Cuộc lữ hành âm nhạc đầy kỳ thú

Trong liveshow ca nhạc 'Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng', diễn ra hai tối 5 và 6-6, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), đánh dấu liveshow thứ 10 trong chặng đường ca hát của ca sĩ Tùng Dương.

Hình ảnh giới thiệu liveshow “Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng”. Ảnh: Gia Bảo

Bốn nhạc sĩ: Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường và Trần Tiến từ lâu đã được làng nhạc sĩ quen gọi “Bộ tứ sông Hồng”. Nhưng với Tùng Dương, anh ví họ như 4 “tráng sĩ” bởi “gia tài” âm nhạc đồ sộ của họ cũng như sức ảnh hưởng của những tác phẩm âm nhạc có giá trị nằm lòng với công chúng nhiều chục năm qua. Vì thế, live concert thứ 10 trong sự nghiệp, nam ca sĩ Tùng Dương hát “Bộ tứ sông Hồng” như để đối thoại giữa các thế hệ âm nhạc trên một sân khấu, cũng là để hiện thực hóa được giấc mơ từ lâu theo đuổi của anh bằng một concept đẹp: Tổ chức một đêm nhạc quy tụ những tác phẩm âm nhạc thành công nhất của 4 nhạc sĩ. Bốn người con kiêu bạt của nền văn hóa châu thổ sông Hồng, qua nhiều thập kỷ dài đã miệt mài tạc nên bức chân dung sắc nét về mảnh đất đã sinh ra họ, nuôi dưỡng họ và họ mãi mãi thuộc về.

Màn song ca của Tùng Dương và Trần Thu Hà trong đêm nhạc.

Trong đêm diễn đầu tiên, Tùng Dương có lúc hát riêng, lúc song ca cùng Bằng Kiều, hoặc Thu Hà đã đưa đông đảo người xem đi từ miền văn hóa này đến giai điệu đẹp trong dân ca của vùng miền khác trong những sáng tác nổi bật của 4 nhạc sĩ. Người nghe những tưởng âm nhạc Dương Thụ trước giờ vẫn được coi là “gia tài” của các giọng nữ, nhưng đằng sau vẻ đẹp buồn trong trẻo dịu nhẹ ấy chính là sức mạnh của nam tính và sự từng trải trong “Bay vào ngày xanh”, “Vẫn hát lời tình yêu”, “Cho em một ngày”, “Bài hát ru cho anh” hay “Bóng tối ly cà phê”… để người nghe cảm nhận được một cách tinh tế và dịu dàng nhất.

Với nhạc của Trần Tiến, Tùng Dương một lần nữa gây ấn tượng khi thể hiện nổi bật hai thuộc tính như trái ngược nhạc sĩ, đó là chất Đời và chất Thiền. Từ “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Mặt trời bé con”, “Một mình”, “Quê nhà”…đến những sáng tác đậm chất thiền về sau này như: “Sắc màu”, “Mẹ tôi”, “Ra ngõ tụng kinh”, “Mưa bay tháp cổ”…

Nguyễn Cường và Phó Đức Phương được Tùng Dương ví như hai “ông già gác đền”, bởi những chất chứa và nặng tình mà hai ông đã đau đáu dành cho những di sản dân tộc, in dấu ấn ngàn năm nơi “Mái đình làng biển” hay “Những cô gái quan họ”. Cùng khai thác chất liệu văn hóa dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng ở mỗi tấm gương phản chiếu, lại cho ra những bức chân dung khác nhau về vùng đất châu thổ này. Nếu như ở Phó Đức Phương là một tâm hồn phơi phới rộng mở, lại cũng vừa thăm thẳm ưu tư với tình quê, tình đất, thì ở Nguyễn Cường là lời khẳng định đầy tự hào và niềm tin trước sự trường tồn của những giá trị đã được thời gian chưng cất; cả sức chịu đựng dẻo dai của con người qua bao biến động, vần xoay. Nếu như ở Phó Đức Phương là vẻ hồn hậu, chân chất với những “làn nắng cũng mang điệu dân ca”, những “bóng chiều in ngấn nước”… lại cũng có lúc bảng lảng, tĩnh tại và thoát tục trong “Một thoáng Tây Hồ” và “Trên đỉnh Phù Vân”…Âm nhạc Nguyễn Cường lại vạm vỡ và rắn rỏi trầm hùng trong “Mái đình làng biển”, “Hò biển”, “Bi ca Mỵ Châu”...

Bằng nhạc cảm tinh tế, bằng khả năng xử lý thông minh, giọng hát giàu nội lực cùng phong cách nghệ thuật đa dạng, độc đáo, kết hợp thăng hoa cùng các khách mời Bằng Kiều và Trần Thu Hà, hơn 3 giờ đồng hồ, nam ca sĩ “8X” đã thể hiện màn “đối thoại thế hệ” đầy thú vị bằng một hứng cảm mới, giọng điệu mới và một tâm thế mới. Để rồi khán giả, qua cảm quan của mình nhận ra, dù cùng đi qua và nếm trải bao biến động cam go của thời cuộc, nhưng kỳ lạ sao nghe trong âm nhạc của cả 4 “Tráng sĩ sông Hồng” ta chỉ thấy những niềm vui phơi phới của những cánh buồm căng no gió. Hoặc nếu có buồn, thì cũng đều là những nỗi buồn thật đẹp, thật mộng mơ.

VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giai-tri/cuoc-lu-hanh-am-nhac-day-ky-thu-540750