng. Các quốc gia và khu vực có thu nhập cao nhất đang tiến hành tiêm chủng với tốc độ nhanh hơn khoảng 25 lần so với những quốc gia có thu nhập thấp.

Biểu đồ của Bloomberg thể hiện sự tiếp cận vắc-xin không đồng đều giữa các nước nghèo nhất (màu xám) và giàu nhất (xanh).

Tuy các loại vắc-xin tốt nhất có hiệu quả ngừa Covid-19 tới 95% nhưng cần có một chiến dịch phối hợp mới có thể ngăn chặn được đại dịch.

Trên quy mô toàn cầu, các chiến dịch tiêm chủng gặp rất nhiều khó khăn. Cứ đà hiện tại là 19,7 triệu liều mỗi ngày, sẽ mất nhiều năm mới đạt được mức độ miễn dịch đáng kể trên toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang tăng đều đặn và các loại vắc-xin mới của các nhà sản xuất bổ sung sắp được tung ra thị trường.

Bloomberg cho biết, hãng tin này đang theo dõi 9 vắc-xin hứa hẹn nhất trên toàn cầu. Hiện có 7 vắc-xin đã được đưa vào sử dụng, với số lượng hạn chế, ở ít nhất 174 quốc gia.

Mỹ dẫn đầu cuộc tiếp cận vắc-xin không đồng đều

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, các quốc gia đã đối mặt tình trạng tiếp cận vắc-xin không đồng đều, và hiệu quả tiêm vắc-xin cho người dân cũng không giống nhau.

Trước tháng 3, chỉ vài quốc gia châu Phi nhận được một lô vắc-xin đơn lẻ, trong khi tại Mỹ có tới 77,5 liều được tiêm trên 100 người.

Chuyển giao hàng tỷ liều để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trên toàn thế giới sẽ là một trong những thách thức hậu cần lớn chưa từng có.

Để tránh tích trữ vắc-xin, các tổ chức y tế toàn cầu khuyến khích các nước mua vắc-xin thông qua sáng kiến Covax, một liên minh toàn cầu được thành lập để chia sẻ vắc-xin với các nước nghèo hơn. Tuy nhiên, trong số gần 190 quốc gia đã tham gia sáng kiến, có khoảng 30 nước thu nhập cao đã đàm phán thỏa thuận trực tiếp với các nhà sản xuất để bảo đảm có đủ, thậm chí dư thừa, cho công dân của mình.

Mỹ dẫn đầu thế giới về tổng số vắc-xin được sử dụng và đang tiếp tục có thêm nguồn cung. Các nhà sản xuất vắc-xin cam kết cung cấp đủ số liều để tiêm đầy đủ cho hơn 300 triệu người Mỹ vào cuối tháng 6.

Việc phân phối vắc-xin ở Mỹ do chính phủ liên bang trực tiếp chỉ đạo. Vắc-xin của Pfizer và BioNTech cũng như của Moderna đều yêu cầu tiêm 2 liều cách nhau vài tuần. Vắc-xin của J&J chỉ tiêm một liều duy nhất.

Đến nay, 151 triệu người Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin – tương đương 58,7% dân số trưởng thành. Khoảng 113 triệu người đã được tiêm đầy đủ.

Các nhà sản xuất vắc-xin cam kết 700 triệu liều cho Mỹ vào cuối tháng 7 – đủ để tiêm cho 400 triệu người. Biểu đồ của Bloomberg

EU mua thêm 1,8 tỷ liều

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leye, hôm 8/5, thông báo EU ký hợp đồng mua thêm 1,8 tỷ liều vắc-xin Pfizer để chống Covid-19 cho tới năm 2023.

Theo bà Ursula von der Leye, Ủy ban châu Âu vừa phê duyệt hợp đồng mua 900 triệu liều vắc-xin Pfizer cùng với 900 triệu liều khác tùy chọn với hai hãng dược phẩm BioNTech và Pfizer. EU cũng sẽ ký kết các hợp đồng và công nghệ vắc-xin khác trong thời gian tới.

Đây là hợp đồng thứ 3 được ký giữa EU với các hãng sản xuất vắc-xin Đức và Mỹ.

Trước đó, vào tháng 11/2020 và tháng 1/2021, EU đã đặt mua 300 triệu liều vắc-xin mỗi đợt. Trong quý 1 năm nay, EU đã nhận được 67 triệu liều Pfizer và dự kiến nhận thêm 250 triệu liều trong quý 2. Khoảng 280 triệu liều khác sẽ được bàn giao trong 6 tháng cuối năm nay.

Chủ tịch EU cho biết, chiến dịch tiêm chủng ở EU đang tăng tốc cho hơn 447 triệu dân để có thể sớm dỡ bỏ các hạn chế và khôi phục hoạt động trên các lĩnh vực, nhất là ngành dịch vụ và du lịch.

Theo Reuters, EU – nằm trong số những nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới – cũng là nhà xuất khẩu chủ chốt, với 200 triệu liều đã được vận chuyển ra khỏi khối này. Mỹ và Anh không xuất khẩu bất kỳ vắc-xin nào mà hai nước bào chế.

Điều này đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng chỉ trích cả hai nước. Ngày 8/5, ông kêu gọi dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu vắc-xin và các thành phần của vắc-xin, nhấn mạnh rằng các quốc gia giàu có phải mở rộng năng lực vắc-xin của mình để giúp đỡ các nước kém phát triển hơn.

"Để vắc-xin lưu hành, các thành phần vắc-xin và chính vắc-xin không thể bị phong tỏa", ông nói.

Thái Lan tìm cách mua 200 triệu liều

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu mua 100 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 để tiêm cho 50 triệu người trong tổng dân số khoảng 70 triệu người nhằm tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hôm 7/5 tuyên bố, Thái Lan sẽ mua 200 triệu liều để phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn và bất trắc trong trường hợp khẩn cấp vì đại dịch vẫn diễn biến nghiêm trọng ở nhiều quốc gia.

Thái Lan tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 cho các nhân viên y tế tuyến đầu. Ảnh: AP

Ông cho biết, các cơ quan chính phủ Thái Lan đang đàm phán với 7 nhà sản xuất nhưng ông đã chỉ thị họ phải chủ động hơn nữa trong việc mua vắc-xin. Các nỗ lực cũng đang được tiến hành để thương lượng với các hãng sản xuất vắc-xin khác.

Tuy nhiên, Tướng Prayut nói rằng các hợp đồng mua phải tuân thủ các quy định của các cơ quan hữu trách như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm.

Một ưu tiên khác nữa là tiêm càng nhiều liều vắc-xin đầu tiên càng nhanh càng tốt vào tháng 7, khi dự kiến một nửa dân số Thái Lan trưởng thành sẽ được tiêm mũi đầu tiên để có đủ khả năng bảo vệ khỏi những tác động tồi tệ nhất của virus.

Indonesia hợp tác với Trung Quốc

Cũng trong ngày 7/5, tổng cộng 1.389.600 liều vắc-xin AstraZeneca phòng COVID-19 đã đến sân bay Soekarno Hatta, Cengkareng, Indonesia. Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết đây là số vắc-xin mà Indoensia nhận được thông qua chương trình Covax.

Trước đó, Indonesia đã nhận được 55.000 liệu vắc-xin AstraZeneca thông qua Covax. Tổng số vắc-xin loại này mà Indonesia tiếp nhận trong đợt này là 1.444.600 liều.

Tính đến nay, Indonesia nhận được tổng cộng 75.910.000 liều vắc-xin, trong đó 68,5 triệu liều Sinovac, 6,41 triệu liều AstraZeneca và 1 triệu liều Sinopharm.

Hãng dược phẩm Indonesia PT Bio Farma cho biết Công ty dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc cam kết cung cấp 7,5 triệu liều cho quốc đảo này và sẽ bàn giao dần từ nay đến tháng 9 tới.

Hồi tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác vắc-xin với Indonesia.

Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Joko Widodo, ông Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ giúp Indonesia xây dựng một trung tâm sản xuất vắc-xin tầm cỡ khu vực, và khẳng định hai nước chia sẻ quan điểm phản đối "chủ nghĩa dân tộc vắc-xin".

Chiến dịch tiêm chủng đầy tham vọng của Campuchia

Chính phủ Campuchia dự định chi hơn 83,625 triệu Riel, tương đương 20,59 triệu USD, cho chiến dịch tiêm chủng kéo dài 9 tháng, từ tháng 4 đến tháng 12/2021.

Theo Kế hoạch Tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19 được Campuchia công bố ngày 7/5, khoản tiền trên không bao gồm việc mua vắc-xin.

Tiêm ngừa Covid-19 ở Campuchia. Ảnh: Reuters

Trong thời gian 9 tháng, ít nhất 1 triệu liều vắc-xin dự kiến sẽ được tiêm mỗi tháng, thực hiện bởi 200-250 đội y tế, hoặc 2.000 đến 2.500 nhân viên y tế, trên cả nước.

Theo Khmer Times, Campuchia có kế hoạch tiêm ngừa Covid-19 cho khoảng 10 triệu người, tương đương 62% tổng dân số, và đến giữa năm 2022 dự kiến tiêm cho hơn 95% dân số.

Đến nay, Campuchia đã mua được hơn 4 triệu liều vắc-xin, bao gồm 1,7 triệu liều Sinopharm được Trung Quốc tặng, 2 triệu liều Sinovac mua của Trung Quốc và 324.000 liều AstraZeneca / SII (COVISHIELD) được cung cấp thông qua Covax. Nước này sắp có thêm 1 triệu liều vào giữa tháng 5.

Bộ Y tế Campuchia cho biết, tính đến ngày 6/5, khoảng 1,6 triệu người gồm quân nhân và dân thường nước này đã được tiêm ngừa Covid-19.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/cuoc-dua-tim-kiem-vacxin-ngua-covid19-n-474637.html