Cuộc sống ở Himalaya giữa những căng thẳng dọc biên giới Trung-Ấn

Đằng sau cuộc đụng độ chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc, người dân ở Ladakh đang sống với gánh nặng về kinh tế và luôn lo lắng rằng chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Đằng sau cuộc đụng độ chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc, người dân ở Ladakh đang sống với gánh nặng về kinh tế và luôn lo lắng rằng chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Xe tải của quân đội Ấn Độ di chuyển dọc theo đường cao tốc gần Leh, thủ phủ của Ladakh ngày 17-9.

Xe tải của quân đội Ấn Độ di chuyển dọc theo đường cao tốc gần Leh, thủ phủ của Ladakh ngày 17-9.

Ngày 16-6, Amir Ahmad Hajjam, 31 tuổi, đang ở cửa hàng rau của mình thì nghe tin về cuộc đối đầu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Thung lũng Galwan. Hajjam sống ở khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý và đang có một cửa hàng tại chợ Leh, thủ phủ của Ladakh, hiện là Lãnh thổ Liên minh sau khi bang Jammu và Kashmir bị thu hồi quy chế đặc biệt vào tháng 8-2019.

Ngay sau khi Hajjam nghe tin khoảng 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng sau cuộc ẩu đả giữa Trung Quốc và Ấn Độ, anh bắt đầu thu dọn đồ đạc về nhà. Hajjam cảm thấy tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn giữa các đối thủ có vũ khí hạt nhân và lo ngại rằng khu vực này sẽ sớm chứng kiến bạo lực. Hajjam đi về phía Srinagar - thành phố lớn nhất Kashmir do Ấn Độ quản lý- nằm cách Leh khoảng 420 km. Hajjam đã kinh doanh ở khu vực Leh trong thập kỷ qua, và đối với anh cũng như hàng nghìn người khác, mùa hè là mùa kiếm tiền. Sau khi căng thẳng giữa quân đội hai nước có phần dịu xuống sau một số cuộc họp giữa các quan chức Trung Quốc và Ấn Độ, Hajjam đã trở lại, tiếp tục công việc kinh doanh. Đáng buồn thay, sự bình yên mong manh này không kéo dài.

Vào tuần đầu tiên của tháng 9, xảy ra việc vi phạm lệnh ngừng bắn. Ở khu vực bờ nam của Pangong Tso, một hồ lớn trải dài từ đông Ladakh đến Tây Tạng, giao tranh nổ ra dọc theo LAC lần đầu tiên kể từ năm 1975. Sau đó, hàng ngày hai bên đã có các cuộc họp của các chỉ huy mặt đất ở tất cả các khu vực tranh chấp để thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin. Đối với Hajjam và những cư dân khác của Leh, tình hình khiến họ lo lắng cho số phận của mình.

Thông tin sai lệch và lãnh thổ bị mất

Shankoo Satar, 74 tuổi, có Cty kinh doanh Pashmina ở Leh, cho biết khu vực mà quân đội Trung Quốc chiếm đóng trong vài tháng qua từng là khu vực được quân đội Ấn Độ tuần tra. Satar cho biết ông cùng với các đồng nghiệp khác đã từng đến khu vực này để kinh doanh. “Chúng tôi đã từng đi xa hơn 70 km so với nơi quân đội Trung Quốc đang ở”, Satar cho biết.

Ông nói thêm rằng sự sơ suất của quân đội Ấn Độ là nguyên nhân gây ra tổn thất. Ông Satar cũng nói về việc các phóng viên truyền hình Ấn Độ đã tường thuật những câu chuyện bịa đặt cho người dân Ấn Độ. “Họ (các phóng viên truyền hình) đã từng ở đây và cho mọi người thấy rằng chúng tôi đang ở bên trong Thung lũng Galwan. Họ đã đánh lừa người dân Ladakh và những người khác. Kể từ đó, tôi đã ngừng xem bất kỳ tin tức nào”, ông Satar nói với giọng thất vọng. Những gì ông Satar nói là đúng, vì một số phóng viên đã thừa nhận sự thật. Một nhân viên quay phim của kênh truyền hình có trụ sở tại New Delhi nói rằng tất cả các kịch bản tin tức đều đến từ các phòng tin tức chính và họ có chính sách riêng.

Khủng hoảng kinh tế và y tế

Nền kinh tế Ấn Độ hiện tại đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, hoạt động kinh doanh bị xáo trộn do đại dịch Covid-19. Khoảng 89.000 người ở lục địa Ấn Độ đã chết vì Covid-19. Giờ đây, bóng ma chiến tranh bất ngờ càng đặt ra những thách thức lớn hơn.

Rất nhiều người dân địa phương ở Ladakh cho biết, những căng thẳng đang diễn ra đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của họ. Hàng năm, khu vực này thường đón hàng nghìn lượt du khách từ khắp nơi trên thế giới. Đối với nhiều người ở Ladakh, du lịch là chìa khóa để kiếm sống. Căng thẳng và đại dịch khiến du lịch ngừng hoạt động, những người làm việc trong lĩnh vực du lịch không có việc làm. “Lệnh phong tỏa đất nước đã ảnh hưởng đến kinh tế của chúng tôi rất nhiều. Và nếu xảy ra cuộc khủng hoảng nào xung quanh biên giới nữa thì chúng tôi sẽ đi đâu?”, Mohammad Yaqoob hỏi. Ông nói thêm rằng chính phủ New Delhi không đá động gì đến những khổ cực của người dân sống ở khu vực biên giới. “Họ chỉ quan tâm đến khu vực chứ không phải con người”, ông nói. “Chiến tranh hay không chiến tranh - nó quan trọng như thế nào? Chúng tôi đã phải vật lộn để kiếm sống ở đây”, ông nói thêm.

Tương lai?

Mặc dù các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ đang âm thầm đàm phán để giảm leo thang căng thẳng, các chuyên gia xung đột cho rằng sẽ có thêm những mâu thuẫn trong tương lai bởi cả hai bên đều không có ý định rút lui, hoặc thậm chí đánh đổi.

“Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang nhanh chóng gia tăng, ngay cả khi quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng - phần lớn là do mối quan ngại chung về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều này tạo cho Bắc Kinh động lực mạnh mẽ để gửi đến New Delhi và Washington một thông điệp cứng rắn và có lẽ là một lời cảnh báo bằng cách gây ồn ào dọc theo LAC”, Michael Kugelman, chuyên gia Nam Á tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, nhận định. Con đường phía trước còn rất ngoằn ngoèo, không thể đoán trước tình hình hiện tại sẽ diễn biến theo cách nào. Để giải quyết những vấn đề cốt lõi còn tồn tại trong quan hệ Trung-Ấn, New Delhi phải đi trước một cách thận trọng. Việc giữ nguyên các vấn đề cốt lõi có thể mang lại những tác động tiêu cực nghiêm trọng cho người dân vùng Ladakh, cũng như ảnh hưởng đến mối quan hệ của Ấn Độ với các quốc gia láng giềng.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_232000_cuoc-song-o-himalaya-giua-nhung-cang-thang-doc-bien-gioi-trung-an.aspx