Cuộc sống bí ẩn của Snowden ở Nga sau trốn chạy

Hơn 4 năm qua, Edward Snowden sống tại một địa điểm bí mật ở Nga với sự bảo vệ của tình báo Moscow và đã hội đủ điều kiện để trở thành công dân nước này.

Nhà báo điều tra Nga Andrei Soldatov, đồng tác giả của các cuốn sách về lực lượng an ninh hậu Liên Xô cũng như lịch sử Internet Nga, đã luôn theo dõi cuộc sống lưu vong của Edward Snowden.

"Cậu ta giống hồn ma", ông Soldatov nói với chuyên trang an ninh Lawfare hồi giữa tháng 11. "Có vẻ như cậu ta ở đó nhưng vì bị cấm nói chuyện với những nhà báo người Nga hoặc nhà báo nước ngoài làm việc tại Nga,... cậu ta chỉ nói chuyện với những nhà báo đến để phỏng vấn cậu, những người đã được (chính phủ Nga) cho phép trước. Cậu ấy gần như biến mất".

Snowden, người bị Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) xem là "kẻ phản bội", đến Moscow hồi tháng 6/2013 sau khi đánh cắp 1,5 triệu tài liệu mật của tình báo Mỹ, cung cấp chúng cho báo giới. Trước đó Snowden đến Hong Kong và công khai thân phận.

Tại Hong Kong, Snowden đã gặp các quan chức Nga trước khi bay sang Moscow cùng cố vấn của WikiLeaks, Sarah Harrison. Hai người được hộ tống khỏi máy bay tách biệt với những hành khách khác.

Snowden đã trải qua gần 40 ngày sau đó ngay tại sân bay Sheremetyevo ở Moscow trước khi Nga trao cho anh tư cách tị nạn vào ngày 1/8/2013. Công dân Mỹ 34 tuổi bắt đầu sống tại một địa điểm bí mật với sự bảo vệ của lực lượng an ninh kể từ đó.

Edward Snowden xuất hiện trên một chiếc thuyền tại Moscow vào tháng 9/2013. Ảnh chụp màn hình.

Edward Snowden xuất hiện trên một chiếc thuyền tại Moscow vào tháng 9/2013. Ảnh chụp màn hình.

"Không ai từng nhìn thấy cậu ấy"

"Không ai có thể nói chuyện với cậu ấy, không ai nhìn thấy cậu ấy", nhà báo Soldatov nói với nghiên cứu viên Alina Polyakova của Viện Brookings (Viện Lawfare hợp tác với viện này cho ra đời chuyên trang cùng tên).

"Và điều này giống như một chiến lược: tức là chỉ muốn người ta thấy mình ở đâu đó ngoài nước Mỹ, kiểu 'tôi không ở Nga, tôi chỉ là ở đâu đó'".

Năm 2014, Snowden bắt đầu trò chuyện trực tiếp với độc giả qua hình thức gọi video (bên cạnh các bài phỏng vấn thỉnh thoảng xuất hiện). Tháng 11/2015, anh nói với một đám đông ở Washington, D.C. rằng: "Người ta nói tôi sống ở Nga nhưng thực sự có chút nhầm lẫn. Tôi sống trên Internet. Và đó là nơi là dành hầu hết thời gian của mình".

Đến tháng sau đó, anh lại tuyên bố: "Tôi không ở Nga. Tôi không ở trên Internet. Tôi đang ở Utah (một bang ở Mỹ - PV)".

Trong những năm qua, Snowden kiếm tiền từ việc diễn thuyết, bao gồm những cuộc trò chuyện được các trường đại học Mỹ trả tiền. Dù anh xuất hiện ít hơn vào năm 2017, những phát biểu của anh vẫn rất thức thời: Anh phủ nhận sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 trước một nhóm khán giả người Đức hồi tháng 3 và so sánh các công cụ "hack" của NSA với những quả tên lửa Tomahawk bị đánh cắp tại một sự kiện gần Nhà Trắng hồi tháng 5.

Luật sư người Nga của Snowden, Anatoly Kucherena, hồi tháng 8 nói rằng công dân Mỹ không trả lời phỏng vấn của các nhà báo Nga bởi vì "Edward giữ lập trường chắc nịch về vấn đề này, cậu ta không trả lời phỏng vấn bất kỳ ai ở bất cứ nơi nào; truyền thông Nga cũng không ngoại lệ".

Kucherena, người có quan hệ gần gũi với cơ quan tình báo FSB của Nga, nói thêm: "Cậu ấy là một người không-phải-của-công-chúng". (Dù vậy, Snowden từng trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel của Đức vào tháng 9).

Hiện nay, Snowden chủ yếu giao tiếp với công chúng thông qua Twitter.

Luật sư Anatoly Kucherena trình văn bản cho thấy Nga đồng ý trao cho Snowden tư cách tị nạn hồi năm 2013. Ảnh: Reuters.

Tình thế kỳ lạ

Nhà báo Soldatov lưu ý rằng dù Snowden chỉ trích luật về Internet mới của Nga, Điện Kremlin đã lợi dụng sự việc công dân Mỹ tiết lộ bí mật để đưa ra các quy định ngày càng nghiêm ngặt liên quan hoạt động trên mạng.

"Điều nhạy cảm nhất về cậu ấy ở Nga là cách mà những tiết lộ của cậu ấy được sử dụng và khai thác bởi chính phủ Nga, thúc đẩy một số ý tưởng điên rồ về việc tấn công vào tự do Internet", Soldatov cho biết.

"Ví dụ, chúng tôi đã có luật bản địa hóa dữ liệu buộc các nền tảng toàn cầu phải di chuyển máy chủ của họ đến Nga với lý do bảo vệ thông tin cá nhân của người Nga trước gián điệp của NSA, chẳng hạn vậy. Vì vậy, họ rõ ràng đã lợi dụng hành động của Snowden".

Tuy nhiên, theo ông Soldatov, Snowden đã không thừa nhận rằng những tiết lộ của anh đang được chính phủ Nga sử dụng để tiếp tục kiểm soát người dùng Internet trong nước.

"Vấn đề là Snowden chưa bao giờ thử bình luận về việc cơ quan chức năng Nga đã khai thác những tiết lộ của cậu ta như thế nào", Soldatov nói. "Vì vậy, cậu ấy đang ở trong một tình thế rất kỳ lạ, một tình thế khó khăn: Cậu ấy không phải là một phần của bức tranh chính trị Nga, cậu ấy vẫn ở đó, và không ai biết điều gì có thể xảy ra với cậu ấy".

Vẫn sống và làm việc ở Nga

Phần lớn những gì chúng ta biết về cuộc đời Snowden ở Nga đều đến từ luật sư Kucherena.

"Cậu ấy định ổn định cuộc sống ở đây. Cậu ấy muốn có một công việc", ông Kucherena, một người gần gũi với chính quyền Tổng thống Putin, cho biết vào tháng 7/2013. "Và tôi nghĩ rằng tất cả những quyết định của cậu ấy sẽ được đưa ra dựa trên tình huống cụ thể".

Ông Kucherena đã nhiều lần đề cập đến công việc của Snowden trong những năm qua.

"Edward Snowden sẽ bắt đầu làm việc tại một công ty lớn của Nga vào ngày 1/11", ông nói vào ngày 31/10/2013. "Công việc của cậu ấy là hỗ trợ và phát triển một trang web lớn của Nga".

Vào tháng 2/2015, ông Kucherena nói với các phóng viên rằng Snowden "từ lâu đã làm việc cho một công ty của Nga. Cậu ấy là một chuyên gia độc nhất, công ty sẽ không để cậu ấy ra đi". Vị luật sư lưu ý rằng mức lương của Snowden cho phép anh sống một cuộc sống thoải mái.

"Hôm nay, cậu ấy đã ổn định cuộc sống, nếu ai đó có thể nói như vậy", ông Kucherena nói vào ngày 23/6/2015, nhân kỷ niệm 2 năm ngày Snowden tới Moscow. "Cậu ấy đang làm việc trong một công ty IT. Chúng tôi không tiết lộ thông tin này, và điều đó có thể hiểu được. Vì vậy hôm nay, tôi cảm ơn Chúa, mọi thứ đều ổn. Cậu ấy đang làm việc. Cậu ấy hài lòng với công việc đang làm".

Khi được hỏi vào tháng 4 /2017 về việc liệu chính quyền Tổng thống Trump đã "sờ gáy" Snowden hay chưa, luật sư Kucherena nói với hãng thông tấn Tass rằng "không ai cố gắng liên lạc với cậu ấy. ... Thực tế không có gì thay đổi, cậu ấy vẫn sống và làm việc ở Nga".

Luật sư người Mỹ ban đầu của Snowden là Ben Wizner đã nói với các nhà báo rằng Snowden không có việc làm ở Nga (ngoài các cuộc nói chuyện được trả tiền thông qua hình thức gọi video).

Giấy phép tị nạn của Snowden tại Nga từ tháng 8/2013. Ảnh: Yahoo.

Có thể trở thành công dân Nga

Kể từ khi Snowden công khai xin tị nạn tại Nga vào ngày 12/7/2013, luật sư Kucherena đã ra dấu hiệu rằng Snowden có thể nhập tịch Nga.

"Theo quy định của luật, cậu ấy có thể trở thành một công dân của Nga, nhưng điều này có thể xảy ra một lúc nào đó", ông Kucherena nói. "Giả sử cậu ấy có thể được hưởng... một chế độ cư trú, thì cậu có thể có quốc tịch Nga trong 5 năm".

Vị luật sư có liên hệ với Kremlin những năm qua đã nhiều lần nhắc lại rằng Snowden có thể hội đủ điều kiện để trở thành công dân Nga, gần đây nhất là sau khi Nga cấp lại giấy phép cư trú cho Snowden vào đầu năm 2017.

"Về cơ bản, bây giờ cậu ấy có mọi lý do để nộp đơn xin cấp quốc tịch (Nga) trong tương lai, khi luật quy định rằng một người phải sống không dưới 5 năm trên lãnh thổ Nga (mới được nhập tịch)", ông Kucherena nói hồi tháng 1, theo một bài viết của RT.

"Cậu ấy đã sống ở Nga gần 4 năm nay, không vi phạm bất kỳ điều gì, và không có bị ai kiện tụng gì - đây là một trong những lý do mà giấy phép cư trú của cậu ấy được gia hạn".

Nhà báo Soldatov lưu ý rằng Snowden đã không được sử dụng trực tiếp bởi bộ máy tuyên truyền của Nga trong các lần xuất hiện trên RT hay Sputnik. Tuy nhiên, Soldatov kết luận cuộc sống của cựu nhân viên NSA ở Nga phần lớn là do cơ quan tình báo quốc gia Nga FSB điều khiển.

"Cậu ấy bị mắc kẹt trong tình thế này", ông Soldatov nói. "Và với thực tế là cuộc sống của cậu ấy bị bao quanh bởi những con người này mà hầu như không có lựa chọn để thoát ra, thì điều đó khá khó khăn".

Những màn hỏi cung man rợ của CIA với nghi phạm khủng bố Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được cho là đã áp dụng nhiều biện pháp thẩm vấn tàn bạo, bao gồm trấn nước, xử tử giả,... với ít nhất 119 nghi phạm khủng bố sau sự kiện 11/9.

Đông Phong
Theo Yahoo News

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-song-bi-an-cua-snowden-o-nga-sau-tron-chay-post808717.html