Cuộc khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), mỗi năm, 40 triệu trẻ em trên thế giới bị gián đoạn việc học tập do thiên tai ngày càng trầm trọng và con số này tiếp tục gia tăng.

Các gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sơ tán tới nơi ở tạm ở tỉnh Sindh, Pakistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các nghiên cứu cho thấy khủng hoảng khí hậu không phải là một nguy cơ xa vời mà là một thách thức hiện hữu mà trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ em gái sinh sống tại các khu vực nông thôn, đang phải đối mặt, ảnh hưởng đến cuộc sống và việc học tập của các em.

Hàng chục triệu trẻ em phải dừng đến trường

Theo số liệu của tổ chức nhân đạo Save the Children (Cứu trợ Trẻ em), tính đến cuối năm 2022, ít nhất 1,85 triệu trẻ em ở Nam sa mạc Sahara thuộc châu Phi đã phải di dời nơi ở trong nước do thảm họa khí hậu. Đáng chú ý, con số này đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021.

Bà Kijala Shako, thuộc Văn phòng khu vực Đông và Nam châu Phi của “Save the Children," nhấn mạnh khi mất nhà ở, trẻ em gần như mất mọi thứ, từ cơ hội tiếp cận y tế, giáo dục cho đến thực phẩm và sự an toàn.

Trong khi đó, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hàng chục triệu trẻ em trên thế giới phải di dời chỗ ở do thiên tai cũng đồng thời là nạn nhân của những sang chấn tâm lý khi nhiều em phải xa rời bố mẹ, bị bóc lột...

Bà Laura Healy - đồng tác giả của báo cáo, cho rằng những trẻ em này thường gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần, đặc biệt là những tổn thương tâm lý do bị chia lìa khỏi cha mẹ và người thân hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người.

Theo báo cáo, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines là 3 nước có số trẻ em nhiều nhất phải di dời khỏi nơi ở của mình, ước tính gần 23 triệu trẻ em trong tổng số 43,1 triệu em trên toàn cầu. Ngoài ảnh hưởng của thiên tai, nguyên nhân khác còn bao gồm quy mô dân số và vị trí địa lý của 3 nước này cũng như do việc triển khai các kế hoạch sơ tán như biện pháp phòng ngừa trước thảm họa.

Tuy nhiên, xét về tỷ lệ, châu Phi và các quốc đảo nhỏ lại ghi nhận tỷ lệ trẻ em phải di dời cao nhất. Ví dụ, quốc đảo Dominica ở khu vực Caribe đã ghi nhận 76% trong tổng số trẻ em của nước này phải di dời vì thiên tai trong giai đoạn nghiên cứu nói trên.

Báo cáo của UNICEF cho biết con số trên chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" do không thể thu thập được một số loại số liệu về hạn hán. Báo cáo nêu rõ, số trẻ em chịu ảnh hưởng nói trên thuộc 44 quốc gia, nơi thường hứng chịu 4 loại thảm họa gồm lũ lụt, bão, hạn hán và cháy rừng. Những thảm họa này xảy ra với tần suất nhiều hơn và nặng nề hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu. 95% số trẻ em phải di dời là do tránh bão và lũ lụt.

Cũng theo UNICEF, mỗi năm, 40 triệu trẻ em trên thế giới bị gián đoạn việc học tập do thiên tai ngày càng trầm trọng và con số này vẫn tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, theo nghiên cứu "Biến đổi khí hậu và Giáo dục cho Trẻ em gái: Các rào cản, Định kiến giới và Lộ trình tới Hồi phục" do Plan International - tổ chức nhân đạo quốc tế, hoạt động tại hơn 75 quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái - công bố, khủng hoảng khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với giáo dục cho trẻ em gái.

Theo nghiên cứu, mỗi năm, biến đổi khí hậu sẽ khiến ít nhất 12,5 triệu trẻ em gái ở 30 quốc gia dễ bị tổn thương bởi khí hậu phải dừng đến trường.

Hơn 3,5 triệu trẻ em ở Ethiopia phải nghỉ học do xung đột và biến đổi khí hậu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo của Plan International, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, hư hỏng tại các cơ sở hạ tầng trường học và các tuyến đường đến trường đã làm gián đoạn đáng kể việc tiếp cận giáo dục có chất lượng của trẻ em gái ở Tây Phi, Nam và Trung Mỹ, khu vực Caribe và Đông Nam Á.

Sự gián đoạn này không chỉ cản trở khả năng đến trường học của trẻ em gái mà còn gây ra những hậu quả lâu dài và sâu rộng như làm tăng nguy cơ xảy ra các hành vi có hại như tảo hôn, bạo lực trên cơ sở giới và mang thai sớm.

Trẻ em gái thường phải gánh thêm trách nhiệm làm các công việc gia đình hoặc tìm kiếm việc làm ở ngoài do các định kiến giới tính còn phổ biến và tình trạng nghèo đói, khiến việc học tập của các em bị gián đoạn. Tuy nhiên, ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu, các bé gái còn phải đối mặt với những thách thức ghê gớm hơn.

Việc gián đoạn học tập liên quan đến khủng hoảng khí hậu làm trầm trọng thêm các định kiến giới, gia tăng gánh nặng trách nhiệm gia đình, giảm thời gian học tập và tăng gánh nặng tài chính, khiến cả trẻ em gái và cha mẹ các em gặp khó khăn trong việc chi trả cho học tập.

Reyna, một em gái 16 tuổi ở Philippines cho biết: “Là con gái nhà nông và đang làm công việc đồng áng, em phải nghỉ học khi mùa màng thất bát vì thời tiết xấu."

Bà Keya Khandaker, tổng phụ trách nghiên cứu này tại Plan International, cho rằng: "Trẻ em gái đang phải gánh chịu nhiều tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, và do vậy các em cần có vai trò then chốt trong một thế giới chống chịu được với biến đổi khí hậu và đảm bảo bình đẳng giới."

1 tỷ trẻ em gặp rủi ro rất cao vì khủng hoảng khí hậu

Một báo cáo hồi tháng 6/2023 do các thành viên thuộc liên minh Sáng kiến Quyền Môi trường của Trẻ em (CERI), các tổ chức Plan International, Save the Children và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, cho thấy các quỹ tài trợ chống biến đổi khí hậu đã phớt lờ trẻ em, khiến hơn 1 tỷ trẻ gặp rủi ro rất cao.

Chỉ số rủi ro khí hậu ở trẻ em của UNICEF cho thấy hơn 1 tỷ trẻ em có nguy cơ rất cao trước tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu. Báo cáo nhấn mạnh với các đặc điểm hành vi, nhu cầu phát triển và sinh lý học riêng, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, trẻ dễ bị tổn thương trước các tác động như tình trạng khan hiếm nước và thực phẩm, các bệnh truyền qua nước và vật trung gian, cũng như sang chấn về tâm lý và tổn thương thể chất liên quan đến cả thời tiết khắc nghiệt và các quá trình khởi phát muộn.

Tác động của biến đổi khí hậu cũng làm gián đoạn khả năng tiếp cận của trẻ em với các dịch vụ xã hội cơ bản vốn cần thiết cho sức khỏe cũng như sự phát triển của các em, chẳng hạn như giáo dục, y tế, nước uống an toàn, vệ sinh, các dịch vụ bảo trợ trẻ em và xã hội.

Những thiên tai liên quan đến khí hậu cũng làm tăng tỷ lệ lao động trẻ em, tảo hôn và số người bị cưỡng bức di dời, khiến trẻ em có nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn người, bạo lực giới, lạm dụng và bóc lột sức lao động.

Báo cáo áp dụng 3 tiêu chí để đánh giá liệu các quỹ đa phương chủ chốt về tài trợ khí hậu phục vụ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu có hỗ trợ các hoạt động của trẻ em hay không.

Các tiêu chí gồm: giải quyết các rủi ro khác biệt và ngày càng lớn mà trẻ em gặp phải do khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng phục hồi của các dịch vụ xã hội quan trọng đối với trẻ em và trao quyền cho trẻ em với tư cách là tác nhân của sự thay đổi.

Báo cáo nhận thấy trong tổng số tiền do các quỹ khí hậu đa phương cấp cho các dự án về khí hậu trong khoảng thời gian 17 năm đến tháng 3/2023, chỉ có 2,4%, tương đương 1,2 tỷ USD, đáp ứng cả 3 tiêu chí trên. Báo cáo lưu ý con số này có thể cao hơn thực tế. Cũng theo báo cáo, chưa đến 4% các dự án xem xét nghiêm túc nhu cầu và sự tham gia của trẻ em gái.

Hồi tháng Tám, Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên hợp quốc đã cập nhật công ước bảo vệ quyền trẻ em nhằm tăng năng lực của các em trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trẻ em làm mát bên đài phun nước ở Trocadero khi nhiệt độ được cảnh báo có thể lên tới 39 độ ở thủ đô Paris, Pháp, ngày 16/6/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ủy ban này cho rằng suy thoái môi trường, trong đó có khủng hoảng khí hậu là “một dạng bạo lực có hệ thống đối với trẻ em." Các quốc gia nên cung cấp quyền tiếp cận công lý cho nhóm này, thông qua “xóa bỏ rào cản và cho phép trẻ em có quyền tự khởi kiện” về các vấn đề khí hậu.

Hướng dẫn đã có sự tham vấn ý kiến của khoảng 16.000 trẻ em từ hơn 100 quốc gia trong giai đoạn hai năm xây dựng dự thảo. Luật sư người Nam Phi Ann Skelton, Chủ tịch ủy ban trên cho biết văn bản này sẽ tăng cường sự đóng góp của trẻ em trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, lấy trẻ em làm trọng tâm phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, UNICEF cũng đã đề ra các sáng kiến như khuyến khích mô hình trường học an toàn, hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, nâng cao nhận thức về thiên tai ở trẻ em sử dụng công nghệ tiên tiến và các sáng kiến do thanh niên lãnh đạo cũng như lập bản đồ rủi ro trong trường học và cộng đồng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cuoc-khung-hoang-khi-hau-anh-huong-den-tre-em-nhu-the-nao-post909479.vnp