Cuộc gặp Nga – Mỹ về Ukraine: Một cuộc chơi có hai luật

Chuyên gia Ostashko đánh giá rằng sự khác biệt quan điểm của Nga và Mỹ trong việc tìm kiếm hòa bình cho Donbass thực chất nằm ở mặt chính trị, và Mỹ sẽ bất lợi nếu thừa nhận hoàn toàn cách giải quyết của Nga.

Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Ukraine Kurt Volker

Trợ lý Tổng thống Nga Vladislav Surkov và Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Ukraine Kurt Volker mới đây đã có buổi gặp gỡ để bàn thảo về tình hình ở Donbass, Ukraine. Liên quan đến tuyên bố chung sau cuộc gặp này, nhà phân tích chính trị Ruslan Ostashko đã đưa ra một số phân tích trên Sputnik.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Surkov và ông Volcker cho thấy, cả Moscow và Washington đều có những quan điểm khác nhau đối với cách thức nhằm đạt được hòa bình tại Donbass.

Nội dung của văn bản trên được đăng tải trên trang web chính thức của Đại sứ quán tại Nga. Cuộc họp của các chính trị gia đã diễn ra vào ngày 13/11 tại Belgrade. Các bên đã thảo luận về tình hình Donbass và cách thức giải quyết xung đột. Theo thường lệ, các cuộc đàm phán được tổ chức trong phòng kín, tuy nhiên địa điểm cụ thể không được tiết lộ.

Tuyên bố cho biết: "Các thỏa thuận Minsk bao gồm các giải pháp chính trị và giải pháp an ninh nhằm để vượt qua cuộc khủng hoảng. Cả hai bên đã đồng ý phân tích tình hình trong cuộc họp này và cùng suy nghĩ về những phương thức để giải quyết vấn đề này".

Trước đó, nghị sĩ Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) Irina Gerashchenko đã đề nghị ông Volker đề cao vấn đề trao đổi tù nhân chiến tranh tại Donbass.

Trong tháng 8 và tháng 10 vừa qua đã có hai cuộc họp khác của các chính trị gia được tổ chức. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại Minsk, được các bên đánh giá là rất hữu ích và mang tính xây dựng. Cuộc họp thứ hai là ở Belgrade, tại đây người phát ngôn của tổng thống Nga, Dmitry Peskov nói rằng "vấn đề hòa giải đã được thảo luận hàng giờ liền".

Binh lính Ukraine

Trên đài phát thanh Sputnik, Tổng biên tập của tờ báo điện tử "Chính trị Nga" (Politrussia.ru), chuyên gia phân tích chính trị Ruslan Ostashko lưu ý rằng sự bất đồng giữa Nga và Mỹ chủ yếu liên quan đến việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Donbass.

Ông Ostashko nhấn mạnh: "Lý do Hoa Kỳ và Nga có quan điểm khác nhau – cốt lõi là vấn đề chính trị. Bởi vì về mặt chính trị Mỹ sẽ bất lợi khi thừa nhận thất bại của mình ở Ukraine nếu áp dụng 100% khái niệm của Nga, dù là có sự điều chỉnh của Đức với việc cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình triển khai trên toàn bộ lãnh thổ Donbass. Vì vậy họ tuyên bố, rằng mình có tầm nhìn/quan điểm riêng về giải pháp hòa bình".

"Việc họ không chấp nhận hoàn toàn quan điểm của Nga, tôi cho là có liên quan đến việc không tổ chức được cuộc họp toàn thể giữa ông Putin và ông Trump tại APEC - Việt Nam. Chỉ trong tuyên bố chung về Syria, mà trong đó ông Trump, trên thực tế, đã thừa nhận chiến thắng của Nga theo hướng này, và công nhận rằng các hoạt động của Liên minh không đạt được hiệu quả như họ mong đợi. Tôi nghĩ rằng sau một thời gian nữa tuyên bố tương tự về vấn đề Ukraine cũng sẽ được đưa ra", ông nói thêm.

Chuyên gia nhận định: "Quan điểm của Nga về cách thức giải quyết vấn đề với sự điều chỉnh của Đức sẽ được áp dụng, về mặt nguyên tắc, là phù hợp cho chúng ta. Tôi nghĩ rằng nó sẽ được tiến hành trong ba tháng tới. Nhưng nếu không có những bước đi chính trị thì việc thực hiện nó sẽ trở thành bất khả thi".

"Vì vậy, sẽ xảy ra tình huống một trò chơi mà có đến hai luật chơi - Nga và Mỹ. Kiev, tất nhiên, sẽ tuân theo tuyên bố của Mỹ, bởi vì nếu công nhận trực tiếp khái niệm Nga, thì đối với Kiev chẳng khác nào tin báo tử, bởi vì sẽ khó mà giải thích cho những người theo chủ nghĩa dân tộc lý do tại sao lực lượng gìn giữ hòa bình lại cản trở việc "quy phục" Donbass. Sớm hay muộn thì nó cũng sẽ xảy ra, và đó là điều không thể tránh khỏi", ông kết luận.

Đức Dũng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cuoc-gap-nga-my-ve-ukraine-mot-cuoc-choi-co-hai-luat-post244628.info