Cuộc họp của Fed tác động đến cả giá dầu và giá vàng

Giá vàng và giá dầu thế giới đều có biến động đặc biệt trong phiên 27/1 bởi lo ngại của giới đầu tư về gói kích thích kinh tế của Mỹ, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên khi thị trường chờ đợi quyết định chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Vàng miếng được trưng bày tại Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vàng miếng được trưng bày tại Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất hơn một tuần qua. Vào lúc 1 giờ 41 phút sáng ngày 28/1 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.845,61 USD/ounce. Trước đó, giá vàng có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 18/1 trong đầu phiên giao dịch. Trong khi, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% xuống 1.844,90 USD/ounce.

Chuyên gia thị trường cao cấp thuộc RJO Futures, Bob Haberkorn cho rằng trước thời điểm Ủy ban Thị trường mở của Fed đưa ra thông báo, thị trường cổ phiếu giảm thấp và đồng USD bắt đầu hồi phục một chút, và điều này tạo áp lực đè nặng lên thị trường vàng.

Ông Haberkorn nhận định rằng gói cứu trợ 1.900 tỷ USD là khá tham vọng và ông không nghĩ Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận được sự hỗ trợ đủ để thông qua khoản cứu trợ lớn này.

Đồng “bạc xanh” tăng trở lại mức cao nhất trong hơn một tuần qua, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.

Kết thúc cuộc họp hai ngày 26-27/1 Fed cam kết sẽ duy trì mức lãi suất cho vay ở mức gần 0% và tiếp tục tăng cường mua trái phiếu chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tác động của đại dịch COVID-19. Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ có xu hướng ảnh hưởng mạnh tới lãi suất trái phiếu chính phủ, và sẽ làm tăng sự hấp dẫn của vàng.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 25,35 USD/ounce, giá bạch kim giao ngay giảm 2,3% xuống 1.072,57 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,9% xuống 2.304,39 USD/ounce.

Tại Việt Nam, cuối ngày 27/1, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,05- 56,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá xăng dầu được niêm yết tại một trạm xăng ở Lille, miền bắc Pháp, ngày 17/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu thế giới biến động trái chiều với biên độ dao động khá hẹp trong phiên giao dịch ngày 27/1, bất chấp sự sụt giảm về dự trữ dầu thô của Mỹ, giữa bối cảnh giới đầu tư vẫn quan ngại rằng diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tiếp tục hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu.

Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 24 xu Mỹ, lên 52,85 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tại thị trường London lại hạ 10 xu Mỹ, xuống 55,81 USD/thùng.

Đà đi lên của giá dầu trong phiên này được hỗ trợ với lập trường chính sách ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp chính sách mới nhất. Các quan chức của Fed cho biết, ngân hàng này sẽ duy trì mức lãi suất cho vay ở mức gần 0% và cam kết tiếp tục tăng cường mua trái phiếu chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu ngày càng gia tăng, đã vượt qua con số 100 triệu, đặc biệt là tại châu Âu và châu Mỹ, trong khi châu Á đang nỗ lực để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch mới. Điều này đã tạo áp lực giảm lên giá dầu khi triển vọng tiêu thụ dầu trở nên u ám hơn.

Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, gần đây đã chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19. Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy, 75 trường hợp mắc COVID-19 mới được xác nhận tại nước này vào ngày 27/1, mức tăng hàng ngày thấp nhất kể từ ngày 11/1.

Các nhà phân tích cho biết, giá dầu có thể được hưởng lợi từ việc sản lượng dầu của Mỹ giảm do các quy định ngành chặt chẽ hơn của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden. Ngày 27/1, Chính phủ Mỹ đã tạm tạm dừng các hợp đồng thuê dầu khí mới trên đất liên bang và cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, khi ông Biden quyết tâm theo đuổi các chính sách xanh.

Q.Chung, Minh Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/cuoc-hop-cua-fed-tac-dong-den-ca-gia-dau-va-gia-vang-20210128075512581.htm