Cuộc tập trận suýt châm ngòi Chiến tranh Thế giới thứ 3

Dựa trên những tài liệu đã được giải mật, BBC cho biết, cách đây gần 40 năm, Chiến tranh Thế giới thứ 3 suýt xảy ra chỉ vì một cuộc tập trận.

Theo BBC, tháng 11-1983, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành cuộc tập trận thường niên mang tên Able Archer (tạm dịch: Thiện xạ). Able Archer 1983 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Chiến tranh Lạnh leo thang. Quan hệ giữa khối Hiệp ước Warsaw và NATO “căng như dây đàn”. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi Liên Xô là “đế chế quỷ dữ” trong khi các quốc gia ở hai phía “Bức màn sắt” đang trong quá trình triển khai vũ khí hạt nhân tầm trung. Thế giới ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.

Theo kịch bản giả định của cuộc tập trận, bất ổn tại khu vực Trung Đông “bóp nghẹt” nguồn cung dầu của Liên Xô. Trong khi đó, Nam Tư-quốc gia trung lập trong Chiến tranh Lạnh đã quyết định ngả về phương Tây. Giới lãnh đạo Liên Xô lo ngại điều này sẽ dẫn tới làn sóng các nước Đông Âu theo chân Nam Tư rời khối Hiệp ước Warsaw sang NATO.

Binh lính NATO trong cuộc tập trận Able Archer 1983. Ảnh: The National Security Archive.

Binh lính NATO trong cuộc tập trận Able Archer 1983. Ảnh: The National Security Archive.

Cuộc chiến giả định mở màn với việc xe tăng Liên Xô vượt biên giới, tiến vào Nam Tư, chẳng mấy chốc sau đó là khu vực Scandinavia và Tây Âu. Bị áp đảo, lực lượng NATO buộc phải rút lui. Vài tháng sau đó, chính phủ các nước phương Tây cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Lực lượng NATO phóng một tên lửa hạt nhân tầm trung, xóa sổ thủ đô Kiev của Ukraine khỏi bản đồ thế giới. Các kho vũ khí hạt nhân trên toàn cầu được giải phóng. Phần lớn thế giới bị phá hủy. Hàng tỷ người thiệt mạng. Nền văn minh nhân loại kết thúc.

Theo BBC, mặc dù giới chỉ huy quân sự NATO vui mừng vì cuộc tập trận thành công, thế nhưng sau đó chính phủ các nước phương Tây phát hiện ra rằng Able Archer 1983 đã suýt châm ngòi một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự. “Có bằng chứng ở cấp cao nhất trong quân đội Liên Xô rằng họ ngày càng khó phân biệt một cuộc tập trận với một cuộc tấn công thực sự. Chúng tôi hiện đã thu thập được nhiều tài liệu xác nhận rằng Liên Xô thực sự lo sợ phương Tây sẽ tấn công hạt nhân”, BBC dẫn lời ông Nate Jones, Giám đốc Dự án Đạo luật tự do thông tin thuộc Trung tâm lưu trữ An ninh Quốc gia-một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thủ đô Washington.

Theo tài liệu có tựa đề “The Soviet War Scare” (tạm dịch: Nỗi sợ chiến tranh của Liên Xô) dài hơn 100 trang do Ban Cố vấn tình báo nước ngoài của Tổng thống Mỹ soạn thảo vào năm 1990, không giống các cuộc tập trận trước, Able Archer 1983 sử dụng các cách thức thông tin liên lạc được mã hóa. Binh lính cũng được triển khai trên bộ. Một số căn cứ không quân của Mỹ thậm chí còn luyện tập di chuyển vũ khí có các đầu đạn hạt nhân giả trông như thật ra khỏi kho chứa.

Căn cứ vào những thông tin tình báo thu thập được vài tháng sau khi Able Archer 1983 kết thúc, tài liệu “The Soviet War Scare” xác định, phản ứng của Liên Xô đối với cuộc tập trận này đó là đã cho dừng các chuyến bay, vận chuyển vũ khí hạt nhân để sẵn sàng triển khai và xác định các mục tiêu ưu tiên. Các biện pháp phòng thủ dân sự cũng được chú trọng ở mức chưa từng thấy. Dường như Liên Xô đã chuẩn bị toàn diện cho một cuộc chiến. Không tin Able Archer 1983 là một cuộc tập trận, giới lãnh đạo Liên Xô cho rằng, đây chỉ là vỏ bọc của một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu thực sự và họ sẵn sàng đáp trả. “Chúng tôi tìm thấy một tạp chí quân sự mật của Liên Xô từ năm 1984 phân tích chi tiết về Able Archer. Giọng điệu của các bài viết đã phản ánh nỗi lo lắng của quân đội Liên Xô”, ông Nate Jones nói với BBC.

BBC cho rằng, thật may mắn và có thể cũng một phần là vì nỗi lo sợ chiến tranh mà những tháng năm sau Able Archer 1983, căng thẳng đã giảm dần. Tuy rằng 36 năm đã trôi qua nhưng Able Archer 1983 vẫn còn là một bài học cảnh tỉnh cho thế giới ngày nay. “Nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra, nguy cơ hiểu nhầm như chúng ta đã biết vào năm 1983 sẽ còn lớn hơn”, BBC dẫn lời ông Martin Chalmers, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định. Trong khi đó, ông Nate Jones cho rằng, chừng nào còn tồn tại vũ khí hạt nhân thì chừng đó “nguy cơ chiến tranh do những tính toán sai lầm vẫn còn”.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-tap-tran-suyt-cham-ngoi-chien-tranh-the-gioi-thu-3-566932