Cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam: Khán giả không quan tâm đến... chân

GiadinhNet - Vòng bán kết cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam khu vực phía Bắc đã kết thúc với nhiều ấn tượng đặc biệt cho người xem.

Cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam:
Khán giả không quan tâm đến... chân

> Thí sinh Hoa hậu các dân tộc trong trang phục truyền thống

> HH các dân tộc Việt Nam 2011: Chưa một lần đánh má hồng...cũng thi

Lần đầu trình diễn trên sân khấu nên các cô gái dân tộc thiểu số tạo ra những "pha" khiến khán giả bật cười. Sau vòng thi này, có ý kiến cho rằng cuộc thi chưa xứng tầm quốc gia bởi cả BTC và thí sinh đều thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, BTC cho rằng cần nhìn ở một góc độ khác để thấy những thành công bất ngờ của cuộc thi.

Màn thi áo tắm tạo nhiều chú ý với khán giả. Ảnh: BTC

Sơn nữ khác gái thị thành

Nếu đặt bên cạnh những cuộc thi người đẹp khác thì chắc chắn cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam sẽ có phần "đuối" hơn, ví dụ các thí sinh có chỉ số thể hình khá khiêm tốn. Chính vì vậy, ngay ở quy chế của cuộc thi, BTC đã phải hạ tiêu chí về chiều cao của thí sinh xuống còn 1m58 (thấp hơn 2cm so với các cuộc thi khác). Và trên thực tế, chỉ tính riêng về hình thể thì "dàn người đẹp" ở cuộc thi này đã không nổi trội bằng các người đẹp của các cuộc thi khác.

Trong phần thi bán kết khu vực phía Bắc, các người đẹp cũng bị một số người chê là "kém mặn mà" và vụng về trên sân khấu. Quả thực, ngay ở phần thi đầu tiên là thi ứng xử, một số thí sinh của cuộc thi đã tỏ ra lúng túng với phần trả lời của mình. Phần thi trang phục dân tộc và trang phục áo tắm của vòng bán kết cũng có nhiều tình huống vui khiến khán giả bất ngờ. Có thí sinh đang biểu diễn phần áo tắm thì bất ngờ nhảy chân sáo, có thí sinh lại giới thiệu về bản thân với âm lượng quá lớn... Tất cả những biểu hiện này đều khiến khán giả cười ồ lên trong khán phòng diễn ra cuộc thi.

Với ngoại hình vừa phải và phần trình diễn thiếu chuyên nghiệp, nhiều khán giả đã tỏ ra thất vọng với cuộc thi. Có ý kiến còn cho rằng cuộc thi cũng tương tự như thi người đẹp của phường hay quận...

Tuy nhiên, có rất nhiều khán giả tỏ ra thông cảm với các thí sinh của cuộc thi. Khán giả Đặng Minh Lâm ở Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết: "Tôi đã rất mong chờ cuộc thi này diễn ra. Tôi muốn xem không phải vì quan tâm đến chân các cô gái dài bao nhiêu hay số đo 3 vòng của họ ra sao mà muốn được nhìn thấy những bộ trang phục dân tộc đặc sắc. Tôi nghĩ là họ không thể sắc sảo hay biểu diễn chuyên nghiệp được như những thí sinh ở các cuộc thi khác. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi có nhiều cô trong số họ còn chưa bao giờ được đến Hà Nội, chưa biết trang điểm hay mặc áo tắm... Khó có thể đòi hỏi họ diễn tốt như những cô gái thành thị".

Phần thi trang phục của các thí sinh. Ảnh: BTC

Đừng làm các em thiếu tự tin!

Bà Đoàn Thị Kim Hồng - Hoa hậu quý bà thân thiện (Hoa hậu quý bà thế giới 2005) - Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, nếu đây là một cuộc thi sắc đẹp giống nhiều cuộc thi khác thì có thể nhận xét là thí sinh chưa điêu luyện. Tuy nhiên, với một cuộc thi dành cho các thí sinh là người dân tộc thiểu số thì BTC cho rằng vòng thi vừa qua đã thành công hơn mong đợi. Với những cuộc thi sắc đẹp khác, thí sinh thường được luyện tập kỹ lưỡng, có nhiều thí sinh còn được các "lò luyện" hoa hậu đào tạo từ nhiều năm trước khi đi thi, ban tổ chức các cuộc thi đó cũng có bề dày kinh nghiệm lên tới hàng chục năm. Trong khi đó, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam mới được tổ chức lần thứ 2 và ở lần này có tới 90% là chưa qua trường lớp đào tạo nào liên quan đến cuộc thi.

Bà Kim Hồng đưa ra ý kiến: "Tôi thấy các em đã rất nỗ lực. Có nhiều em chưa một lần mặc áo tắm, chưa trang điểm....mà các em vẫn tự tin trên sân khấu. Tôi thấy giá trị lớn nhất ở các em đó là sự hồn nhiên, mộc mạc... Tôi cũng từng là thí sinh như các em, tôi cũng từng rất run khi tham gia vào một số phần thi như leo núi, cưỡi ngựa.... Nhưng cũng vì nghĩ đến lòng tự hào dân tộc mình mà tôi đã vượt qua tất cả... Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất của cuộc thi này là việc tôn vinh bản sắc dân tộc, tình đoàn kết... Nếu các em còn chưa thực sự tự tin thì mình nên động viên để các em cố gắng hơn ở những vòng thi sau. Tôi cho rằng, vòng bán kết phía Bắc kết thúc tốt đẹp mà hoàn toàn không xảy ra sự cố đáng tiếc nào".

Bà Kim Hồng cũng cho rằng, việc tổ chức vòng bán kết của cuộc thi vẫn gần như là một cuộc tuyển chọn nội bộ. Các khách mời chủ yếu là người nhà thí sinh đến để động viên tinh thần các em. Vòng thi cuối cùng sẽ được công bố rộng rãi và được truyền hình trực tiếp trên VTV.

Sau 2 phần trình diễn trang phục dân tộc và áo tắm, ban giám khảo đã chọn ra 26 gương mặt nổi trội vào vòng chung kết Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 toàn quốc. Từ ngày 12 đến 15/11, bán kết khu vực phía Nam và Tây Nguyên sẽ diễn ra tại TP.HCM với 87 thí sinh. Vòng chung kết cuộc thi sẽ được tổ chức từ ngày 26/11 tại TPHCM với nhiều phần thi phụ như tài năng, trang phục áo dài, truyền thống dân tộc, dạ hội, áo tắm.

Bên cạnh đó, thí sinh còn được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa - xã hội, từ thiện, bảo vệ môi trường và tham quan những thắng cảnh, di tích lịch sử của thành phố. Nét mới của cuộc thi năm nay là những thí sinh được trao danh hiệu hoa hậu, á hậu 1, 2 sẽ được tham dự các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp thế giới. Đây cũng là cuộc thi cấp quốc gia duy nhất trong năm 2011 và được tổ chức tại TPHCM.

Hoàng Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/2011110703346316p0c1003/khan-gia-khong-quan-tam-den-chan.htm