Cuộc sống bà con vùng lũ Sơn La, Lai Châu dần ổn định

Những ngày qua, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề, làm đảo lộn cuộc sống nhiều người dân ở Sơn La, Lai Châu. Thế nhưng, sự đoàn kết, sẻ chia và yêu thương đã giúp bà con vượt qua mất mát, bình an nơi tâm lũ.

PV Lê Hạnh - Trấn Long/VOV-Tây Bắc đưa tin: Bàng hoàng, lo lắng, xót xa... là những cảm xúc của chị Quàng Thị Ngân ở xã Nặm Păm, huyện Mường La (Sơn La) trong suốt 3 ngày qua. Trận mưa lớn đã làm đất đồi phía sau sạt đổ vào nhà của chị, khiến cả gia đình phải di dời khẩn cấp.

PV Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc thông tin, sau hơn 2 ngày đêm các đơn vị quản lý đường bộ huy động máy xúc, nhân lực tổ chức khắc phục, hót dọn các điểm sạt lở, đến hôm nay 8/8, toàn bộ các bản bị cô lập bởi mưa lũ ở Than Uyên đã được kết nối với bên ngoài, tạo thuận lợi để các lực lượng tiếp tục vận chuyển trang thiết bị, lương thực vào hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.

Các lực lượng chung tay chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ Than Uyên.

Lực lượng công an Lai Châu hỗ trợ người dân hót dọn bùn đất sau lũ.

Trong căn nhà vẫn còn loang lổ bùn đất, ông Lường Gia Uynh ở bản Khiết, xã Tà Mung bàng hoàng kể lại: Khoảng 3 giờ sáng, khi cả bản còn đang yên giấc thì tiếng uỳnh uỳnh của đá hộc, xen lẫn là tiếng giéo của nước lũ từ đầu nguồn đổ về làm ông thức giấc. Chạy ra cửa nhà nhìn về phía dòng suối, ông thấy nước lớn ầm ầm đổ về, bèn lập tức gọi cả nhà thức dậy và chạy lên núi để lánh nạn.

“Ở bản Khiết này từ lâu nay cũng có lũ lụt hàng năm, nhưng mà các năm trước đây chỉ có lũ ít, chỉ vào bản một ít thôi. Nhưng mà năm nay là năm kỷ lục là lũ to, ảnh hưởng rất lớn. Đối với bản hiện nay là ruộng này, cây hoa màu, một số nhà ở cạnh đường cũng bị ngập, bùn vào tới tận nhà, ngập hết cả nhà”, ông Lường Gia Uynh cho biết.

Đến nay đường đến các xã, bản bị cô lập đã được thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tiếp cận hỗ trợ khắc phục.

Hiện chính quyền các địa phương đang hỗ trợ, vận động người dân khôi phục sản xuất khi nước rút.

Tổng cộng có gần 10 bản, thuộc 4 xã Tà Mung, Ta Gia, Khoen On và Mường Kim, huyện Than Uyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ lớn lần này. Trong đó, xã Mường Kim là địa phương hứng chịu thiệt hại lớn nhất về tài sản, khi có hàng chục ngôi nhà bị ngập và ảnh hưởng; gần 100 ha lúa và hoa màu của người dân bị nước lũ cuốn trôi, vùi lấp; nhiều cầu, cống, kênh mương thủy lợi bị hư hại...

“Lưu lượng nước từ bên Mù Cang Chải đổ dồn về quá lớn. Ở xã có 2 nguồn suối, từ trên huyện đổ xuống và từ Mù Cang Chải đổ về. Bây giờ xã đang thực hiện khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”. Đối với ruộng mà có khả năng khôi phục được thì cho bà con ra nạo vét và khơi thông để đắp lại bờ thực hiện trồng trọt. Còn đối với những diện tích mà không khắc phục được thì tới đây sẽ triền khai trồng màu”, ông Lò Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Kim, huyện Than Uyên cho biết.

Người dân vùng lũ Than Uyên chưa hết bàng hoàng với trận lũ lớn đổ về trong đêm.

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Than Uyên, mưa lũ đã làm 4 người thiệt mạng, 3 người bị thương. Ngoài ra, nước lũ đã gây thiệt hại 25 ngôi nhà, hơn 140 ha lúa, hoa màu và gần 2.000 cây chuối bị đổ rạp. Nhiều tuyến đường quốc lộ, liên xã, liên bản, cầu treo bị sạt lở, đứt gãy và cuốn trôi, gây cô lập nhiều bản, khu dân cư...

Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Cùng với sự vào cuộc, hỗ trợ của các cơ quan chức năng ở tỉnh, huyện đã huy động tối đa sức lực của các lực lượng tại chỗ như dân quân và nhân dân để giúp các hộ gia đình hót dọn bùn đất, vận chuyển đồ đạc đến nơi ở an toàn; Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị mất, người bị thương do thiên tai và hỗ trợ, vận động nhân dân khắc phục diện tích cây trồng để sớm ổn định cuộc sống.

Nhiều nhà cửa của người dân bị hư hỏng.

“UBND huyện cũng ra các văn bản, công điện chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền bà con di dời ngay người và tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm. Không tổ chức vớt củi, bắt cả ở trên các dòng suối khi có nước lớn. Tuyệt đối không cho bà con nhân dân ở các lán nương và những khu vực nguy hiểm. Huy động các lực lượng của xã, của huyện để thực hiện khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống và sản xuất”, ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết.

Thống kê sợ bộ đến nay đã có hơn 140ha lúa, hoa màu của người dân bị lũ cuốn trôi, đất đá vùi lấp.

Sự chung tay của các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng và các tổ chức đoàn thể đã giúp cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng lũ Than Uyên đang dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn vẫn tiếp tục có mưa, nước từ phía đầu nguồn vẫn đổ về các sông, suối, gây nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Vì vậy, mỗi người dân cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thời tiết và chủ động các phương án ứng phó, nhằm tránh nguy cơ lũ chồng lũ, thiệt hại chồng thiệt hại.

Nhóm PV/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cuoc-song-ba-con-vung-lu-son-la-lai-chau-dan-on-dinh-post1038016.vov