Cuộc khủng hoảng 'thừa du khách'

Theo số liệu do Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) công bố, ngành du lịch xứ sở Mặt trời mọc phục hồi đến 85,6% (2,16 triệu người) - mức được ghi nhận vào năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, không phải ai cũng vui với thông báo này.

Nét quyến rũ, sự yên tĩnh trầm mặc của các thành phố cổ đã bị phá hỏng trước tình trạng quá đông du khách khiến cho đời sống của người dân địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Người dân địa phương khó đón được xe đi làm, còn các Maiko (những geisha tập sự) bị khách du lịch làm phiền khi vây quanh đòi “selfie”, thậm chí đôi khi có hành động thô lỗ...

Để đối phó với tình trạng quá tải trong mùa thu (mùa cao điểm du lịch), chính quyền TP Kyoto buộc phải công bố danh sách biện pháp, bao gồm tăng thêm số chuyến xe buýt kết nối các ga đường sắt và các điểm tham quan; khuyến khích việc sử dụng tàu điện ngầm; thành lập khu vực giữ hành lý tạm thời tại ga…

Trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt sự bất bình của người dân địa phương, Hiệp hội Du lịch TP Kyoto còn phát hành tờ rơi dành cho du khách có tựa đề “Hãy để tâm đến cách cư xử của quý vị”, trong đó nêu rõ những hành vi được đánh giá cao (ví dụ mang theo túi mua sắm có thể tái sử dụng) và những hành động không thể chấp nhận được (chẳng hạn như hút thuốc nơi công cộng)…

Tình trạng quá tải khách du lịch gần Đền Kiyomizu-dera. Ảnh: GETTY IMAGES

Như giao lộ đường sắt ở Kamakura, một thị trấn lịch sử cách Tokyo khoảng 1 giờ đi tàu về phía Tây Nam, tràn ngập du khách chụp ảnh tự sướng ngay ngã tư, gây cản trở giao thông và buộc chính quyền địa phương phải bố trí lực lượng bảo vệ để đề phòng tai nạn. Trong khi đó, núi Phú Sĩ - Di sản thế giới được UNESCO công nhận - cũng đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng thừa khách”.

Theo Nikkei Asia, năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm núi Phú Sĩ được công nhận là Di sản thế giới, nhưng tác động môi trường và sự tàn phá vẻ đẹp tự nhiên của nó có nguy cơ khiến ngọn núi linh thiêng này bị loại. Ngay cả những nơi tưởng chừng như không mấy ấn tượng cũng đông nghẹt khách du lịch.

Tình hình ở các thành phố cấp tỉnh xa xa thì đỡ hơn. Morioka, thủ phủ của tỉnh Iwate, là một thành phố thanh bình, được bình chọn xếp thứ hai sau London trong danh sách “52 địa điểm nên đến vào năm 2023” của báo The New York Times…

Sau đại dịch đến nay, Morioka vẫn tránh được tình trạng tắc nghẽn du khách mà nhiều thành phố khác đang mắc phải. Khi hiệp hội du lịch địa phương muốn giăng biểu ngữ để quảng cáo sự xếp hạng của New York Times, chính quyền thành phố đã bác bỏ kế hoạch này với lý do nó sẽ hủy hoại cảnh quan thành phố.

Ông Tasso Takuya, Thống đốc Iwate, không giấu được sự vui mừng trước sự công nhận này và hy vọng các khu vực còn đang ẩn mình của Nhật Bản sẽ noi gương Morioka trong việc bảo vệ vẻ đẹp riêng. Nguyên nhân do sự phát triển không kiểm soát và tình trạng quá tải du khách có nguy cơ đe dọa đến sức hấp dẫn vốn giúp những nơi này trở nên đặc biệt.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cuoc-khung-hoang-thua-du-khach-post706702.html