Cuộc sống muôn mầu

Cánh máy bay thay đổi hình dạng

Các kỹ sư ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Công nghệ Massachusetts MIT vừa phát triển công nghệ chế tạo cánh máy bay thay đổi hình dạng. Cánh máy bay này bao gồm các thành phần nhỏ giống nhau, nhờ vậy có thể biến đổi hình dạng trong lúc bay. Hệ thống mới cho phép thay đổi hình dạng toàn bộ cánh hoặc một phần cánh. Đó là nhờ sử dụng cấu trúc hỗn hợp vật liệu cứng (aerogel) và vật liệu đàn hồi (giống cao su). Hàng nghìn các thành phần như vậy được ghép lại, tạo ra bộ khung nhẹ trong công nghệ metamaterial (vật liệu nhân tạo có tính chất phụ thuộc cấu trúc nhiều hơn là thành phần cấu tạo).

Công nghệ chế tạo cánh máy bay siêu nhẹ, thay đổi hình dạng của NASA và MIT cũng có thể được ứng dụng trong sản xuất ô tô, cầu, cánh quạt tuốc bin gió…

Phát hiện sao chổi cách xa 63 năm ánh sáng

Kính viễn vọng vũ trụ TESS vừa phát hiện sao chổi quay xung quanh ngôi sao Beta Pictoris (cách chúng ta 63 năm ánh sáng) trong chòm sao Hội Giá (Pictor). Lần đầu tiên sao chổi này được xung quanh ngôi sao Beta Pictoris là vào năm 1984. Vừa qua, các nhà khoa học ở ĐH Innsbruck (Áo) đã quan sát kỹ lưỡng hơn sao chổi này thông qua Kính viễn vọng vũ trụ TESS. Các kết quả quan sát trùng khớp với mô hình dự đoán năm 1999. Có chứng cứ cho thấy xung quanh ngôi sao Beta Pictoris có nhiều sao chổi. Trong quá trình quan sát, các nhà khoa học phát hiện phổ đặc trưng của carbon monoxide, phát ra từ va chạm các sao chổi.

Năm 2020, trực thăng sẽ bay trên sao Hỏa

Nặng 1,8 kg, được chế tạo từ sợi carbon, aluminium, silic, đồng, giấy bạc và bọt xốp, máy bay trực thăng sao Hỏa (Mars Helicopter) của NASA sẽ bay trên sao Hỏa trong khuôn khổ sứ mệnh năm 2020. Hiện tại, những thử nghiệm đầu tiên đối với thiết bị khác thường này đã được thực hiện.

“Khí quyển sao Hỏa có khối lượng riêng chỉ bằng 1% khối lượng riêng khí quyển Trái đất. Các chuyến bay thử nghiệm của Mars Helicopter có thể diễn ra trong những điều kiện của Trái đất nếu như được tiến hành trên độ cao hơn 30 km. Tuy nhiên, chúng tôi không có khả năng làm việc đó, vì thế chúng tôi phải giả lập các điều kiện sao Hỏa trong phòng thí nghiệm” - bà MiMi Aung, Giám đốc dự án, cho biết.

Theo Geekweek, Interia, Onet

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/cuoc-song-muon-mau-3993247-b.html