Cuộc gặp thứ tư của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Mỹ Joe Biden

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ và trò chuyện với lãnh đạo nhiều nước G7, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chiều ngày 20/5, trong khuôn khổ Hội nghị G7 mở rộng được tổ chức tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ và trò chuyện với lãnh đạo nhiều nước G7, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden.

XEM CLIP:

Tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì trao đổi đoàn ở các cấp, nhất là cấp cao. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden trao đổi một số biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và những vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, quan hệ hai nước vừa qua phát triển tích cực, với trọng tâm là hợp tác kinh tế-thương mại. Tổng thống Joe Biden đánh giá cao kết quả điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden

Đây là cuộc gặp thứ tư giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp mặt với Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và lãnh đạo các nước G7 cũng như nhiều tổ chức quốc tế.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Liên bang Comoros Azali Assoumani. Tại các cuộc gặp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều đề nghị hợp tác quan trọng về kinh tế - thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo...

Trong đó, Thủ tướng có đề nghị phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Canada sớm đạt 10 tỷ USD.

Các đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều được các nhà lãnh đạo tán đồng.

Thủ tướng Canada đồng ý với Thủ tướng Phạm Minh Chính về các biện pháp thúc đẩy quan hệ. Trong đó duy trì thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với Việt Nam.

Lãnh đạo các nước G7 cùng nhiều tổ chức quốc tế và các khách mời

Gặp Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, Thủ tướng cũng đề nghị IMF tiếp tục tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế, hoàn thiện các công cụ tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính – ngân hàng.

Đề nghị này đã được Tổng Giám đốc IMF tàn thành và bày tỏ mong muốn, IMF tiếp tục tư vấn lãi suất, chính sách tiền tệ, nâng cao năng lực tự chủ của kinh tế Việt Nam ứng phó với khủng hoảng. IMF và cá nhân bà Kristalina Georgieva cam kết ủng hộ mạnh mẽ và đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển.

Gặp Tổng Thư ký OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) Mathias Cormann, Thủ tướng bày tỏ mong muốn OECD hỗ trợ Việt Nam triển khai, thích ứng với các lĩnh vực mới, đặc biệt là vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn…

Tổng Thư ký OECD cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi, hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phục hồi, phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt là các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như: Xây dựng chính sách đầu tư thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, kinh tế xanh, tuần hoàn…

Thủ tướng đề nghị sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với thủy sản của Việt Nam

Gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng đề nghị Hội đồng Châu Âu có tiếng nói để EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn Hội đồng châu Âu hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển nghề cá hiện đại và bền vững.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc Chủ tịch Hội đồng Châu Âu thúc đẩy Nghị viện các nước thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA, tạo bước đột phá trong hợp tác đầu tư giữa hai bên.

Một đề nghị khác cũng được Thủ tướng đề cập là EU và các nước thành viên tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thu hút nguồn lực triển khai Tuyên bố về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); trong đó ưu tiên lĩnh vực tài chính, công nghệ, nâng cao năng lực trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đánh giá cao nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt Nam.

Về vấn đề "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu ghi nhận bước tiến mà hai bên đã đạt được trong xử lý vấn đề này.

Chủ tịch Charles Michel cũng khẳng định, EU ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong chuyển đổi xanh và triển khai JETP và mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ EU tăng cường quan hệ với ASEAN.

Thu Hằng (từ Hiroshima, Nhật Bản)

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoc-gap-thu-tu-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-voi-tong-thong-my-joe-biden-2145359.html