Cuộc gọi đầu tiên trên đường dây nóng Hàn-Triều sau 2 năm đóng băng

Sau gần 2 năm im lặng, đường dây nóng Hàn Quốc - Triều Tiên đã hoạt động trở lại với cuộc gọi ngắn và có phần lúng túng nhưng được coi là bước đột phá có thể mở đường cho đàm phán.

Theo thông báo của truyền thông nhà nước, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ra lệnh mở đường dây vào 3h chiều (giờ địa phương). Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên theo đúng lịch trình.

Hai bên đã giữ liên lạc từ 3h30 đến 3h50 chiều 3/1 theo giờ địa phương (Hàn Quốc đi trước Triều Tiên 30 phút). Theo tuyên bố của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hai nước đã “kiểm tra các vấn đề kỹ thuật của đường dây thông tin liên lạc” trong 20 phút kết nối ban đầu.

Một sĩ quan Hàn Quốc liên lạc với phía Triều Tiên qua đường dây nóng chuyên dụng tại làng biên giới Bàn Môn Điếm ở Paju, Hàn Quốc, ngày 3/1. Ảnh: Shutterstock.

Một sĩ quan Hàn Quốc liên lạc với phía Triều Tiên qua đường dây nóng chuyên dụng tại làng biên giới Bàn Môn Điếm ở Paju, Hàn Quốc, ngày 3/1. Ảnh: Shutterstock.

Bộ Thống nhất cho biết Triều Tiên đã gọi điện thoại lần thứ hai qua đường dây nóng Bàn Môn Điếm vài giờ sau đó. “Phía Triều Tiên đã gọi cho chúng tôi vào lúc 6h07 tối và nói 'như vậy là đủ cho ngày hôm nay rồi'”, bộ này xác nhận.

Lời đáp của Triều Tiên

Việc khôi phục đường dây nóng diễn ra 2 ngày sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đưa ra đề nghị hiếm hoi với Hàn Quốc.

Trong bài diễn văn năm mới, ông Kim đề xuất đàm phán với Hàn Quốc để thảo luận về việc giảm bớt căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên và khả năng tham gia Thế vận hội Mùa đông được tổ chức tại thị trấn Pyeongchang của Hàn Quốc vào tháng tới.

Hôm 2/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người từng kêu gọi đối thoại với Triều Tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5, đã nhanh chóng chấp nhận đề nghị của ông Kim. Chính phủ của ông đã đề nghị các nhà đàm phán cấp cao từ cả hai miền gặp nhau tại Bàn Môn Điếm vào ngày 9/1 để thảo luận về việc tham gia Olympics của Triều Tiên.

Hàn Quốc cũng kêu gọi Triều Tiên mở lại đường dây nóng Bàn Môn Điếm để hai bên có thể bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc đàm phán cấp cao, một đề xuất mà Triều Tiên đã chấp nhận ngày 3/1.

“Chúng tôi sẽ kết nối với miền Nam với thái độ chân thành và mẫn cán”, Ri Son Kwon, một quan chức cấp cao của Triều Tiên, thông báo trên truyền hình quốc gia về việc mở lại đường dây nóng. “Chúng tôi một lần nữa bày tỏ sự hy vọng chân thành rằng Thế vận hội Pyeongchang sẽ thành công”, ông tuyên bố.

Màn hình TV tại ga tàu điện Seoul phát bài diễn văn năm mới của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ngày 3/1. Ảnh: AP.

Đề nghị của Triều Tiên cho thấy sự thay đổi đáng kể so với cách tiếp cận trước đó đối với Hàn Quốc.

Trong nhiều năm, Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc là chư hầu cho Mỹ bất chấp việc ông Moon liên tục kêu gọi nước láng giềng tham gia Olympics mùa đông ở Hàn Quốc và trở lại bàn đàm phán với Mỹ.

Triều Tiên đã cắt đứt mọi đường dây liên lạc với Hàn Quốc cách đây gần 2 năm, khi người tiền nhiệm bảo thủ của ông Moon, tổng thống bị phế truất Park Geun Hye, đóng cửa khu liên hiệp công nghiệp chung ở thị trấn Kaesong của Triều Tiên.

Tại Bàn Môn Điếm, điểm liên lạc giữa hai miền Triều Tiên trong hàng thập kỷ, các quan chức Triều Tiên đã không nhấc máy khi các đối tác Hàn Quốc gọi điện hàng ngày để giữ đường dây thông suốt.

“Chúng tôi gọi cho Triều Tiên 2 lần 1 ngày vào 9h sáng và 4h chiều nhưng Triều Tiên đã không phản hồi kể từ lần liên lạc cuối cùng vào tháng 2 năm 2016. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn gọi cho họ mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu”, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói với CNN.

Khi các quan chức Hàn Quốc có thông báo khẩn cấp cho Triều Tiên, chẳng hạn việc hồi hương ngư dân Triều Tiên được giải cứu trong vùng biển Hàn Quốc, họ sẽ phải sử dụng loa phóng thanh để truyền thông điệp qua bên kia biên giới tại Bàn Môn Điếm.

Vị trí làng biên giới Bàn Môn Điếm (Panmunjom) và Khu công nghiệp Kaesong tại khu vực phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Đồ họa: BBC.

Hôm 3/1, khi Hàn Quốc đề nghị các cuộc đàm phán cấp cao, nước này không có cách nào để trực tiếp đưa ra đề xuất với Triều Tiên. Vì vậy, Bộ trưởng Cho Myoung Gyon, thành viên nội các phụ trách quan hệ với Triều Tiên, đã tổ chức một cuộc họp báo để đọc đề xuất của Hàn Quốc.

Sự xuất hiện trên truyền hình của ông Ri là lời đáp của Triều Tiên cho cuộc họp báo của ông Cho. Ông Ri là chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình của Tổ quốc, cơ quan của Triều Tiên xử lý các vấn đề về quan hệ với Hàn Quốc.

Sự sốt sắng của Hàn Quốc

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, có tổng cộng 33 đường dây trực tiếp mà Triều Tiên và Hàn Quốc từng sử dụng để liên lạc với nhau.

Đường dây điện thoại chuyên biệt được đặt tại Bàn Môn Điếm vào năm 1971. Làng biên giới Bàn Môn Điếm trong khu vực phi quân sự được vũ trang nghiêm ngặt (DMZ) là nơi hai miền Triều Tiên từng tổ chức các cuộc đàm phán.

Theo New York Times, việc thiếu một đường dây nóng hoạt động với Triều Tiên đã khiến chính quyền của ông Moon đặc biệt lo lắng trong năm qua, khi ông Kim và Tổng thống Trump xúc phạm lẫn nhau và đe dọa chiến tranh, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột quân sự bất ngờ do hiểu nhầm giữa hai bên.

Làng Panmunjom nằm trong khu DMZ giữa biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên, nơi được vũ trang nghiêm ngặt bậc nhất thế giới. Ảnh: Flickr.

Thư ký báo chí của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết việc khôi phục kênh truyền thông này là "rất quan trọng". “Nó tạo ra kênh liên lạc thông suốt mọi lúc”, ông nói.

Trong khi đó, báo chí Hàn Quốc tỏ ra hoài nghi. “Bài phát biểu năm mới của Kim đã được tính toán kỹ lưỡng để chia rẽ nội bộ Hàn Quốc”, nhật báo JoongAng Ilbo nhận định. “Bình Nhưỡng có thể đã quyết định dùng chiến lược hòa bình để trì hoãn cho đến khi hoàn thiện chương trình vũ khí hạt nhân”, nhật báo Hàn Quốc phân tích.

Báo Hankyoreh cũng lên tiếng cảnh báo: “Kim sẽ không nhúc nhích một ly khỏi lập trường cứng rắn và kiên quyết trước đó về việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa". Tuy nhiên, báo này cũng bày tỏ hy vọng “bài phát biểu năm mới bất ngờ có thể mở ra cánh cửa hòa bình".

Trong khi chìa nhành olive tỏ thiện chí hòa hoãn với Hàn Quốc, ông Kim đã sử dụng bài phát biểu của mình để lặp lại lời đe dọa chống lại Mỹ khi nói rằng nút khởi động hạt nhân luôn ở trên bàn làm việc của ông.

“Tôi cũng có Nút Hạt Nhân, nhưng nó to hơn và mạnh hơn nút của ông ta và Nút của tôi hoạt động!”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp lại lời đe dọa của ông Kim qua Twitter.

Ông Moon đã kiên trì kêu gọi Mỹ và Triều Tiên bắt đầu đối thoại để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Ông nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt sẽ không chấm dứt việc Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân. Tổng thống Hàn Quốc cũng phản đối bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Triều Tiên vì sợ rằng nó sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh hủy diệt mà người Hàn Quốc phải hứng chịu.

Tuy nhiên, Washington lo ngại đồng minh Hàn Quốc có thể quá nóng lòng đối thoại mà nhượng bộ để Triều Tiên bảo toàn chương trình hạt nhân.

Khi đề xuất gửi phái đoàn tới Thế vận hội, ông Kim nói Hàn Quốc nên chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ. Ngoài ra, ông còn yêu cầu Hàn Quốc ngừng tham gia chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm cô lập Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt.

Ngôi làng 'nằm kẹt' giữa cuộc đua tuyên truyền của 2 miền Triều Tiên Người dân làng Taesung trong khu phi quân sự (DMZ) giống như khán giả hàng ghế đầu của một võ đài, nơi chứng kiến và cảm nhận rõ nhất căng thẳng leo thang giữa 2 miền Triều Tiên.

Tuyết Mai (tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-goi-dau-tien-tren-duong-day-nong-han-trieu-sau-2-nam-dong-bang-post809373.html