Cuộc sống muôn màu

Núi cao khác thường trên hành tinh lùn là một trong những phát hiện thú vị mới đây.

Phát hiện hố va chạm thiên thạch khổng lồ

Các nhà địa chất học biết rằng, hơn 1 tỷ năm trước xảy ra vụ va chạm thiên thạch khổng lồ tại địa phận Vương quốc Anh ngày nay. Tuy nhiên cho đến nay, họ chưa biết cụ thể hố va chạm nằm ở đâu. Hiện giờ, họ đã có câu trả lời cho câu hỏi này.

Các nhà địa chất học vừa phát hiện hố va chạm của thiên thạch khổng lồ nói trên ở cách vịnh Enard (Scotland) khoảng 15 - 20 km về phía Tây. Ước tính lúc ban đầu, hố va chạm rộng 13 - 14 km và sâu khoảng 3 km. Thiên thạch đã lao xuống mặt đất với vận tốc gần 65.000 km/h; giải phóng ra năng lượng va chạm lớn hơn năng lượng quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, Nhật Bản (năm 1945) khoảng 940 triệu lần.

Núi cao khác thường trên hành tinh lùn

Tàu thăm dò Dawn của NASA vừa phát hiện một số đặc điểm thú vị trên hành tinh lùn Ceres, trong đó có ngọn núi Ahana Mons. Mặc dù Ceres chỉ có đường kính 1.000 km, nhưng ngọn núi này cao tới 5 km. Đây là đặc điểm thu hút sự chú ý của các nhà khoa học; tương tự như việc xuất hiện ngọn núi cao 60 - 70 km trên Trái đất.

Trên hành tinh lùn Ceres không còn ngọn núi nào khác nữa. Các nhà khoa học cho rằng, Ahana Mons là kết quả của hiện tượng địa chất khác thường. Ngọn núi hình thành khi có bong bóng chứa đầy nước, muối và đá tảng bắt đầu nhô lên khỏi bề mặt hành tinh lùn.

“Việc mô hình hóa cho thấy phải có chỗ phồng lên trong lớp phủ của Ceres. Kết luận rút ra là hỗn hợp chất lỏng và đá tảng từ trong lớp phủ đã thoát ra bề mặt hành tinh lùn và tạo thành núi Ahuna Mons” - Nhà khoa học Ottaviano Ruesch ở Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA cho biết như vậy.

Cấu trúc bí ẩn dưới bề mặt Mặt trăng

Các nhà khoa học của NASA vừa phát hiện cấu trúc bí ẩn dưới bề mặt Mặt trăng. Cấu trúc này từ đâu mà ra?

South Pole Aitken basin là một trong những hố va chạm lớn nằm ở vùng tối của Mặt trăng. Chính tại nơi này, các nhà khoa học đã phát hiện cấu trúc khác thường nói trên. Cấu trúc nặng khoảng 2,18 tỷ tỷ kg và “ăn” sâu hơn 300 km xuống dưới bề mặt Mặt trăng. Đây có thể là vật chất thiên thạch tạo ra hố va chạm.

Hiện tại, các nhà khoa học đang thực hiện mô phỏng trên máy tính để giải thích sự bất thường này.

Theo Nhật Linh -Onet; Interia

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/cuoc-song-muon-mau-4011983-b.html