Cuộc sống sau vô lăng của bóng hồng Grab

Không nhiều người tin rằng cuộc sống của một nữ tài xế sẽ thật sự thoải mái khi đứng giữa trăm nghìn mối lo, nhưng câu chuyện của chị Đàm Thị Yến lại chứng minh điều ngược lại.

Chị Đàm Thị Yến sinh năm 1978 (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong những nữ tài xế GrabCar tiêu biểu. Trước khi “đầu quân” cho hãng xe công nghệ, chị Yến từng có thời gian dài buôn bán nhỏ. Như mối duyên định sẵn, chị kết hôn với một tài xế để rồi yêu xe, yêu nghiệp lái từ lúc nào không hay.

Lạc quan trên từng cuốc xe

Rong ruổi trên những hành trình dài, phía sau vô lăng, người tài xế thường xuyên phải nếm trải những buồn vui của nghề. Với những “bóng hồng”, khó khăn càng nhân lên gấp bội khi bản thân vừa lo kinh tế vừa phải làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình.

Nhưng trái với sự phụ thuộc, tất bật hay thất thường - những tính từ mặc định được “gắn mác” cho tài xế nữ, chị Yến lại suy nghĩ khác. “Tôi không nghĩ tài xế là một nghề vất vả. Với công việc chạy GrabCar, tôi có thể chủ động sắp xếp thời gian cho gia đình và bản thân. Làm tài xế công nghệ được đi đây đi đó, giúp tôi biết nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người mà nếu làm nghề khác chắc tôi không có cơ hội như vậy”, chị nói.

Chị Yến bên chiếc xe quen thuộc của mình.

Dẫu nhiều lần bắt gặp ánh mắt hoài nghi từ khách hàng, chị Yến vẫn không chút chạnh lòng. “Rất nhiều khách hàng nam nói với tôi rằng chưa bao giờ họ ngồi sau phụ nữ. Nhưng mỗi người có một công việc riêng, chỉ cần làm điều mình thích là được. Gặp hành khách như thế tôi còn trêu lại cho không khí sôi động hơn ấy”, chị Yến vừa kể vừa cười giòn giã.

Biến thiệt thòi thành lợi thế

Nói là lạc quan nhưng cũng không ít lần chị Yến chùng giọng khi nói về những thiệt thòi của phụ nữ theo nghiệp cầm lái. Theo chị Yến, nhiều hành khách thích lựa chọn tài xế nữ nhưng chỉ đi cự ly ngắn. Còn đi đường dài, khách lại chọn tài xế nam vì lo ngại tay lái của xế nữ không vững vàng, đảm bảo.

“Có lần khách đặt Grab đi tỉnh, tôi nhận cuốc và gọi lại xác nhận. Họ nghe thấy giọng nữ nên từ chối luôn. Lúc đầu tôi có buồn nhưng rồi cũng hiểu và thông cảm. Bởi phụ nữ dù sao cũng có những hạn chế nhất định về sức khỏe, thời gian. Biết vậy nên tôi chủ động chọn khu vực chạy xe, khách đi Grab cũng chủ yếu trong nội thành nên cũng dễ cân bằng công việc và cuộc sống”, nữ tài xế cho hay.

Ngoài công việc, chị Yến vẫn chăm lo chu đáo cho các thành viên trong gia đình.

Cũng theo chị Yến, lợi thế của tài xế công nghệ là được Grab đào tạo bài bản cả về sự an toàn khi lái xe lẫn quy cách phục vụ khách hàng sao cho thật chất lượng, và có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là với người lao động nữ.

Bên cạnh việc tổ chức khóa đào tạo cho tài xế mới, Grab thường xuyên huấn luyện online trên ứng dụng dành riêng trên tài xế với nội dung đa dạng: kỹ năng cơ bản cho công việc lái xe, bí quyết nhận 5 sao và một số kỹ năng khác (sơ cứu, phòng cháy chữa cháy, xử lý sự cố kỹ thuật...).

Tuy ngày ngày làm bạn với chiếc xe, rong ruổi trên mọi nẻo đường nhưng như bao phụ nữ khác, cuộc sống của chị Yến không có nhiều xáo trộn. Một ngày của chị thường bắt đầu lúc 5h sáng, chuẩn bị đồ ăn và sách vở cho con tới trường, hơn 7h bắt đầu lái xe, nghỉ trưa khoảng một giờ và sau đó tiếp tục hành trình bên chiếc vô lăng. Chị Yến thường ngưng nhận chuyến lúc 17h, nhưng nếu hệ thống “nổ cuốc” liên tục, chị sẽ làm đến 18h.

Chị Yến nói: “Tôi không cho phép bản thân làm muộn hơn bởi mình còn gia đình, con cái. Đây cũng là bí quyết để tôi sống lâu với nghề và giữ lửa hôn nhân. Cái hay của nghề tài xế công nghệ Grab là mình có thể chủ động thời gian và cân đối mọi việc trong cuộc sống”.

“Tôi xác định sẽ gắn bó mãi với nghề. Thậm chí, nếu sau này con gái tôi lớn lên, nếu cháu thích nghề này thì tôi cũng không cản. Lý do rất đơn giản là tôi cảm thấy an toàn, tự tin và không chán nghề. Tôi yêu thích cuộc sống phía sau tay lái và hơn nữa nghề này cũng mang đến nguồn thu nhập tốt cho gia đình”, chị Yến bộc bạch.

Hà Mỹ Giang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-song-sau-vo-lang-cua-bong-hong-grab-post878648.html