Cuộc sống người dân Mù Cang Chải sau trận 'đại hồng thủy' tràn qua

Gần 10km đoạn quốc lộ 32 đi qua Mù Cang Chải (Yên Bái) còn ngổn ngang đất đá là minh chứng của trận lũ quét kinh hoàng của năm ngoái. Cơn 'đại hồng thủy' đã cướp đi sinh mạng của 14 người và toàn bộ sinh kế người dân nơi đây. Đến nay, nhiều gia đình đã chuyển lên khu vực cao hơn con suối để sinh sống, một số người thì chuyển hẳn đi nơi khác…

Những mái nhà mới ở xã Kim Nọi (Mù Cang Chải) cùng đường dẫn nước đang được hoàn thiện bên dòng suối dữ. Ảnh: Hoàng Thành

Những mái nhà mới ở xã Kim Nọi (Mù Cang Chải) cùng đường dẫn nước đang được hoàn thiện bên dòng suối dữ. Ảnh: Hoàng Thành

Nỗi ám ảnh lũ dữ chưa thể quên

Chị Hảng Thị Dông (32 tuổi, ở xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải) còn nhớ như in trận lũ lịch sử hồi năm ngoái quét qua khu vực chị sinh sống. Đêm hôm đó, trời mưa tầm tã, chồng chị đi công tác ở huyện, nhà có hai mẹ con, chị đang lim dim ngủ thì giật mình tỉnh dậy vì những tiếng ầm ầm, ào ào càng lúc càng lớn. Chị vội chạy ra ngoài để xem, đó là cơn lũ đầu tiên đổ về.

Dòng nước lũ dữ dội kéo về ngay trước mặt, chị la hét thật lớn cho hàng xóm cùng biết và vội vào nhà đánh thức con dậy rồi chạy về phía sườn núi sau nhà. Chị Dông kể lại: “Lúc đó, chạy thì biết chạy thôi chứ chẳng biết có sống được không. Nước lũ kéo về đến tận chân rồi”.

Đứng dưới gốc cây nhãn trên sườn núi, chị chứng kiến toàn bộ cảnh con lũ kéo về, cuốn trôi nhà chị và những người dân xung quanh. Trong nháy mắt, tất cả đã bị cuốn đi theo dòng nước, chỉ còn trơ lại một vài cột nhà bằng bê tông bị bẻ cong.

Sau cơn lũ, cuộc sống của gia đình chị Dông vô cùng khó khăn, nhưng có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và chính quyền, gia đình chị đã có một ngôi nhà mới. Ngôi nhà trông khá khang trang nhưng bên trong chỉ có một chiếc giường và một cái bóng đèn treo ở giữa nhà.

Chị Dông kể, bây giờ mỗi khi mưa to, gió lớn, không chỉ gia đình chị mà người dân khu vực này ai cũng lo lắng, thấp thỏm, cảnh giác lũ về, bởi hình ảnh con lũ cách đây hơn một năm vẫn còn hiển hiện trong tâm trí mọi người.

Nhưng nỗi thấp thỏm lo âu vẫn còn đó

6 bao thóc mấy mẹ con chị Dinh thu được từ vụ mùa vừa rồi.

Chúng tôi ngược theo con đường núi cao vắt vẻo gần 5km để tìm đến bản Rào Xa, nơi được coi là điểm định cư an toàn của người dân sau cơn lũ dữ. Trong căn nhà tôn được dựng lên nhờ tấm lòng của các nhà hảo tâm ngay sau cơn lũ, chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến bữa cơm trắng chẳng có gì của mẹ con chị Giàng Phằng Dinh. Người phụ nữ dân tộc Mông ấy chẳng nhớ nổi tuổi của mình. Chị vốn vất vả khi phải chịu cảnh mất chồng sớm. Sau cơn lũ, chỉ còn một mình chị gồng gánh nuôi đàn con thơ.

Trong căn nhà vẫn chưa có điện, chị chỉ biết khóc: “Khổ lắm! Tôi không biết chữ, các con lại còn quá nhỏ, chẳng biết nấu cơm, chẳng biết làm nương. Nhiều hôm tôi đi làm về muộn, các con vẫn nhịn đói”.

Bà Cầu đang kể về hành trình sau một năm ngược núi.

Kế bên góc nhà chị Dinh là gia đình 14 người của bà Giàng Thị Cầu. Bà Cầu may mắn hơn chị Dinh và những hộ gia đình khác khi cơn lũ còn để lại cho bà cái khung nhà có thể dựng lại. Nhưng cũng vì cái nỗi ám ảnh “không bao giờ trở về con suối đó nữa” mà bà Cầu cùng các con ngược núi lên đây dựng nhà. Bà khoe căn nhà vừa mới được lợp mái tôn từ sự hỗ trợ của chính quyền. Còn về cái chuyện kiếm miếng ăn, no cái bụng thì vẫn còn vất vả lắm: “Nhà tôi có 6 đứa con thì ba đứa nhỏ được đi học, ba đứa lớn phải đi làm kiếm tiền. Chồng tôi cũng đi làm mấy ngày mới về một lần. Chúng tôi vất vả lắm, nhiều hôm vẫn không đủ gạo ăn vì nhà đông người. Ở chỗ mới này, không có nước suối để dùng nhưng được dùng chung chỗ nước của các cán bộ bản. Tuy xa nương, xa rẫy nhưng lại không sợ lũ nữa”. Khác với gia đình chị Dinh, sự hồi sinh của gia đình bà Cầu là hai hàng ngô giống cho mùa vụ sau được treo kín ở hai hàng hiên bên nhà.

Giữa lừng chừng đồi, chặng giữa của nẻo cao 5km nối từ cầu Kim Nọi lên tận điểm cao nhất bản Rào Xa là một góc nhà mái tôn đỏ, vừa mới xây nằm gọn bên mép hai cây thông già. Đó là gia đình của chị Cứ Thị Sầu và những đứa con. Chị là vợ của anh Giàng A Hù, người đàn ông đã bị lũ cuốn trôi năm ngoái. Dạo trước, chị Sầu cũng có ý định lấy chồng mới nhưng vì thương các con nên đã nghĩ lại. Bây giờ, chị xuống thị trấn bán quần áo cho khách nên cuộc sống của mấy mẹ con cũng ổn định…

Mười mấy hộ dân, vốn là hàng xóm láng giềng bỗng tan tác sau lũ. Nhiều người chọn một miền đất khác để bắt đầu hành trình mới. Ở lại mảnh đất này cũng chỉ còn mấy hộ dân. Điều vui mừng là sau cơn lũ, những đứa trẻ vẫn tiếp tục đến trường. Chúng tôi cảm nhận rằng những đứa trẻ sau lũ như mạnh mẽ hơn. Mùa Thị Là, con gái 11 tuổi của chị Giàng Pằng Dinh sau khi hát cho chúng tôi nghe, tâm sự: “Ước mơ sau này của con là được làm ca sĩ, vì con thích hát và con muốn hát cho mọi người nghe”. Cậu con trai Mùa A Pháo có vẻ rụt rè hơn khi nói về ước mơ sau này của mình: “Con thích làm thầy giáo, vì con thích giảng bài cho các bạn và con rất quý thầy giáo của con”.

Còn Mùa A Tú (15 tuổi, là một trong 6 đứa con của chị Cầu) ước mơ sau này trở thành bác sĩ. Bởi theo cậu bé, bác sĩ có thể chữa bệnh cho mọi người.

Sự hồi sinh của gia đình chị Giàng Pằng Dinh giờ đây được tính bằng con, bằng bì: “Vụ mùa vừa rồi được 8 bì lúa, xát hai bì để ăn, còn để lại 6 bì. Gà thì được một con mẹ với 7 con con vừa mới ấp ra”. Cũng có lẽ đó là lý do để trong căn nhà nhỏ được hỗ trợ của chị Dinh, những chú gà được dành hẳn một góc nhà để sống với chủ. Bởi, đó như là sự vun vén cho cuộc sống mới của gia đình chị.

Huy Hoàng - Dương Thành

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cuoc-song-nguoi-dan-mu-cang-chai-sau-tran-dai-hong-thuy-tran-qua-20190417213500334.htm