Cuộc lăn bánh về một miền nhân ái

Thú thật tôi rất ngại viết về ông Nguyễn Tiến Toàn, bởi tôi với ông có mối quan hệ thân tình đồng hương, không khéo lại bị cắc cớ 'những người quen biết lăng –xê nhau'. Là một doanh nhân thành đạt, nhưng hình như cái chất nghệ sĩ lúc nào cũng ứ đầy trong con người Nguyễn Tiến Toàn. Mỗi lần gặp, chẳng mấy khi nghe ông nói chuyện thương trường, chỉ toàn nghe ông… đọc thơ. Mà quả thật, Nguyễn Tiến Toàn cũng là hội viên Hội Nhà văn TPHCM đấy chứ. Ông đã xuất bản mấy tập bút ký như 'Khát vọng tuổi thơ', 'Những nẻo đường đi qua' và 'Đất lạ'. Thế nhưng, tôi chỉ xin kể câu chuyện lập nghiệp của Nguyễn Tiến Toàn với thương hiệu xe lăn Kiến Tường.

1. Ở tuổi ngoài 60, Nguyễn Tiến Toàn bị tai biến, nhiều người e ngại gần xa về sự chẳng lành có thể xảy ra, tôi vội vàng chạy đến nhà thăm ông. Nguyễn Tiến Toàn ngồi trên chiếc xe lăn do mình sản xuất, để tiếp khách. Tôi đùa: “Cảm giác thế nào?”. Phát âm khá khó nhọc, nhưng ông vẫn liếng láu như thói quen: “Từ năm 30 tuổi, tôi đã nghĩ đến chiếc xe lăn. Bây giờ ngồi đây hơi buồn nhưng vẫn hạnh phúc!”. Đó là lần đầu tiên tôi nghe ông thổ lộ phát nguồn ý tưởng làm xe lăn.

Chuyện rằng, năm 1976, Nguyễn Tiến Toàn sau một thời gian làm phu khuân vác đã dành dụm được 3 chỉ vàng để đi thu mua phế liệu. Một hôm, ông chở vợ trên đường, thì gặp một người thương binh cũng di chuyển cùng chiều với một miếng ván gắn bốn cái bánh xe nhỏ. “Tui ngừng xe lại, nhìn chăm chú người thương binh ấy. Trời ơi, con cá bơi trong nước, còn con người cũng phải bơi trong đời ư? Phải làm gì chứ!”. Đêm đó ông thức trắng, vẽ một kiểu xe lăn. Sáng hôm sau, ông mang bản thiết kế đi hỏi khắp các tiệm cơ khí, họ đều lắc đầu vì không mường tượng được cần làm những thứ gì để thành sản phẩm. Nguyễn Tiến Toàn đành tự mình tìm kiếm vật tư… Dọ dẫm lắp ráp hơn ba tháng, Nguyễn Tiến Toàn có được một chiếc xe lăn nên hình nên dạng, nhưng để sản xuất không phải bằng thao tác tạm bợ thì ông vẫn đau đáu tìm giải pháp!

Thế nhưng, những năm đất nước vừa thống nhất vẫn đầy rẫy khó khăn. Công việc làm ăn liên tục gặp trở ngại, hai lần bị trắng tay, năm 1985, Nguyễn Tiến Toàn dắt vợ con sang Campuchia với khát vọng tìm cơ hội mới. Hành lý mà ông mang theo khi rời xa căn nhà cũ, chỉ có mấy bộ đồ và… một chiếc xe lăn. Hơn một năm lầm lũi đất khách, nghèo vẫn nghèo, khổ vẫn khổ, tài sản duy nhất ngày hồi hương vẫn là… một chiếc xe lăn.

Dự định theo lại nghề buôn bán phế liệu, Nguyễn Tiến Toàn được Cục Quân y gợi ý, nếu có xe lăn thì sẽ đổi cho những thùng conex (thùng sắt chứa hàng hóa hoặc dụng cụ). Vừa thực hiện được ước mơ vừa có cơ hội kiếm tiền, Nguyễn Tiến Toàn lao vào đánh vật với những chiếc xe lăn. Ngày 2/12/1986, Nguyễn Tiến Toàn đã giao lô hàng đầu tiên là 40 chiếc xe lăn nhãn hiệu Kiến Tường cho Cục Quân y.

2. Một đặc điểm nổi bật của Nguyễn Tiến Toàn mà ai quen biết ông cũng nhận ra, đó là sự hào hiệp. Vì vậy, với một sản phẩm giàu tính nhân ái như xe lăn, thì tôi không tin ông có thể làm giàu bằng chính cơ sở Kiến Tường. Nguyễn Tiến Toàn cũng không hề giấu giếm: Sau 3 năm mang xe lăn đến đổi, thì Cục Quân y cũng hết phế liệu. Chiếc xe lăn Kiến Tường được bán rộng rãi ra xã hội. Nói chung, doanh thu tạm đủ để duy trì hoạt động, và chính ông chủ cũng không nghĩ bản thân sẽ “một vốn bốn lời” từ sản phẩm này.

Đầu năm 1991, Nguyễn Tiến Toàn gặp một khách hàng đặc biệt, khiến ông có một quyết định khác. Một cô gái đến cơ sở Kiến Tường để hỏi mua một chiếc xe lăn cho người cha tật nguyền. Sau khi biết giá bán, cô ngập ngừng rất lâu rồi quay đi với một câu nói ái ngại: “Cháu chưa đủ tiền, khi nào cháu dành dụm đủ tiền, sẽ quay lại mua!”. Cô gái nghèo ấy tất tả bước qua phố đông, không thể biết người sản xuất xe lăn phía sau bỗng ứa nước mắt. Nguyễn Tiến Toàn đã khóc, vì cuộc đời có quá nhiều người bất hạnh, mà sức mình có hạn. Ông không có cách nào để giảm chi phí sản xuất, vật tư đã cố định như thế, không thể giảm lương công nhân. “Tui nghĩ, phải kinh doanh thêm lĩnh vực nữa, để hỗ trợ cho chiếc xe lăn. Phải có nguồn thu bù lỗ thì mới có thể bán rẻ hoặc biếu tặng cho những người khốn khó!”. Và nhiều cây xăng đã ra đời, Nguyễn Tiến Toàn lấy doanh thu của dịch vụ xăng dầu để nuôi cơ sở Kiến Tường. Và cũng từ đó, giá bán mỗi sản phẩm Kiến Tường rẻ hơn, phù hợp với túi tiền của người lao động bình thường. Thậm chí, hộ nghèo đi mua xe lăn thì được giảm giá đến phân nửa.

Nhà thơ Thu Bồn, khi chứng kiến bao nhiêu thương binh và người khuyết tật có thể di chuyển mạnh dạn trên chiếc xe lăn, đã viết bài thơ tặng Nguyễn Tiến Toàn:

“Chiếc xe lăn đi vào đời

Như số phận dành cho ai đó sau cuộc chiến trở về

Chiếc xe lăn qua tia nhìn em bé

qua những uẩn khúc của cuộc đời.

Đồng hành với chiếc xe lăn.

Có bao nhiêu bàn chân đi tìm hạnh phúc

Đi đào bới thức ăn ở tận miền xa…

Chiếc xe lăn xinh xắn chào mời

Cuộc lăn bánh về một miền nhân ái”.

Nguyễn Tiến Toàn bên chiếc xe lăn Kiến Tường.

Nguyễn Tiến Toàn bên chiếc xe lăn Kiến Tường.

3. Tại trường Đại học San Fransico có khoa nghiên cứu hỗ trợ người tàn tật đã ra đời hơn 100 năm. Tiến sĩ Marc, chủ nhiệm khoa này, đã khảo sát và sưu tầm các kiểu xe lăn được sản xuất khắp thế giới, và ông đã ngạc nhiên trước tính năng và độ bền của xe lăn Kiến Tường. Vượt nửa vòng trái đất, Tiến sĩ Marc tìm gặp Nguyễn Tiến Toàn để tìm hiểu dây chuyền sản xuất, và thốt lên: “Tôi không thể ngờ chỉ với phương pháp thủ công mà người Việt Nam có thể làm ra chiếc xe lăn tương đương với chiếc xe lăn lắp ráp theo kỹ thuật tối tân của Mỹ. Hơn nữa, giá thành chiếc xe lăn của các bạn chỉ bằng 1/10 chiếc xe lăn của chúng tôi!”.

Trung bình mỗi tháng cơ sở Kiến Tường xuất xưởng 400 chiếc xe lăn và xe lắc. Khách hàng lớn nhất của doanh nhân Nguyễn Tiến Toàn đều ở thị trường Iraq nơi vẫn còn dư chấn một cuộc chiến khốc liệt. Tuy nhiên, mỗi lô hàng, Nguyễn Tiến Toàn đều giữ lại vài chiếc xe lăn để làm từ thiện. Nơi nào có thương binh hay người khuyết tật không đủ khả năng mua xe, ông mang đến tặng. Đó là niềm vui của Nguyễn Tiến Toàn sau niềm vui… đọc thơ với bạn bè!

Thoát cơn tai biến, Nguyễn Tiến Toàn may mắn phục hồi được sức khỏe. Ông vừa xuất bản cuốn sách “Người lập nghiệp” với bộc bạch: “Làm xe lăn, ý thức của tôi là góp một phần giúp cho con người vơi bớt nỗi đau mất mát, nhưng cũng phải làm thế nào để lo đủ cho đời sống công nhân của tôi, đủ để phát triển về nhà xưởng, máy móc thiết bị phù hợp và cần thiết cho sự nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến tuổi này, tôi muốn dành thời gian nhiều hơn để viết sách, không chỉ thỏa sở thích là sáng tác văn chương mà còn viết để lưu lại với đời những bài học mà tôi đã trải qua để lớp trẻ có thể rút kinh nghiệm cho công cuộc gây dựng sự nghiệp của họ. Khởi nghiệp của giới trẻ bây giờ không vất vả như thế hệ của chúng tôi, nhưng lại có những thử thách khác. Tôi mong những va vấp của mình sẽ không lặp lại”.

Lâu lâu tại biệt thự của Nguyễn Tiến Toàn ở Thủ Đức- TPHCM lại tụ tập nhiều văn nghệ sĩ. Và lúc ấy, doanh nhân Nguyễn Tiến Toàn nhường chỗ cho nghệ sĩ Nguyễn Tiến Toàn vung tay lên trời đọc bài “Hồ trường” mà ông tâm đắc: “Trai trẻ bao lăm, mà đầu bạc. Trăm năm thân thế, bóng tà dương. Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi. Trời đất mang mang. Ai người tri kỷ... Lại đây cùng ta. Chung cạn một hồ trường!”

Ít người biết, rất nhiều văn nghệ sĩ khi cao tuổi sức yếu đều được Nguyễn Tiến Toàn gửi tặng xe lăn như Trần Dần, Lý Văn Sâm, Tế Hanh, Hoàng Cầm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Hiệp, Trịnh Công Sơn… Ông chủ xe lăn Kiến Tường xem chuyện giúp người khác là điều hết sức bình thường, cho nên có khi đọc bài viết bé mọn của tôi, thì ông lại cười khà khà và đọc mấy câu thơ: “Nào ai tỉnh, nào ai say.... Chí ta, ta biết. Lòng ta, ta hay. Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ. Hà tất cùng sầu với cỏ cây”.

Lê Thiếu Nhơn

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/cuoc-lan-banh-ve-mot-mien-nhan-ai-103805.html