Cuộc nổi loạn nhà tù đẫm máu nhất lịch sử Mỹ

Mùa hè năm 1971, sự ngột ngạt tại nhà tù Attica, New York với 2.200 tù nhân chen chúc đã tiến đến điểm cùng cực, dẫn tới vụ nổi loạn đẫm máu khiến Attica trở thành cái tên gắn liền với nạn bạo hành sau tấm song sắt và sự “lộng quyền” của đơn vị hành pháp Mỹ ở thời điểm đó.

Nhà tù Attica nằm biệt lập ở khu phía tây xa xôi của bang New York với 54% tù nhân là người da màu. Đời sống sinh hoạt trong tù của phạm nhân ở trong tình trạng vô cùng tồi tệ. Tù nhân chỉ được phép tắm rửa 1 lần trong cả tuần và nhận 1 cuộn giấy toilet trong một tháng. Những người theo đạo Hồi không được phép thực hiện các nghi lễ. Không những vậy, họ thường xuyên phải đi ngủ trong tình trạng đói lả bởi chính quyền bang chỉ cho phép chi 63 cent tiền thực phẩm cho 1 tù nhân/ngày. Thêm vào đó, bưu phẩm của tù nhân bị kiểm duyệt chặt chẽ, các quản giáo không đọc được tiếng Tây Ban Nha vì vậy họ thường thẳng tay vứt thư của các tù nhân người Puerto Rica vào thùng rác. Tù nhân da màu thậm chí bị đối xử tệ hơn bởi luôn phải chịu những lời thóa mạ, phân biệt chủng tộc và lối đối xử không công bằng từ cai ngục da trắng.

Tù nhân tại nhà tù Attica đã đề nghị thay đổi điều kiện sống nhưng họ chỉ nhận được những lời hứa suông từ chính quyền. Căng thẳng tăng tột độ khi các tù nhân biết rằng một thành viên cốt cán của Black Panther (đảng Báo đen - phong trào đấu tranh vì bình đẳng cho người da màu ở Mỹ) là George Jackson bị sát hại ở nhà tù San Quentin vào tháng 8. Điều này khiến các tù nhân Attica cảm thấy cần phải thực hiện một cuộc cách mạng.

Sáng ngày 9/9/1971, một nhóm tù nhân đã thấy cơ hội để nổi dậy. Họ khống chế cai ngục, tràn vào khu vực trung tâm, giành lấy vũ khí và phóng hỏa. Các tù nhân tập trung đánh đập thậm tệ một cai ngục tên William Quinn rồi ném ông ra ngoài từ cửa sổ tầng hai. Hai ngày sau đó, ông William Quinn qua đời trong bệnh viện vì chấn thương quá nặng. Trong vài giờ hỗn loạn, một tù nhân có tên L.D. Barkley đã phát biểu: “Chúng tôi là con người. Chúng tôi không phải là quái vật”.

Trước tình hình rối ren, cảnh sát bang New York đã ra tay, họ sử dụng súng máy và hơi cay để trấn áp tù nhân. Đến 10 giờ sáng ngày hôm đó, 1.281 tù nhân cùng tập trung lại với nhau rồi chiếm giữ D Yard- khoảng sân tập rộng rãi bao quanh bởi những bức tường cao hơn 10 mét và một số tháp canh. Ngoài các tù nhân, tại D Yard còn có 39 người bị bắt làm con tin với phần lớn là cai ngục và một số nhân viên nhà tù. Các tù nhân trang bị dao, gậy và giám sát chặt chẽ con tin.

Người đứng đầu nhóm tù nhân đưa ra yêu sách với nhà chức trách bang rằng họ chỉ đầu hàng với 33 yêu cầu cần được đáp ứng như tự do tôn giáo, nới lỏng việc kiểm soát thư từ... Trong những cuộc đàm phán căng thẳng, đại diện hệ thống hình sự bang New York, ông Russell Oswald đã đồng ý với nguyện vọng cải thiện chất lượng sống của tù nhân. Tuy nhiên mọi chuyện bỗng chững lại khi những tù nhân này còn đề xuất ân xá cho tất cả những người có mặt ở D Yard và được an toàn xuất cảnh sang “một quốc gia khác không phải đế quốc”.

Các tù nhân Attica đầu hàng sau khi cảnh sát giành lại quyền kiểm soát nhà tù.

Trong cùng thời điểm đó, hàng trăm nhân viên an ninh bang đã kéo về nhà tù Attica. Thống đốc bang Nelson A. Rockefeller kêu gọi sự giúp đỡ từ lực lượng Vệ binh Quốc gia. Nhiều quan sát viên đã khuyên Thống đốc Rockefeller trực tiếp đến Attica để thể hiện thiện chí tuy nhiên ông từ chối và thay vào đó chỉ thị lực lượng an ninh lấy lại quyền kiểm soát nhà tù.

Vào buổi sáng mưa tầm tã ngày 13/9, một tối hậu thư được đọc cho các tù nhân, yêu cầu họ đầu hàng. Các tù nhân tại D Yard lại phản ứng bằng việc kề dao vào cổ con tin. Vào khoảng 9 giờ 45 phút sáng, trực thăng quần thảo trên bầu trời nhà tù Attica, thả khí ga ngập ngụa khắp D Yard và lực lượng đông đảo gồm 600 nhân viên an ninh liền ập đến. Cảnh sát đã nổ 3.000 phát đạn vào đám khói hơi cay mù mịt khiến 29 tù nhân và 10 con tin thiệt mạng, 89 người khác bị thương. Phần lớn các tù nhân thiệt mạng trong thời điểm đó tuy nhiên vẫn có một số người bị bắn chết ngay cả khi đã đầu hàng.

Sau cuộc đột kích đẫm máu, nhà chức trách cho biết tù nhân đã giết các con tin bằng việc cắt cổ họ. Tuy nhiên kết quả khám nghiệm tử thi lại chứng minh rằng những cáo buộc này hoàn toàn sai lệch và 10 con tin thiệt mạng vì bị bắn chết bởi cảnh sát. Không những vậy, truyền thông còn đưa tin rằng những tù nhân còn sống sót sau đó đã bị tra tấn và làm nhục bởi nhân viên an ninh.

Các tù nhân Attica trong buổi đàm phán ngày 10/9/1971.

Năm 1974, luật sư đại diện cho 1.281 tù nhân đã đệ đơn kiện tập thể chống lại quan chức nhà tù và chính quyền bang New York. Phải mất 18 năm đơn kiện này mới được đưa ra trước tòa án. Tháng 1/2000, tòa ra phán quyết các tù nhân tại Attica được đền bù 8 triệu USD. Khoản đền bù này được chia cho 500 tù nhân, dựa vào mức độ nghiêm trọng mà họ phải chịu trong cuộc trấn áp nổi loạn cũng như những vụ tra tấn diễn ra nhiều tuần sau đó.

Nhà tù Attica được xây dựng vào năm 1931 và là một trong những công trình trại giam tốn kém nhất vào thời điểm đó. Năm 1991, chính quyền New York đã bán nhà tù Attica với giá hơn 200 triệu USD để bù đắp cho thiếu thốn trong ngân sách bang.

Hà Linh

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nhan-vat-su-kien/cuoc-noi-loan-nha-tu-dam-mau-nhat-lich-su-my-20161030214555263.htm