Cuộc hội ngộ của những số phận khác thường

Một người lính 40 năm chịu oan ức, một phụ nữ dân tộc Dao chịu sống chung với bộ mặt dị tật hơn một phần tư cuộc đời, một hậu duệ của những nghĩa sĩ trong vụ Hà Thành đầu độc…, họ gặp nhau trong buổi ra mắt ba tác phẩm của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng mang tên 'Hành trình vạn dặm'. Họ đều là những nhân vật trong các bài báo của anh, và cuộc đời của họ thay đổi kể sau những bài báo đó.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Xước Hiện chia sẻ câu chuyện của mình.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Xước Hiện chia sẻ câu chuyện của mình.

Bộ ba tác phẩm của Đỗ Doãn Hoàng gồm “Búi Thông thơ dại”, “Tận cùng hang ổ và “Ở lại với ngàn sao”, thuộc ba thể loại khác nhau. “Búi Thông thơ dại” là cuốn tự truyện về tuổi thơ của tác giả ở xóm núi nghèo mang tên Búi Thông, với mẹ, bà ngoại và hai em. “Tận cùng hang ổ” bao gồm các vệt bài phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng đã từng gây chấn động dư luận. Nhiều bài báo trong số này đã nhận được những phản hồi tích cực: kẻ phạm tội phải ra hầu tòa, một số điều luật được sửa đổi cho phù hợp với thực tế cuộc sống, lãnh đạo các bộ, ngành, rồi Chính phủ… có ý kiến chỉ đạo sau khi loạt bài được in. “Ở lại với ngàn sao” là cuốn du ký, ghi lại những cảm xúc của Đỗ Doãn Hoàng khi đặt chân tới nhiều vùng đất trên khắp thế giới.

Buổi ra mắt sách cũng là buổi hội ngộ của một số nhân vật trong các phóng sự từng gây chấn động của anh. Có người đã được phong anh hùng, có người được cứu, thay đổi cả cuộc đời…, họ đều có mặt để tri ân và chia sẻ câu chuyện của mình với độc giả.

Ông Nguyễn Xước Hiện, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ở xã Phượng Vỹ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, được mệnh danh là người anh hùng bị lãng quên. Từng chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên năm 1973, ông Hiện đã tiêu diệt bốn xe tăng và một xe bọc thép M113. Ông được công nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt địch cấp ưu tú, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì ngày 15-4-1975.

Khi giải ngũ về làng với vài mảnh đạn trong đầu, không một ai biết đến những chiến công của ông mà đồn đoán ác nghiệt rằng ông đảo ngũ. Ông cũng không được hưởng bất kỳ một chế độ hay hỗ trợ nào dành cho cựu chiến binh, thương bệnh binh. Những thứ giấy tờ chứng nhận giấy khen, khen thưởng, ông đành cất một chỗ để mong có này được minh oan. Và tệ hơn, người vợ của ông đã bỏ đi lấy chồng khác. Sau nhiều năm chờ đợi, ông đã lấy một người vợ mới, những tưởng cuộc sống được yên ổn, nhưng những đứa con lần lượt ra đời hầu hết lại mang dị tật, không sống được hoặc chỉ được vài năm là qua đời. Ở buổi ra mắt sách, nhắc đến con, ông Hiện không thể cầm nổi nước mắt. Những tháng ngày hàm oan, bị vu oan đầy cay đắng với ông có lẽ cũng không đau đớn bằng cảm giác của một người cha chứng kiến các con lần lượt chào đời hoàn toàn không bình thường mà không làm gì được, không hiểu tại sao. “Tôi cũng không hiểu tại sao, chúng tôi chiến đấu trong rừng, ăn ngủ trong rừng, không thể biết được lại có chất độc da cam…” - ông khóc nức lên khi nhắc lại câu chuyện cũ. Và cuối cùng, nhiều người biết được cuộc đời đầy hàm oan của ông đã liên hệ với Đỗ Doãn Hoàng, nài nỉ anh cứu giúp người cựu chiến binh tội nghiệp ấy.

Khi Đỗ Doãn Hoàng vào cuộc, chính bản thân anh cũng phải hứng chịu không ít "gạch đá" từ chính những người đã làm sai cho ông Hiện. Cuối cùng, sau rất nhiều lần tranh cãi nảy lửa với chính những người làm sai cho ông Hiện, mọi thứ đã trở về vị trí của nó. Ông Hiện được minh oan, được phong là anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, được cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp hằng tháng…

Bà Triệu Mùi Chài gặp lại Đỗ Doãn Hoàng trong "khuôn mặt người".

Giống như ông Nguyễn Xước Hiện, bà Triệu Mùi Chài, dân tộc Dao, cũng là người có số phận đặc biệt, và cuộc đời bà thay đổi kể từ phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng. Lầm lũi sống cuộc đời cô độc ở cái xóm nghèo trong thung lũng Tắt Căng, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cả đời bà Chài chẳng dám tiếp xúc với ai, chẳng dám đi đâu, bởi trên mặt bà là khối u khổng lồ nặng tới gần 4kg. Năm 2015, nghe tin đồn về người phụ nữ có “bộ mặt quỷ” ở Cao Bằng không ai dám gặp, Đỗ Doãn Hoàng đã cùng một số cán bộ của Cao Bằng tìm đến tận xóm Tắt Căng gặp bà. Bài báo về bà Chài ra đời, GS. TS Trịnh Đình Hải - Viện trưởng Viện Răng hàm mặt Trung ương - đã đọc được bài báo. Cảm thương cho số phận người phụ nữ, GS. TS Trịnh Đình Hải đã quyết định kêu gọi góp kinh phí phẫu thuật cho bà Chài. Ca phẫu thuật kéo dài chín tiếng đồng hồ, trong điều kiện sức khỏe của bà Chài kém, bị suy tim, vôi hóa động mạch chủ, dày thất trái, nang nước trong thận. Khối u 4kg cuối cùng cũng đã được bóc tách khỏi khuôn mặt bà Chài, trả lại “khuôn mặt người” cho người phụ nữ mất 25 năm chung sống cùng “gương mặt quỷ”.

Ngày Đỗ Doãn Hoàng ra mắt bộ sách, bà Triệu Mùi Chài mang đến hai túi gạo, một túi tặng Hoàng, một túi tặng GS.TS Trịnh Đình Hải, như một lời cảm tạ dành cho hai ân nhân đã giúp cuộc đời bà thay đổi, tìm lại gương mặt người cho bà.

Với bất kỳ tác giả nào, ra mắt sách là một niềm vui lớn. Nhưng ra mắt sách và có những nhân vật trong chính các bài viết của mình đến cảm ơn và chia sẻ trong những giọt nước mắt hạnh phúc, thì đó là niềm vui mà có lẽ chỉ Đỗ Doãn Hoàng mới có.

TUYẾT LOAN. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/40171902-cuoc-hoi-ngo-cua-nhung-so-phan-khac-thuong.html