Cuộc sống muôn mầu

Cây biến đổi gen làm sạch không khí

Các nhà khoa học Mỹ và Canada cho biết, cây xanh biến đổi gen có thể làm sạch không khí. Nghiên cứu tập trung vào loại cây trầu bà (Epipremnum aureum) - một loại cây dây leo rất dễ trồng. Cây trầu bà biến đổi gen có thể tạo ra enzyme cytochrome P450, có khả năng phân hủy nhiều chất ô nhiễm. Nghiên cứu cho thấy trong vòng 1 tuần, cây trầu bà biến đổi gen có thể làm sạch 90% chất ô nhiễm (trong khi cây chưa biến đổi gen chỉ loại bỏ được 10% chất ô nhiễm).

Xe buýt điện chở học sinh

Xe buýt chạy điện E-bus của Công ty Rafako (Ba Lan) được thiết kế để chuyên chở học sinh đến trường. Xe có chiều dài 8,5 m, bao gồm 20 - 40 chỗ ngồi, tùy từng phiên bản. Đây là mẫu xe buýt chạy điện đầu tiên của Công ty Rafako, tuy nhiên công ty hi vọng sau giai đoạn thử nghiệm, xe buýt chạy điện sẽ được sản xuất đại trà từ giữa năm 2019.

Xe có động cơ đạt công suất 140 kW, có hiệu suất 96%, nhờ vậy có thể vượt qua quãng đường khoảng 140 km mới phải sạc pin.

Dùng năng lượng hạt nhân khám phá vệ tinh sao Mộc

Trên vệ tinh Europa của sao Mộc có đại dương nước khổng lồ. Các nhà khoa học muốn nghiên cứu đại dương này bởi có những chứng cớ cho thấy sự sống có thể phát triển ở đó. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là đại dương nước nằm dưới lớp vỏ băng dày, có nơi dày tới 30 km! Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Glenn COMPASS thuộc NASA đang chuẩn bị dự án tàu khoan hoạt động nhờ năng lượng hạt nhân. Mũi khoan có thể sinh nhiệt ổn định, làm tan chảy cục bộ và khoan sâu vào lớp vỏ băng để tiếp cận với đại dương nước lỏng. Con tàu vũ trụ còn có thể trở thành tàu ngầm nghiên cứu. Nhờ đó, nhóm nghiên cứu của NASA có thể khám phá đại dương Europa và thực hiện các thí nghiệm khác nhau nhằm tìm kiếm dấu vết sự sống sinh học trên Europa.

Theo Onet, Geekweek, Interia

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/cuoc-song-muon-mau-3972124-b.html