'Cuộc đua xe tăng' mới tại châu Âu

Hãng chế tạo Đức Rheinmetall vừa giới thiệu pháo tăng cỡ 130 mm mới NG 130 được cho là để đối trọng với dòng xe tăng T-14 Armata của Nga. Không chỉ có Đức, Pháp trước đó cũng đang phát triển pháo tăng cỡ 140 mm với cùng mục tiêu tương tự.

Rõ ràng, một “cuộc đua xe tăng” mới đang diễn ra tại lục địa già với điểm khởi đầu chính là sự xuất hiện của xe tăng T-14 Armata của Nga vào năm 2015.

Những cỗ xe tăng của lục địa già

Theo đánh giá của Tạp chí Defense Talk, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với sự tan rã của Liên Xô, các quốc gia phương Tây đã không coi trọng phát triển các phương tiện chiến đấu trên bộ mới, trong đó có xe tăng. Phần lớn các dòng xe tăng được trang bị trong biên chế các quốc gia Tây Âu đều được phát triển từ những thập kỷ 1980, 1990 của thế kỷ 20. Dù chúng vẫn được nâng cấp thường xuyên, nhưng chủ yếu nhằm mục tiêu kéo dài niên hạn sử dụng, chứ không phải là nâng cấp sức mạnh.

Điều này đã thay đổi đáng kể vào năm 2015, khi Nga bất ngờ cho ra mắt xe tăng T-14 Armata với nhiều tính năng kỹ-chiến thuật vượt trội so với các dòng xe tăng truyền thống trước đó của Liên Xô như: T-72, T-80 và thậm chí là cả T-90. T-14 Armata không phải là một bản nâng cấp của xe tăng truyền thống, mà là nền tảng phương tiện thiết giáp hạng nặng hoàn toàn mới có tiềm năng nâng cấp và tích hợp nhiều công nghệ trong nhiều thập kỷ tới.

 Pháo chính cỡ 130mm của Đức...

Pháo chính cỡ 130mm của Đức...

... hay cỡ 140mm của Pháp đều là sản phẩm ra đời vội vàng trước sự xuất hiện của xe tăng T-14 Armata của Nga.

Chính vì sự xuất hiện của xe tăng T-14 Armata, phương Tây đã giật mình nhìn lại lực lượng xe tăng không chỉ đang thu hẹp về quy mô, mà tính năng chiến đấu không thể tương xứng với phương tiện chiến đấu hạng nặng mới của Nga. Đây là tiền đề của các chương trình phát triển xe tăng mới và đặc biệt là pháo tăng mới của các quốc gia châu Âu trong những năm qua.

Giới chuyên gia quân sự của phương Tây đánh giá, điểm đáng lo ngại của xe tăng T-14 Armata không chỉ nằm ở các giải pháp kỹ thuật, công nghệ được áp dụng, mà là khung gầm thiết giáp này lớn hơn đáng kể so với các dòng xe tăng truyền thống của Nga để tích hợp các loại pháo tăng cỡ lớn hơn. Khung gầm của xe tăng T-14 Armata đủ khả năng mang theo pháo chính cỡ 152mm với các loại đạn pháo tăng uy lực hơn nhiều so với pháo cỡ 120mm (chuẩn NATO) và 125mm (chuẩn Liên Xô, Nga) hiện nay cả về tầm bắn, lẫn khả năng xuyên giáp. Pháo 152mm đáp ứng khả năng tiêu diệt mục tiêu bằng đạn xuyên giáp dưới cỡ ở khoảng cách 5km và lên tới 10km với đạn tên lửa bắn qua nòng pháo chính.

Như vậy, xe tăng Nga sẽ có lợi thế “thấy trước, bắn trước và có thể tiêu diệt trước” các dòng xe tăng hiện đại nhất của Mỹ và phương Tây. Chính vì lý do này, không khó để hiểu vào năm 2016, hãng Rheinmetall công bố chương trình phát triển pháo 130mm và sau đó là hãng chế tạo Bourges, một chi nhánh của Tập đoàn Nexter (Pháp) giới thiệu pháo chính cỡ 140mm với mục tiêu chính là giúp các xe tăng của châu Âu có vũ khí đủ uy lực để giáp chiến với xe tăng T-14 Armata của Nga. Không chỉ nằm trong gói nâng cấp dành cho các dòng xe tăng hiện tại, các dòng pháo tăng cỡ lớn mới còn là trang bị tiêu chuẩn trên các dòng xe tăng tương lai thuộc Hệ thống tác chiến chủ lực mặt đất của châu Âu (Main Ground Combat System – MGCS) và xe chiến đấu thế hệ tiếp theo của quân đội Mỹ (Next Generation Combat Vehicle – NGCV).

Pháo tăng mới có giúp châu Âu bắt kịp “cuộc đua xe tăng”?

Đánh giá về dòng pháo tăng cỡ 130mm mới của châu Âu, lãnh đạo Cục phân tích Chính trị quân sự, Bộ Quốc phòng Nga Alexander Mikhailov cho biết, căn cứ vào những hình ảnh được công bố rất khó có thể đánh giá dòng pháo tăng NG 130 mới có thể giúp các xe tăng hiện tại của châu Âu có thể đối đầu với xe tăng T-14 Armata hay không vì nó chỉ nằm trong một đoạn clip quảng cáo ngắn của Rheinmetall.

Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên đối với xe tăng của phương Tây là làm thế nào để tiếp cận được phạm vi tấn công hiệu quả trước xe tăng T-14 Armata. Chưa cần pháo tăng 152mm, chỉ với phiên bản nâng cấp mới nhất của pháo 125mm, xe tăng T-14 Armata đã có thể khai hỏa tấn công mục tiêu ở khoảng cách 10-12km. Cùng với đó, hàng loạt giải pháp về lớp sơn phủ tàng hình, hạn chế bộc lộ bức xạ hồng ngoại được áp dụng trên xe tăng T-14 Armata khiến các phương tiện trinh sát, quan sát trên xe tăng của đối phương khó phát hiện ra nó ở khoảng cách trên. Như vậy, khi chưa tiếp cận tới khu vực khai hỏa hiệu quả, các dòng xe tăng phương Tây đã phải hứng chịu cơn mưa đạn từ xe tăng T-14 Armata.

Xe tăng T-14 Armata sẽ tiếp tục duy trì ưu thế công nghệ cho tới khi dòng xe tăng thế hệ mới của phương Tây xuất hiện.

Kể cả sau khi vượt qua bức tường hỏa lực nói trên, để tấn công tiêu diệt xe tăng T-14 Armata, xe tăng phương Tây cần xuyên phá hàng phòng thủ cứng (giáp phản ứng nổ, giáp chính), cũng như phòng thủ chủ động (tổ hợp đánh chặn Afganit) trên xe tăng Nga.

Chuyên gia Alexander Mikhailov nhận định, pháo tăng mới đơn giản là giúp rút ngắn khoảng cách về công nghệ, cũng như khả năng tấn công của các dòng xe tăng phương Tây hiện tại khi đối đầu với xe tăng T-14 Armata. Pháo tăng mới chưa thể coi là vũ khí hiệu quả để đối trọng với xe tăng thế hệ mới của Nga.

Tờ báo Nga Izvestia đánh giá, các dòng pháo tăng cỡ lớn mới được phương Tây giới thiệu đơn giản là giải pháp tình huống trong “cuộc đua xe tăng” với Nga. Giải pháp hữu hiệu chính là các dòng xe tăng thế hệ mới đang Mỹ và châu Âu phát triển và dự kiến ra mắt trong những năm 2030. Trước mốc thời gian đó, rất khó có dòng xe tăng nào có thể coi là đối thủ tương xứng với xe tăng T-14 Armata.

Theo Tuấn Sơn/Quân đội Nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/-cuoc-dua-xe-tang-moi-tai-chau-au/20200813045419275