Cuộc sống bên trong quốc gia bị phong tỏa vì COVID-19

Italia đang trong những ngày bị phong tỏa, đường phố vắng tanh, tại các địa điểm tham quan du lịch – nơi trước đây vốn là điểm đến của hàng nghìn du khách bốn phương thì nay chỉ còn trơ trọi những công trình đã đi vào lịch sử.

Cuộc khủng hoảng do COVID-19 ở Italy

Trường hợp đầu tiên được xác định nhiễm COVID-19 tại Italy vào cuối tháng 1. Cách đây gần 4 tuần, Italy dường như đứng ngoài “cơn bão” dịch bệnh COVID-19, cuộc sống ở Italy vẫn rất nhộn nhịp khi chỉ có vài ba trường hợp mắc bệnh. Vậy mà giờ đây, Italy - đất nước được mệnh danh sở hữu nhiều thành phố là "thiên đường của các kỳ nghỉ" - phút chốc trở nên hoang vắng, tĩnh lặng hơn bao giờ hết.

Đường phố Italy vắng bóng người

Tính đến thời điểm này, Italy đã ghi nhận có hơn 15000 người dương tính với COVID-19, hơn 1000 người tử vong. Đỉnh điểm, trong vòng 24 giờ đồng hồ, Italia đã ghi nhận tới gần 170 trường hợp tử vong, đây là số tử vong cao nhất trong 1 ngày tại Italia kể từ dịch bệnh bùng phát. Những con số cao chót vót này đã đưa Italy từ một quốc gia chưa từng được biết tới trong vụ dịch COVID-19, bỗng chốc đứng ở vị trí thứ 2 sau Trung Quốc chỉ trong vài tuần, thậm chí còn vượt qua các ổ dịch lớn như Hàn Quốc, Iran, và giành lấy vị trí top 1 châu Âu.

Trong một nỗ lực “chưa từng có”, Chính phủ Italy đã ra một quyết định khó khăn phong tỏa toàn bộ đất nước 60 triệu dân. Đây là quốc gia đầu tiên ở châu Âu phong tỏa toàn bộ đất nước vì dịch bệnh. Theo đó, tất cả trường học, công sở, rạp chiếu phim… bị đóng cửa, các sự kiện đông người bị hoãn hủy. Chỉ những người có lý do khẩn cấp về công việc hay y tế mới được phép đi lại.

Nhà hàng không một bóng khách

Một số hãng hàng không như Air Canada, Bristish Airways… hủy các chuyến bay đi và đến Italy. Ở cấp Chính phủ Bồ Đào Nha , Tây Ban Nha đã đình chỉ tất cả các chuyến bay đi và đến Italy, Áo còn từ chối nhập cảnh cho những người đến từ Italy như một biện pháp phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Dù có nhiều hãng hàng không và quốc gia hủy chuyến đi và đến Italy nhưng sân bay vẫn được mở cửa.

Vào buổi tối, sau khi lệnh phong tỏa được công bố, cư dân ở thủ đô Rome của Italy đã xếp hàng dài bên ngoài các siêu thị để dự trữ thực phẩm. Cũng như các nước khác, người dân đổ xô đến các hiệu thuốc để mua khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Việc đi lại dưới sự giám sát của cơ quan chức năng và cảnh sát, chỉ những người có việc cần kíp liên quan đến y tế, công việc hoặc trợ giúp người khác mới được ra ngoài và đều phải xin giấy phép. Luôn có hiện diện của lực lượng cảnh sát ở tất cả những con đường, một số siêu thị vẫn hoạt động cầm chừng, người dân hạn chế tối đa việc giao tiếp ở khoảng cách gần. Vào siêu thị hoặc các nơi công cộng, người dân tuân thủ việc xếp hàng cách nhau 1 mét.

Người dân tuân thủ việc xếp hàng cách nhau từ 1 mét trở lên

Tuy nhiên số ca mắc và tử vong sau ngày 10/3 vẫn không ngừng tăng lên, buộc Chính phủ phải ban một lệnh mới mạnh tay hơn.

Theo đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte yêu cầu các cửa hàng trên toàn quốc sẽ phải đóng cửa, trừ siêu thị, cửa hàng thực phẩm và cửa hàng bán dung dịch tẩy rửa. Các công ty phải đóng cửa tất cả bộ phận không phục vụ việc sản xuất.

Theo Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm và rối loạn miễn dịch thế giới (Waidid) đã cảnh báo, tỷ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italy hiện ở mức cao nhất thế giới và gấp 12 lần các quốc gia khác.

Vì sao tỷ lệ tử vong ở Italy cao nhất thế giới?

Tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới ở mức 3,4%, tuy nhiên dựa trên số liệu công bố về số người mắc và tử vong ở Italy, thì tỷ lệ tử vong ở quốc gia châu Âu này lên tới 6,7% (15.113 người mắc bệnh và 1016 người tử vong- số liệu chiều ngày 13/3).

Các y bác sĩ Italy điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng thiếu nhiều trang thiết bị

Một yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong của đất nước có thể là tuổi dân số của nước này. Italy có dân số già nhất châu Âu, với khoảng 23% cư dân từ 65 tuổi trở lên, theo New York Times. Độ tuổi trung bình ở nước này là 47,3, so với 38,3 ở Hoa Kỳ, Times cho biết. Theo The Local, số người chết ở Italy là những người trong độ tuổi 80 và 90, nhóm đối tượng dễ bị biến chứng nặng nề hơn nếu nhiễm COVID-19 .

So sánh tỷ lệ tử vong của Italy và một số quốc gia trên thế giới đến ngày 11/3

Phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Michigan- Aubree Gordon cho biết, không thể so sánh quốc gia có dân số già như Italy với các quốc gia có dân số trẻ được. Ngoài mắc bệnh COVID-19, họ còn mang theo rất nhiều bệnh nan y khác như ung thư, tiểu đường, bệnh làm giảm hệ thống miễn dịch. Chính những căn bệnh này khiến bệnh nhân Italy dễ bị nặng hơn khi nhiễm thêm COVID-19. Ngoài ra, không thể so sánh tâm của vụ dịch với các vùng khác. Ngay như Vũ Hán, tỷ lệ tử vong cũng lên 5,8%, cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác của Trung Quốc, tỷ lệ tử vong chỉ dao động quanh 0,7%.

Y tế Italy cũng rơi vào tình trạng giống với Vũ Hán, Trung Quốc

Một trong những vấn đề khiến tỷ lệ tử vong cao ở Italy chính là do sự quá tải của hệ thống y tế, khi cùng lúc có quá nhiều người mắc bệnh. Có rất nhiều bài viết cho thấy tại Italy, bác sĩ đang phải căng mình chống dịch, họ phải lựa chọn bệnh nhân để điều trị, những người trẻ khỏe sẽ có cơ hội được điều trị hơn so với người già.

Theo các chuyên gia dịch tễ, một trong những nguyên nhân nữa là do Italy không xét nghiệm được hết các ca bệnh COVID-19 như ở Hàn Quốc. Trong cộng đồng có nhiều trường hợp dương tính với COVID-19 nhưng ở mức độ nhẹ nên không được phát hiện. Nếu phát hiện tất cả các trường hợp này, có thể tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Italy cũng xuống thấp. Chuyên gia Gordon cho ví dụ, tại Hàn Quốc, nơi đã thực hiện tới 140.000 xét nghiệm và họ đã phát hiện được rất nhiều trường hợp, điều trị những trường hợp nặng. Nên tỷ lệ tử vong ở Hàn Quốc chỉ là 0,8% (với 7979 người mắc và 67 người tử vong- số liệu chiều ngày 13/3) .

Chuyên gia Gordon cho rằng, nếu Italy xét nghiệm với quy mô lớn hơn để tìm thêm người nhiễm bệnh, những người có triệu chứng nhẹ hoặc người trẻ, tỷ lệ tử vong ở Italy cũng chỉ xấp xỉ 3,4%- giống với các nước khác trên thế giới.

Hải Yến

(theo Dailymail, AFP, NYtimes, Insider)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuoc-song-ben-trong-quoc-gia-bi-phong-toa-vi-covid-19-n170137.html