Cuộc sống muôn màu

Công phá tiểu hành tinh

Sứ mệnh DART của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) với mục đích trình diễn công nghệ bảo vệ hành tinh sẽ tạo ra vụ va chạm với tiểu hành tinh kép Dydimos vào năm 2022.

Tiểu hành tinh kép Dydimos không tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Trái đất và là nơi lý tưởng để thực hiện thử nghiệm va chạm. Tiểu hành tinh kép này (bao gồm hai tiểu hành tinh thành viên: Dydimos A và Dydimos B) sẽ bay đến gần Trái đất nhất vào tháng 9/2022.

Trong khuôn khổ sứ mệnh DART, một phi thuyền kích thước tương đương một chiếc tủ lạnh sẽ lao vào tiểu hành tinh Dydimos B (nhỏ hơn so với tiểu hành tinh Dydimos A) với vận tốc khoảng 6 km/s. Vụ va chạm sẽ làm thay đổi quỹ đạo bay của tiểu hành tinh này.

NASA đưa robot - ong lên quỹ đạo

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa đưa 2 robot mới lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS. Đây là những thiết bị có hình dạng khối lập phương, tuy nhiên các phi hành gia gọi chúng là robot - ong, bởi vai trò của chúng là di chuyển theo các vật dụng và theo dõi tất cả những gì đang diễn ra trong các vật dụng ấy, hệt như những con ong bay từ đóa hoa này đến đóa hoa khác.

Hai robot hiện đang ở trong giai đoạn hoạt động nghiệm, sau đó sẽ chuyển sang chế độ tự động hoàn toàn, di chuyển đến mọi ngóc ngách trong Trạm ISS.

Botwana: Phát hiện viên kim cương lớn nhất

Một viên kim cương nặng 1.758 carat vừa được phát hiện tại khu mỏ Kares (Botswana). Đây là viên kim cương lớn nhất quốc gia này.

Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, có 12 viên kim cương nặng trên 300 carat được phát hiện tại khu mỏ này. Đặc biệt, vào tháng 11/2015, cũng tại khu mỏ này, người ta tìm thấy viên kim cương nặng 1.109 carat.

Theo Geekweek; Onet

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/cuoc-song-muon-mau-4002869-b.html