Cuộc sống của đồng bào Raglai khấm khá nhờ thâm canh tăng vụ

Nhờ thâm canh tăng vụ lúa, trồng cây ăn trái và hoa màu, đồng bào Raglai ở Bình Thuận đang dần thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.

Phan Dũng là xã vùng cao thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận – nơi có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người dân ở đây đã chịu nhiều gian khổ, hy sinh bám trụ núi rừng, dù cho thiếu cơm lạc muối, phải ăn lá bép, măng rừng… nhưng họ vẫn một lòng theo Đảng, đùm bọc nuôi dưỡng chiến sĩ cách mạng, tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương.

Bãi dưa của gia đình anh Mang Kha đem lại thu nhập ổn định.

Bãi dưa của gia đình anh Mang Kha đem lại thu nhập ổn định.

Chỉ cách thị trấn Liên Hương chưa đầy 30 cây số, song vào những năm 90, những ai muốn tới xã Phan Dũng phải chuẩn bị lương thực cho mấy ngày đường, lội suối, băng đèo… vô cùng gian nan. Nhưng giờ đây, từ khi được Nhà nước đầu tư tuyến đường nhựa, rồi đường điện cũng được kéo về, bộ mặt nông thôn xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận đã dần thay đổi và ngày càng khởi sắc.

Chúng tôi đến UBND xã đúng lúc chính quyền địa phương đang họp dân để phổ biến Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Hoàng Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Phan Dũng cho biết, toàn địa bàn hiện có hơn 265 hộ với trên 810 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Raglai. Là xã đặc biệt khó khăn nên Phan Dũng luôn nhận được sự quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước.

Đến nay đa số hộ dân trong xã được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố; 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia và có nước sạch sinh hoạt. Trường học, trạm y tế cũng được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em và chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi đây.

“Cũng nhờ sự quan tâm của các cấp các ngành đối với địa phương đặc biệt khó khăn, như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con giống vật nuôi. Hiện ở địa phương cũng có trồng cây lâu năm như bưởi và các cây ngắn ngày khác. Ngoài ra bà con còn trồng lúa nước”, ông Duy cho hay.

Người dân vừa làm đất chuẩn bị xuống giống.

Năm 2019, tổng diện tích lúa nước của xã Phan Dũng hơn 331 ha, đạt 132% kế hoạch đề ra, với tổng sản lượng gần 2.000 tấn. Hơn 95 ha lúa vụ mùa của đồng bào nơi đây hiện đang phát triển tốt. Điều đáng nói là đồng bào đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; nhiều hộ chăn nuôi bò, dê, heo đen và mua sắm cả máy cày, máy xới để sản xuất nông nghiệp.

Đến Phan Dũng vào mùa nắng hạn nhưng cảnh vật nơi đây vẫn mang màu xanh tươi mát của những khu rừng già và cánh đồng lúa tốt tươi, nhờ hệ thống kênh mương trải dài, dẫn nước tưới cho ruộng nương; các vườn bưởi, vườn mãng cầu… của bà con đang đơm hoa kết trái.

Ngày nay, đồng bào dân tộc Raglai nơi đây không còn đốt rừng làm nương rẫy mà đã an cư lạc nghiệp. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ canh tác lúa mỗi năm 3 vụ, trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nhận giao khoán bảo vệ rừng.

Khi đau ốm, bệnh tật, đồng bào cũng không còn mê tín dị đoan, tìm đến bà bóng, thầy lang như trước mà vào trạm xá, bệnh viện để chữa trị. Đời sống no đủ, người dân cũng quan tâm hơn đến việc học hành của con em, tất cả trẻ em đều được đến trường.

Ở xã Phan Dũng có hơn 200 hộ dân thì có tới 100 hộ được giao khoán bảo vệ rừng. Ông Mang Khoan, một người dân tham gia giữ rừng cho biết: mỗi quý, một hộ nhận hơn 1 triệu đồng tiền bảo vệ rừng, ngoài ra còn hưởng lợi từ các phụ phẩm của rừng. Sau các chuyến đi rừng, ông lại dành thời gian để chăm bón 1 ha lúa và 200 cây mãng cầu của gia đình. Việc canh tác cũng thuận lợi hơn với bà con nhờ được cơ giới hóa.

“Ngày nay có xe cộ máy móc làm ổn định hơn trước đây. Trước đây cắt lúa bằng tay khổ lắm nhất là mùa mưa gió, còn hôm nay sướng lắm, làm có máy cắt hết, cũng khỏe phần nào. Rồi được Trung tâm dịch vụ miền núi đầu tư ứng trước giống, phân bón, vật tư... phát triển hơn trước rất nhiều”, ông Khoan nói.

Đập Phan Dũng (đập phùm).

Không chỉ thâm canh tăng vụ lúa, đồng bào Raglai nơi đây còn trồng các loại cây ăn trái và hoa màu khác. Gia đình anh Mang Kha sinh sống ở xã Phan Dũng sau khi trồng thử 50 cây bưởi cho thu hoạch tốt nên đã mở rộng diện tích. Hiện nay ngoài 200 cây bưởi đang ra hoa, anh Mang Kha còn trồng dưa hấu trên đất ruộng trong mùa khô hạn.

“Làm để đất thêm xanh, mùa nào mình trồng cây đó, phải cố gắng bơm nước tưới thôi. Ông bà nói đất là vàng, có làm mới có vàng. Người Chăm, người Raglai chỉ biết làm ruộng làm rẫy để có tiền, có của cải”, anh Mang Kha nói.

Khi cuộc sống vật chất đã đủ đầy, đời sống tinh thần của bà con dân tộc Raglai xã Phan Dũng cũng thoải mái hơn. Những bản trường ca, điệu mã la, tiếng đàn cha-pi… truyền thống vẫn vang lên bên ché rượu cần vào những đêm trăng sáng. Bài trường ca cổ Raglai nói về đời sống của người dân nơi rừng sâu núi thẳm, lúc ngọt ngào êm dịu như dòng suối mát, lúc mạnh mẽ như cơn gió đại ngàn… làm nức lòng người nghe.

Dạo quanh những con đường nội xã trong buổi chiều tà, thấp thoáng bóng dáng những thiếu nữ Raglai đeo gùi măng, gùi bắp về nhà; các cụ già ngồi trước hiên tỉa bắp, đan gùi, nói cười rôm rả. Bọn trẻ nô đùa bên góc nhà văn hóa, đám thanh niên tụ tập chơi bóng chuyền… Những chú dê trên đồi nhởn nhơ, từng đàn bò thong thả trở về chuồng… Phan Dũng thật yên bình trong ánh chiều tà của những ngày tháng 4 lịch sử./.

Đoàn Sĩ/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cuoc-song-cua-dong-bao-raglai-kham-kha-nho-tham-canh-tang-vu-1044432.vov