Cuộc quyết đấu giữa 2 cơ quan tình báo KGB và CIA (Phần 12)

Nếu nắm đủ thông tin cần thiết, KGB có thể ngăn Mikhail Gorbachev trước khi ông phá nát phần còn lại của cộng đồng Xô Viết. Từ cuối thập niên 1980, CIA đã cài người vào nhiều tổ chức 'dân chủ' tại Đông Âu. Ở Ba Lan, CIA tài trợ cho phong trào chính trị cực mạnh mang tên Đoàn kết.

Đồng thời, CIA cũng cung cấp tiền cho những ấn phẩm được thành phần Đông Âu lưu vong xuất bản. Chương trình tuyệt mật của chiến dịch tuồn ấn phẩm tuyên truyền vào Liên Xô cũng như Đông Âu là một trong những thành công nhất của CIA thời chiến tranh lạnh.

Nữ điệp viên Melita Norwood của KGB

Nữ điệp viên Melita Norwood của KGB

Với trường hợp điển hình Ba Lan, cùng tổ chức Đoàn kết và Giáo hội Công giáo Ba Lan, CIA không chỉ tung vào nước này ấn phẩm mang nội dung “tố cáo” cộng sản mà còn tuồn băng hình, phim tài liệu và video ca nhạc...

Gần như toàn bộ sản phẩm này đều được sản xuất từ Ban hành động chính trị và tuyên truyền của CIA. Đầu thập niên 1990, khi chính trị Đông Âu thay đổi, một trong những chiến dịch xóa sạch dấu vết của CIA là cắt liên hệ với các nhóm “dân chủ”, trong đó có Đoàn kết...

Cú trời giáng cho CIA

Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phòng Liên Xô-Đông Âu tại trụ sở CIA cũng biến mất và thay vào đó là Lực lượng phản ứng nhanh Á-Âu trung tâm. Trong khi CIA hiệu chỉnh và tái thiết kế bộ máy tình báo thời hậu chiến tranh lạnh, tháng 2-1994, một nhóm FBI áp chiếc Jaguar của Aldrich Ames vào lề đường và bắt Ames tội làm gián điệp.

CIA luôn nói rằng vụ bắt Ames là kết quả của quá trình điều tra và phân tích; tuy nhiên, nếu không nhờ một điệp viên Liên Xô phản bội, có lẽ Ames không bao giờ bị lộ diện. Tương tự, vụ bắt Robert Hanssen vào tháng 2-2001 cũng nhờ tiết lộ một cựu điệp viên KGB.

Vụ phản bội của Ames đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch hiệu chỉnh bộ máy tình báo Mỹ thời hậu chiến tranh lạnh. Hàng trăm nhân viên CIA bị trải qua cuộc kiểm tra máy phát hiện nói dối. Sức ép không chỉ bên trong mà còn từ bên ngoài tổng hành dinh CIA.

Báo chí và quốc hội đặt loạt câu hỏi mới cho vai trò CIA trong bối cảnh chính trị mới. CIA cuối thập niên 1990 giống hệt như quân đội Mỹ thập niên 1930: Tại ngũ trong thời bình và nếu có giao chiến thì cũng chỉ là những màn đánh đấm bàn giấy mang tính nội bộ.

CIA có công lớn trong việc tạo cớ để quân đội tiến đánh và xâm lược Iraq vào năm 2003. Ảnh minh họa.

Năm 1998, khi Osama Bin Laden tấn công hai tòa đại sứ Mỹ ở châu Phi, John Deutch – cựu bộ trưởng quốc phòng của Clinton – viết trên tờ New York Times: “Chúng ta phải cần một thứ tình báo siêu đẳng để có thể cảnh báo chính xác hoạt động khủng bố.

Chúng ta phải có phản ứng nhanh và mạnh để đối mặt với hậu quả một khi khủng bố xảy ra. Các chuyên gia đã kết luận rằng quốc gia chúng ta chưa chuẩn bị để có thể hành động hiệu quả ở các vấn đề này”. Chính phủ Clinton không quan tâm đến cảnh báo trên. Ngoài thờ ơ và đánh giá sai thực lực kẻ thù (Bin Laden), nội các Clinton còn có vài nguyên nhân khác trong việc không chú ý Afghanistan và hoạt động “thánh chiến” của Bin Laden...

Giữa thập niên 1990 (khi Taliban chiếm Kabul và lật đổ chính phủ Muhammad Najibullah), Công ty dầu Unocal (trụ sở California) đang tìm cách xin giấy phép lập hệ thống đường ống dẫn dầu khổng lồ băng ngang Afghanistan, nối các mỏ dầu và khí đốt ở Turkmenistan đến một nhà máy và cụm cảng tại Pakistan.

Bộ Ngoại giao Mỹ ủng hộ kế hoạch của Unocal – theo lời kể Robin L. Raphel, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Nam Á thời 1993-1997. Đích thân Raphel đã bay sang Kandahar (Afghanistan) gặp các thủ lĩnh Taliban để giúp Unocal giành hợp đồng từ các đối thủ châu Âu.

Nếu kế hoạch thành công, Taliban có thể bỏ túi 100 triệu USD/năm tiền phí quá cảnh. Để tiến hành dự án, Unocal còn thuê các viên chức cấp cao từng làm việc trong Bộ Ngoại giao, trong đó có cựu ngoại trưởng Henry A. Kissinger, cựu đại sứ đặc biệt Mỹ John J. Maresca và cựu đại sứ Mỹ tại Pakistan Robert Oakley.

Zalmay Khalilzad – người gốc Afghanistan từng làm cố vấn trong Bộ Ngoại giao thời Reagan – cũng trở thành tham vấn chính trị của Unocal (Khalilzad là một trong những cố vấn hàng đầu về Afghanistan của nội các George W. Bush trong cuộc chiến Afghanistan).

Thương vụ Unocal và quan hệ nửa bạn nửa thù của Mỹ với Taliban chỉ thật sự chấm dứt khi Bin Laden tấn công hai tòa đại sứ Mỹ ở châu Phi (7-8-1998). 13 ngày sau, Bill Clinton ra lệnh phóng tên lửa tiêu diệt hang ổ Bin Laden tại Afghanistan và Sudan.

Ngày 4-12-1998, Unocal tuyên bố hủy dự án tại Afghanistan. Năm 1999, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức đưa Al-Qaeda vào danh sách “các nhóm khủng bố nước ngoài”, phong tỏa các tài sản và tài khoản của Al-Qaeda tại Mỹ, cấm cấp visa cho thành viên Al-Qaeda... Tuy nhiên, tất cả đã quá muộn.

Sự kiện 11-9 làm thay đổi toàn bộ. CIA bị quẳng lại vào vòng chiến. Không đầy một tháng sau khi Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ, CIA đã trở lại chiến địa cũ Afghanistan. Với CIA, 11-9 là cú đấm nặng nề nhất lịch sử tình báo Mỹ và bắt đầu từ lúc đó, họ lại lao vào trận chiến mới, với tính phức tạp hoàn toàn không giống những gì từng diễn ra trong cuộc so găng với KGB...

Thiên Phú

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cuoc-quyet-dau-giua-2-co-quan-tinh-bao-kgb-va-cia-phan-12-339996.html