Cuộc nổi dậy đòi quyền... mặc quần trong thượng viện Mỹ

Cho đến thập niên 90, nữ thượng nghị sĩ Mỹ khi đến thượng viện vẫn không được tự do… mặc quần. Vào một ngày đầu Đông năm 1993 đã nổ ra một cuộc nổi dậy của họ về trang phục.

Nữ nghị sĩ phải mặc váy mới được vào phòng họp

Ngay khi nhậm chức, Barbara Mikulski và Carol Moseley Braun đã có chỗ trong sách lịch sử. Năm 1987, Mikulski đã tự thân vào được thượng viện mà không cần trợ giúp của chồng và ông bố đang là chính khách. Năm 1992, Moseley Braun trở thành nữ thượng nghị sĩ da màu đầu tiên. Năm 1993, hai người phụ nữ này còn ghi danh mình vào “lịch sử thời trang nước Mỹ”.

Thượng nghị sĩ da màu đầu tiên Carol Moseley Braun

Năm 1993, Moseley Braun rời Illinois đến Washington nhậm chức thượng nghị sĩ. Khi đến thủ đô, bà vẫn vận bộ đồ bà thường mặc khi xuất hiện ở quê nhà. “Tôi có một bộ vest kèm quần âu thực sự cao cấp. Thế là tôi mặc như vậy khi bước chân lên sàn thượng viện. Khi đó, tôi nghe rất rõ tiếng hít hà của mọi người và ngạc nhiên”, bà kể.

Bà tân thượng nghị sĩ đã vô tình vi phạm quy tắc của thượng viện, vì cho đến thập niên 90, phụ nữ, cả thượng nghị sĩ lẫn nhân viên, vẫn không được phép mặc quần khi đi làm ở thượng viện mà phải xuất hiện trong trang phục là váy. Hồi đó, phụ nữ vẫn là thiểu số trên chính trường nên người ta trông đợi họ phải “lặng lẽ và không nổi trội” khi gia nhập thế giới thượng viện.

Còn nhớ năm 1916, khi Jeannette Rankin là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào thượng viện, trang phục được chọn là váy dài sát đất, đường cắt rất bảo thủ và với những tông màu dịu, không lộ liễu. Trong những thập niên sau đó, các nữ thượng nghị sĩ từng phải nhắc nhở các tân binh những điều cấm kỵ trong thời trang, như nổi trội khác người, trang phục có những đường cắt quá táo bạo hoặc váy quá ngắn...

Năm 1969, bà hạ nghị sĩ Charlotte T. Reid đã lên mặt báo, khi mặc một bộ vest với quần âu đến hạ viện. Các đồng nghiệp nam, tuy khen bộ vest đẹp nhưng đã săm soi ghê quá, nên bà này phải lùi bước. “Tôi không muốn làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến công việc của tôi ở hạ viện. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, quần trông cũng có thể rất nữ tính chứ!”, bà kể lại.

Nữ thượng nghị sĩ đầu tiên dám... mặc quần bước lên sàn thượng viện

Năm 1993, lần đầu tiên có 6 nữ trong tổng số 100 thượng nghị sĩ và năm đó được báo chí Mỹ vinh danh ngay là “năm phụ nữ”. Cho đến trước 1993, Mỹ chưa bao giờ có nhiều hơn 2 nữ thượng nghị sĩ.

Bên cửa vào phòng họp, nhân viên bảo vệ kiểm tra từng người, vì lý do an ninh nhưng cũng vì trang phục nữa. Tất cả những người được cho là có trang phục không phù hợp đều không được vào phòng họp.

Trong khi Moseley Braun ngẫu nhiên lọt qua sự kiểm tra của cảnh sát thời trang, thì Barbara Mikulski đã chủ ý tấn công vào cái quy tắc trang phục cổ lỗ này. Vào một ngày mùa đông năm 1993, khi dự báo thời tiết báo là ở Washington vẫn giá rét và có tuyết rơi, bà quyết định: “Chịu đựng thế là đủ rồi. Tôi thấy dễ chịu nhất khi mặc quần. Ừ thì phụ nữ mặc quần vào phòng họp thượng viện bị coi là một sự kiện gây chấn động”, bà kể.

Thượng nghị sĩ Barbara Mikulski (thứ 3 từ phải qua) và các đồng nghiệp

Bà đã phải liên hệ với Robert Byrd, thủ lĩnh phe dân chủ đa số trong thượng viện để thông báo về sự chọn lựa trang phục của bà. Ông này cho kiểm tra lại các quy tắc, để chắc chắn là việc cấm mặc quần không được ghi rõ ràng trong các quy tắc.

Khi không tìm thấy điều nào trong các quy tắc về việc này, Robert Byrd đã phải đồng ý với lựa chọn trang phục của bà thượng nghị sĩ. “Thế là hôm đó tôi mặc quần vào thượng viện, như dạo chơi trên cung trăng vậy, vì làm cả hội trường nhốn nháo hẳn lên”, Barbara Mikulski kể lại.

Bà và Moseley Braun đã nhận được hậu thuẫn của Martha Pope, người phụ nữ đầu tiên phụ trách an ninh và trật tự trong thượng viện. Martha Pope đã soạn một bản ghi nhớ về quy định trang phục và phát cho nhân viên bảo vệ, trong đó ghi rõ “phụ nữ được phép mặc quần khi đi họp”.

Phong trào “quốc gia âu phục”

Nếu không có cuộc nổi dậy của Moseley Braun và Mikulski chắc đã không có phong trào “quốc gia âu phục” khi Hillary Clinton tranh cử tổng thống năm 2016. Trong quyển “What Happened” (Điều gì đã xảy ra) Clinton viết, trang phục vest kèm quần âu trở thành thương hiệu của bà, vì trong một bộ âu phục như vậy bà cảm thấy chuyên nghiệp và sẵn sàng tấn công.

Hillary Clinton đầy tự tin trong bộ âu phục

Thêm vào đó, khi tiếp xúc với cánh nhiếp ảnh và những người chỉ trích bà, bộ âu phục đem đến cho bà sự an tâm: “Trang phục kèm quần âu giúp tôi tránh được rủi ro có thể bị chụp hình dưới váy mình, khi tôi ngồi trên sân khấu hoặc leo bậc thang, là việc thường xảy ra với một Đệ nhất phu nhân như tôi”.

Tuy vậy, cánh chỉ trích Hillary Clinton đã tận dụng sở thích thời trang âu phục của bà để công kích “nữ tính” của bà. Nữ luật sư Gloria Allred, một người nồng nhiệt ủng hộ trang phục mạnh mẽ của phụ nữ (Blazer và váy cùng màu), coi cách hành xử như vậy là quá tầm thường: “Nếu họ công kích Hillary Clinton vì bộ vest kèm quần âu của bà ấy, thì có nghĩa là họ không có một lý giải đúng đắn nào cho những gì họ nói. Đó rõ ràng là một cách cư xử phân biệt giới tính. Thử hỏi, đã bao giờ một người đàn ông bị công kích vì mặc một bộ comple chưa?”

Cuộc nổi dậy đòi quyền về trang phục của phụ nữ chỉ là một trong nhiều giai thoại đình đám của các nữ chính khách Mỹ về trang phục của họ. Pat Nixon đi vào lịch sử, khi năm 1972 là Đệ nhất phu nhân đầu tiên mặc bộ vest kèm quần âu của 2 nhà thiết kế thời trang Mỹ để thiên hạ chụp ảnh trên một sàn diễn thời trang. Quyết định của Hillary Clinton năm 2007 trong thượng viện khoác một bộ vest kèm quần âu, trong mặc áo phông cổ khoét hình chữ V, đã đi vào biên niên sử thời trang Washington như là một “Cleavagegate” (vụ xì-căng-đan cổ áo hở vai). Người ta cũng không thể quên cuộc tranh luận về những chiếc váy hở vai của Michelle Obama.

Thùy Chi (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/cuoc-noi-day-doi-quyen-mac-quan-trong-thuong-vien-my-post49401.html