Cuộc gặp gỡ với người cán bộ cách mạng Nguyễn Long Trảo

'Đây là những điều ghi chép về những con người thật, những sự việc thật bắt gặp trong cuộc đời tôi, một người lính từng hành quân, chiến đấu trên rất nhiều nẻo đường đất nước, và cũng là người từng chứng kiến, trải nghiệm những thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc mấy mươi năm qua' - dòng chia sẻ và cũng là lời đề tựa cuốn hồi ký 'Khi Tổ quốc gọi' của tác giả Nguyễn Long Trảo (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM, nguyên Phó Tổng GĐ Khu Chế xuất Sài Gòn - Sepzone và Cty Xuất nhập khẩu - Imexco...).

Tác giả ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: A. N

Thêm hiểu biết về lịch sử

“Khi Tổ quốc gọi” là cuốn hồi ký ghi chép về người thật, việc thật trong quá trình tham gia hành quân, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc mà tác giả Nguyễn Long Trảo đã bắt gặp, chứng kiến, ghi dấu lại thời kỳ đấu tranh oai hùng của dân tộc ta những năm 1940 đến hết thế kỷ 20. Cuốn hồi ký in lần đầu có tên “Khi Tổ quốc gọi tên mình” do NXB Trẻ xuất bản năm 2015 và vừa được NXB Tổng hợp TPHCM tái bản bổ sung năm 2018 và lấy tên “Khi Tổ quốc gọi” với sự bổ sung, sửa chữa công phu và tâm huyết của tác giả.

Tại buổi giao lưu với các bạn trẻ mới đây, tác giả không nhận mình là nhà văn và tiết lộ, ông viết cuốn hồi ký theo mong muốn của con gái Bạch Dương và để có việc làm giải khuây trong những thời gian rảnh rỗi ở tuổi hưu.

Nói về lý do đặt tựa “Khi Tổ quốc gọi” cho cuốn sách, tác giả rưng rưng xúc động “Bởi vì tôi đi theo cách mạng cũng là đi theo tiếng gọi của Tổ quốc và tôi vượt tất cả những khó khăn gian khổ là vì thương yêu Đất nước này, vì Tổ quốc này. Thời điểm lúc tôi chưa vào đời, chưa tới tuổi thành niên, cỡ 15 - 16 tuổi là đã đi theo cách mạng. Bởi vì thế tôi đặt tên cho cuốn sách này là “Khi Tổ quốc gọi”. Tiếng gọi đó xuyên suốt cả cuộc đời tôi, lúc nào tôi cũng nghe văng vẳng như có tiếng gọi của Tổ quốc”.

Tình yêu nước bắt đầu từ những việc gần gũi

Cũng tại buổi giao lưu, các bạn trẻ đã đặt ra nhiều câu hỏi thú vị xung quanh cuộc đời, sự nghiệp và quê hương của nhà văn. Qua đó, khám phá được những điều thú vị về đất nước, con người của vùng đất Nam Bộ, về tình đồng chí, đồng đội, tình nghĩa vợ chồng keo sơn trong giai đoạn lịch sử gian khó mà đầy hào hùng của dân tộc.

Lý do thôi thúc tác giả viết cuốn sách cũng một phần muốn thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử của dân tộc và bản thân tác giả có thể mang lại một sự khơi gợi nào đó đến với người đọc, có thêm một việc làm hữu ích trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. “Nói thật bây giờ bảo các cháu ngồi đọc lịch sử rất khó, những trang viết lịch sử bây giờ đọc có khi ngán lắm. Nhưng nếu đọc một cuốn sách như đọc một quyển truyện hoặc tiểu thuyết thì vô hình trung sẽ tiếp nhận được lịch sử một cách tự nhiên”. Đồng thời ông cũng muốn dùng sự thật về những trải nghiệm của cuộc đời để đối trọng với những tác phẩm văn học hư cấu của hậu bối xuyên tạc về hình ảnh người chiến sĩ cách mạng.

Tác giả cũng dành nhiều gửi gắm đến thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. “Tôi hy vọng sẽ giúp các cháu có thêm những hiểu biết về những câu chuyện lịch sử đáng ghi nhớ trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân ta” - tác giả Nguyễn Long Trảo tâm sự.

Theo ông, ở mỗi giai đoạn lịch sử thì tình yêu nước của mỗi người sẽ thể hiện ở những việc làm khác nhau. Ở thời bình, việc chăm chỉ học tập, có đạo đức trong sáng và yêu thương những điều gần gũi xung quanh mình đã là việc làm yêu nước thiết thực.

Chương trình do Thành Đoàn TPHCM phối hợp với Đường sách TPHCM tổ chức với sự tham gia của hơn 200 cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Nhiều bạn trẻ đã hào hứng tham gia và được tác giả tận tay ký tặng sách, đồng thời một số người bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với người cán bộ lão thành cách mạng có nhiều hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Anh Nhàn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/cuoc-gap-go-voi-nguoi-can-bo-cach-mang-nguyen-long-trao-629753.ldo