Cuộc sống của 'Gia Cát Lượng' Đường Quốc Cường sau bi kịch vợ đột ngột tự tử

Sau khi vợ đột ngột tự tử, 'Gia Cát Lượng' Đường Quốc Cường gặp nhiều trắc trở thị phi, danh tiếng bị ảnh hưởng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng nỗ lực và tài năng, nam diễn viên đã gây dựng được sự nghiệp rực rỡ.

Bên cạnh Trương Thiết Lâm, Trương Quốc Lập… những người yêu điện ảnh, đặc biệt là những bộ phim dã sử không thể không nhắc đến Đường Quốc Cường với hình tượng một Gia Cát Lượng tài trí, hay một hoàng đế Ung Chính anh minh.

Đường Quốc Cường.

Nếu để đánh giá, ai vào vai Gia Cát Lượng thành công nhất màn ảnh nhỏ Trung Quốc, không một diễn viên nào có thể vượt qua Đường Quốc Cường trong Tam quốc diễn nghĩa năm 1994.

Sở hữu vẻ ngoài uyên thâm, ánh mắt sâu sắc, Gia Cát Lượng Đường Quốc Cường ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả truyền hình. Không chỉ vậy, vai diễn của ông còn nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn, bằng chứng là loạt giải thưởng danh giá Phi Thiên, Kim Ưng... đưa ông vào danh sách 1 trong 10 diễn viên xuất sắc nhất Trung Quốc.

Hình ảnh Đường Quốc Cường trong Tam quốc diễn nghĩa 1994.

Đặc biệt ông là một trong số ít những nghệ sĩ có vai diễn kinh điển nhưng không bị “đóng khung” hình tượng. Ngoài Gia Cát Lượng, ông còn vô số những màn hóa thân đỉnh cao khác như Mao Trạch Đông, Tần Thủy Hoàng, Đường Thái Tông Lý Thế Dân, Ung Chính hoàng đế…

Vai Chủ tịch Mao Trạch Đông là vai diễn mơ ước bao năm của Đường Quốc Cường.

Sự nghiệp rực rỡ, nhưng đời tư của nam diễn viên gạo cội lại trải qua không ít sóng gió khi vợ đầu tự sát, còn vợ hai mang danh “tiểu tam” (từ để chỉ người thứ ba phá hoại hôn nhân người khác theo cách nói của người Trung Quốc).

Vợ đầu tự sát

Đường Quốc Cường và Tôn Đào quen nhau qua mai mối năm 1977. Gia đình Tôn Đào thuộc hàng khá giả, bản thân bà phục vụ quân y. Hai người làm lễ cưới năm 1979, con gái họ chào đời năm 1983.

Thời gian đó, nam diễn viên gặp rất nhiều thuận lợi trong công việc nhờ ảnh hưởng của nhà vợ, vốn có thế lực trong ngành quân đội.

Năm 1989, gia đình rạn nứt, Đường Quốc Cường đề nghị ly hôn. Đêm giao thừa năm 1990, khi con gái mới bảy tuổi, Tôn Đào treo cổ tự tử tại nhà riêng.

Mọi nghi hoặc, chỉ trích đổ về phía Đường Quốc Cường. Ông bị cho là có tình nhân nên muốn bỏ vợ. Theo phía gia đình họ Tôn, Tôn Đào tìm đến cái chết do không muốn ký vào đơn ly dị nhưng bị chồng ép buộc, uy hiếp. Gia đình cho biết Tôn Đào để lại hai bức thư, một cho gia đình bên ngoại, một cho con gái. Với những dòng trách mắng người chồng bội bạc.

Đường Quốc Cường bên vợ đầu Tôn Đào và con gái.

Một người bạn thân của cặp đôi, tên Lý Hồng Bân, tiết lộ, tài tử sinh năm 1952 muốn ly hôn vì trót say mê một nữ đồng nghiệp trẻ tuổi, xinh đẹp.

Một số nguồn tin khác lại cho hay, Quốc Cường nhiều lần dọa đưa vợ vào bệnh viện tâm thần nếu không chịu ký đơn, đẩy Tôn Đào vào tình cảnh bế tắc, trầm cảm.

Khi đó, Đường Quốc Cường không hề có một lời phân trần nào. Nhiều năm về sau, ông mới chia sẻ, vợ bị bệnh tâm thần, luôn tưởng tượng, suy diễn những điều không có thật, khiến đôi bên lục đục nhiều năm. Đến khi không chịu nổi, ông mới viết đơn ly hôn.

Được biết, ông đã yêu cầu giám định hai bức di thư 14 năm sau ngày vợ mất. Ông nói: “14 năm qua rồi, tôi không thể biết trong thời gian đó họ đã thêm bớt gì, vì thế tôi không thể xác định mức độ thật giả của di thư”. Đường Quốc Cường cho biết thêm lúc đề nghị ly hôn, ông và Tôn Đào đều là quân nhân. “Ở thời đó, nếu quả thực tôi có người thứ ba, cô ấy có thể không tố cáo tôi sao? Việc ly hôn của chúng tôi đã được cơ quan thẩm tra, cấp trên nắm rất rõ sự tình”, nam diễn viên kể.

Con gái chung của hai người từng trả lời phỏng vấn bênh vực bố. Cô nhấn mạnh, bố cô rất đau khổ trước cái chết của mẹ, đồng thời cũng rất bi thảm thời gian đó vì bị xưởng phim đuổi việc, không có lời mời đóng phim hay diễn kịch nào.

Theo Ifeng, con gái nam diễn viên từng trả lời phỏng vấn nói: “Tôi có khả năng phán đoán thị phi, biết thế nào là đúng sai. Bố tôi rất khổ sở. Năm đó, bố bị xưởng phim đuổi việc, rất bi thảm, không được đóng vở kịch nào. Mẹ tự tử, có lẽ mãi mãi bố chẳng đổi đời được. Khó khăn lắm bố mới có ngày hôm nay. Vì gia đình này, bố tôi đã hy sinh rất nhiều... Do nhiều nguyên nhân, bố mẹ tôi hiểu lầm và không tin tưởng lẫn nhau. Hai người không còn tình cảm, chia tay nhau không phải chuyện xấu. Nhưng mẹ tôi chịu áp lực quá lớn, mẹ có những thành kiến, lòng chất chứa tâm sự nhưng không nói ra, một phút nghĩ quẩn mà mẹ làm thế”.

Hạnh phúc giản dị với vợ hai gắn mác “tiểu tam”

Năm 1993, Đường Quốc Cường tái hôn với nữ diễn viên Trang Lệ, ít hơn ông 12 tuổi. Sau khi lấy chồng và sinh con trai vào năm 1997, bà Trang Lệ rút khỏi showbiz, tập trung vào chăm lo cho gia đình. Sau này, bà trở thành quản lý cho chồng. Năm 1997, Tráng Lệ sinh con trai, từ đó từ bỏ làng phim để chăm lo gia đình, giúp đỡ Đường Quốc Cường trong sự nghiệp. Hiện cô làm quản lý cho nam diễn viên.

Thời điểm tái hôn với nữ diễn viên Trang Lệ, sự nghiệp của tài tử sinh năm 1952 vẫn chưa khởi sắc do ảnh hưởng từ cái chết của vợ đầu. Cặp tân hôn sống trong căn phòng hơn 10 mét vuông, chật chội, ẩm thấp, không có đồ đạc gì đáng giá.

Chưa kể, cặp đôi còn bị dư luận “chĩa mũi nhọn” khi gia đình Tôn Đào tố Trang Lệ là “tiểu tam” khiến Đường Quốc Cường bội bạc vợ đầu.

Vốn giữ thái độ im lặng từ lúc vợ mất, Đường Quốc Cường cuối cùng không chịu nổi đàm tiếu, sợ Trang Lệ bị tổn thương, đã lên tiếng về chuyện cũ, khiến ồn ào đời tư lắng xuống, Đường Quốc Cường tìm lại được chỗ đứng trong làng điện ảnh với nhiều tác phẩm ăn khách như Tam quốc diễn nghĩa năm 1994, Vương triều Ung Chính năm 1999…

Ở tuổi 66 ông dành nhiều thời gian bên gia đình, chia sẻ những điều bình dị trong cuộc sống với bạn đời Trang Lệ. So với thời đóng “Gia Cát Lượng”, ông có phần phát tướng, nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh, phong độ. Ông đang trải qua những năm tháng tuổi già an nhiên bên bạn đời Trang Lệ và hai con.

Cuộc sống về già của Đường Quốc Cường rất viên mãn, có vợ tận tâm, con gái thấu hiểu và con trai tài giỏi.

Đường Quốc Cường sinh năm 1952 tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp trường trung học của Đại học Hải dương Trung Quốc năm 1970, tuy khởi đầu sự nghiệp trong làng điện ảnh Trung Quốc nhưng Đường Quốc Cường chủ yếu đóng vai trong các bộ phim truyền hình. Với vẻ ngoài và phong thái ấn tượng, ông đã được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc chọn vào vai Gia Cát Lượng trong bộ phim truyền hình Tam quốc diễn nghĩa năm1994, sau đó ông liên tục được chọn vào vai lãnh tụ trong các loạt phim truyền hình như vai hoàng đế Ung Chính, Tần Thủy Hoàng hay Mao Trạch Đông...

Bên cạnh nghề diễn viên, Đường Quốc Cường còn là một nghệ sĩ thư pháp nổi tiếng, ông thường tự chấp bút cho các bức thư pháp được sử dụng trong phim.

Hiện tại, ông là một trong những nam diễn viên gạo cội có tiếng nói trong làng giải trí Hoa ngữ. Ông không quá coi trọng sự nghiệp như xưa, thỉnh thoảng nhận lời tham gia đóng phim, đi sự kiện.

Quốc Tiệp (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuoc-song-cua-gia-cat-luong-duong-quoc-cuong-sau-bi-kich-vo-tu-tu-a406631.html