Cuộc khủng hoảng nhân đạo không hồi kết tại Syria

Theo tuần báo Al-Ahram của Ai Cập, hậu quả tàn khốc nhất trong chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria chính là thảm họa nhân đạo ngày càng tồi tệ mà người dân thường Syria phải gánh chịu.

Nhiều người dân Syria phải rời bỏ nhà cửa do xung đột.

Nhiều người dân Syria phải rời bỏ nhà cửa do xung đột.

Một tuần sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động Chiến dịch quân sự “Mùa xuân Hòa bình” ở miền Bắc Syria nhằm tấn công lực lượng người Kurd và thiết lập một vùng đệm an toàn, các tổ chức nhân quyền Syria thông báo hàng trăm nghìn dân thường tại khắp các khu vực khác nhau ở miền Bắc Syria đã phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), hơn 250.000 dân thường đã tháo chạy khỏi các khu vực do người Kurd kiểm soát trước nguy cơ bạo lực bùng phát trong bối cảnh khu vực này đang trở thành mục tiêu tấn công của Ankara và tình hình chiến sự được dự báo sẽ còn phức tạp trong những ngày tới.

Một số nguồn tin địa phương ước tính số dân thường phải di dời là hơn 200.000 người. Phần lớn trong số họ đã chạy trốn từ thành phố Ras Al-Ain đến thành phố Hasakah, trong khi những người rời bỏ thành phố Tel Abyad thì chạy đến Raqqa và các khu làng lân cận. Trên thực tế, số lượng người rời bỏ nhà cửa đang tăng lên từng ngày. Họ không chỉ là người Kurd, mà còn có những người thuộc nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác nhau sinh sống ở miền Bắc Syria như người Arab, Armenia và Chechnya.

Trên mặt trận quân sự, các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đến nay đã mất 800 chiến binh, trong khi hơn 100 tay súng thuộc phe đối lập Syria được Ankara hậu thuẫn đã thiệt mạng. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, các nguồn tin cho biết đã có 8 binh sĩ nước này thiệt mạng, mặc dù chính quyền Ankara chỉ thừa nhận con số thương vong là 5 binh sĩ.

Theo Trung tâm Hòa giải Syria của Nga (RRCS), một tổ chức nhân đạo và giám sát hòa bình do Nga bảo trợ, các điều kiện nhân đạo ở khu vực biên giới phía Đông Bắc Syria đang ngày càng trở nên tồi tệ. Người đứng đầu RRCS, Alexei Bakin cho hay, các cơ sở y tế, thương mại và dịch vụ tại khu vực này hầu như đã rơi vào tình trạng đình trệ. Mối đe dọa thực sự là nhiều người dân ở các trại tị nạn trong vùng lãnh thổ do SDF kiểm soát có thể chết vì đói và bệnh tật. RRCS kêu gọi tất cả các bên đưa ra những giải pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở miền Đông Bắc Syria. Trên cơ sở đó, quan chức này cho rằng Chính phủ Syria cần nhanh chóng hành động để chặn đứng nguy cơ xảy ra thảm họa. Giới quan sát cho rằng điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người phải rời bỏ nhà cửa do chiến sự, đồng thời ngăn chặn sự sụp đổ của các dịch vụ y tế và cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở miền Bắc Syria.

Tại thành phố Tel Abyad, một trong những mục tiêu đầu tiên mà Thổ Nhĩ Kỳ nhắm tới trong chiến dịch quân sự, một bệnh viện do tổ chức phi chính phủ Bác sĩ Không Biên giới thành lập đã phải đóng cửa khi phần lớn nhân viên y tế phải sơ tán. Bệnh viện này có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ y tế cho người dân địa phương. Một bác sĩ thuộc tổ chức nói: “Những gì chúng tôi đã chứng kiến ở Tel Abyad thật khủng khiếp. Một thành phố đã biến thành thị trấn ma. Sau 8 năm xung đột, người Syria một lần nữa lại phải rời bỏ nhà cửa của mình để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn”.

Phần lớn người di dời buộc phải tạm thời trú ẩn tại các địa điểm công cộng hay trại tập trung. Không chỉ đối mặt với những tổn thương tinh thần kéo dài, nguồn thực phẩm và nước uống mà họ được tiếp cận là rất hạn chế. Nhu cầu chỗ ở của hàng nghìn phụ nữ và trẻ em trong các trại tập trung cũng đang tăng lên, trong khi đó, chiến sự leo thang buộc một số tổ chức nhân đạo phải đình chỉ hoặc giảm bớt các hoạt động cứu trợ.

Cho đến nay, một số nước châu Âu thông báo đã đề nghị cấp hàng chục triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế để giúp xoa dịu thảm họa nhân đạo ở miền Bắc Syria, song con số này vẫn là quá ít để có thể giúp giải quyết thảm kịch di dân khổng lồ. Sau khi Mỹ rút khỏi miền Bắc Syria, đã có 22 tổ chức quốc tế chuyển cơ sở đến tỉnh Erbil ở Iraq. Hiện tại, điều đáng lo ngại là không còn tổ chức cứu trợ nào tại thành phố Ras Al-Ain, Tel Abyad hoặc các khu vực lân cận ở miền Bắc Syria. Rõ ràng, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đang trực tiếp đẩy Syria vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo không có hồi kết.

Minh Châu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/cuoc-khung-hoang-nhan-dao-khong-hoi-ket-tai-syria-113545.html