Cuộc sống khốn khó của lao động nước ngoài giúp việc nhà ở Singapore

Vụ việc Moe Moe Than (31 tuổi), người Myanmar giúp việc nhà tại một gia đình Singapore bị chủ lạm dụng được phơi bày thời gian gần đây khiến nhiều người vô cùng bức xúc. Cơm với đường nâu là tất cả những gì mà Moe Moe Than được phép ăn khi sống cùng gia đình chủ. Cuộc sống của cô chẳng khác gì một hình thức 'nô lệ thời hiện đại'.

Nhiều lao động giúp việc nhà ở Singapore phải sống như “nô lệ thời hiện đại”

Nhiều lao động giúp việc nhà ở Singapore phải sống như “nô lệ thời hiện đại”

Những người giúp việc nhà… vô hình

Theo Tờ DW (Đức), Moe Moe Than chỉ là một ví dụ về những gì mà lao động nước ngoài (FDW) phải trải qua khi giúp việc trong các hộ gia đình ở Singapore. Sau khi vụ việc của Moe Moe Than được đưa ra ánh sáng, người chủ nhà đã bị kết án gần 3 năm tù và phải chi trả khoản tiền bồi thường 10.000 đô la Singapore (khoảng 9.000 Euro). Trước đó, chủ nhà của Than cũng đã từng bị kết án vì lạm dụng người giúp việc nhưng sau đó được tại ngoại.

Câu chuyện của Than chỉ được kể ra sau khi cô trở về Myanmar và nói với nhân viên tuyển dụng về việc mình đã bị lạm dụng. Sau đó, Bộ Nhân lực Singapore đã lên tiếng và Than được yêu cầu quay lại Singapore làm chứng chống lại người sử dụng lao động tại tòa án. Vụ việc này được coi là một ví dụ nghiệt ngã về sự lạm dụng mà FDW phải đối mặt ở Singapore. “Lao động giúp việc nhà ở Singapore là những người lao động nhập cư, phổ biến là người Myanmar, Philippines hoặc Indonesia. Giống như hầu hết những người di cư, họ muốn kiếm tiền để có thể hỗ trợ gia đình ở quê nhà. Họ thường mạo hiểm sự an toàn của mình để hy vọng một cuộc sống tốt hơn”, Sheena Kanwar, Giám đốc Điều hành HOME - Tổ chức bảo vệ FDW nói với phóng viên tờ DW (Đức).

Hầu hết FDW đến Singapore thông qua các trung tâm môi giới có trả phí. Trong 6 hoặc 7 tháng đầu tiên, khoản phí này được khấu trừ vào lương của họ. “Điều này tạo ra một hình thức ràng buộc không lành mạnh ngay từ đầu”, Kanwar nói. Ngoài ra, theo các điều khoản trong hợp đồng, FDW luôn phải sống cùng chủ nhân. Chính vì vậy, không ai thực sự biết những gì xảy ra đằng sau cánh cửa đóng kín. Những người giúp việc nhà sống như người vô hình. Nhiều người giúp việc quyết định chạy trốn, tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ bị tổn thương nghiêm trọng đến mức sợ phải làm chứng hoặc yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, việc đưa các vụ kiện ra tòa có thể mất tới 4 năm và cơ hội giành chiến thắng không lớn.

Thiếu sự bảo vệ pháp lý chặt chẽ

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu độc lập “Research Across Border” công bố năm 2017, 6 trong số 10 FDW ở Singapore đã từng bị lạm dụng. Nghiên cứu cho biết, hành vi lạm dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, từ đe dọa bằng lời nói, ép buộc làm việc quá sức đến đánh đập hoặc bị bỏ đói.

Hiện nay, nhóm lao động nhập cư ở Singapore không được bảo vệ theo Luật Việc làm của nước này mà được điều chỉnh theo Luật Nhân lực nước ngoài. Điều này có nghĩa là 250.000 FDW ở Singapore thiếu sự bảo vệ pháp lý một cách chặt chẽ. Các vấn đề như tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi có thể được quyết định bởi người sử dụng lao động. Vấn đề này cũng có quy định trong Luật Nhân lực nước ngoài nhưng không có điều kiện ràng buộc về mặt pháp lý.

Kanwar cho rằng, thiếu quy định pháp lý chặt chẽ đã khiến người sử dụng lao động có thêm “quyền sở hữu” đối với FDW. “Đó là một hình thức nô lệ hiện đại. Người sử dụng lao động luôn có ý nghĩ rằng, họ có quyền sở hữu với người giúp việc. HOME đang cố gắng hết sức để cung cấp nơi ở, trợ giúp pháp lý và trường học cho FDW bị lạm dụng”, Kanwar nói và khẳng định Singapore cần có những thay đổi về pháp luật lao động. Theo đó, quy định về lao động nước ngoài cần được đưa vào Luật Việc làm để họ có thể được pháp luật bảo vệ toàn diện hơn. Ngoài ra, cần có quy định chặt chẽ về quy trình tuyển dụng người lao động nước ngoài giúp việc nhà ở Singapore.

Viện Nghiên cứu độc lập “Research Across Border” đã mang đến một bức tranh “gây sốc” về tình trạng lạm dụng có hệ thống và “mối quan hệ quyền lực không đồng đều” giữa FDW và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, bất chấp điều này, đàn ông và phụ nữ từ các nước láng giềng vẫn đến Singapore tìm việc làm.

Mạnh Tường (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cuoc-song-khon-kho-cua-lao-dong-nuoc-ngoai-giup-viec-nha-o-singapore/805579.antd