Cuộc thi nhan sắc 'mất giá' vì dịch COVID

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021 (Miss Universe Việt Nam) thông báo sẽ kéo dài thời gian nhận hồ sơ tham dự của thí sinh đến tháng 11. Việc kéo dài này chỉ là giải pháp tạm thời để cuộc thi thu hút thêm thí sinh.

Ban tổ chức cũng không biết đến trung tuần tháng 11, số thí sinh có đầy đủ và mọi thứ có an toàn để cuộc thi diễn ra hay không. Đó là chưa kể trong năm nay, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam phải cạnh tranh nguồn thí sinh với một cuộc thi cấp quốc gia khác là Hoa hậu Thế giới Việt Nam (Miss World Việt Nam). So với năm 2019, Miss World Việt Nam khởi động khá muộn với lý do tương tự.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021 khởi động chương trình "Vinawoman - Bản lĩnh Việt Nam" để thu hút thêm thí sinh trong mùa dịch.

Tình cảnh "ế như chợ chiều" không chỉ diễn ra ở các cuộc thi trong nước mà cuộc thi uy tín tầm cỡ quốc tế như Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ), Miss World (Hoa hậu thế giới), Miss International (Hoa hậu Quốc tế)… cũng giảm sức hút trầm trọng. Vừa qua, đại diện Miss International cho biết sẽ hủy mùa giải 2021. Mùa giải lần thứ 60 sẽ dời sang mùa thu năm sau. Đây là năm thứ hai liên tiếp Miss International không thể tái ngộ khán giả vì diễn biến phức tạp của dịch Covid. Số thí sinh đăng ký mùa giải này cũng sụt giảm đáng kể, chỉ 41 nước xác nhận cử đại diện tranh tài.

Á hậu Phương Anh bày tỏ sự tiếc nuối khi cả hai năm trời chuẩn bị kỹ lưỡng, cô vẫn chưa thể lên đường. Giới yêu sắc đẹp đánh giá Phương Anh là ứng viên tiềm năng cho top 3 bởi cô đang ở độ chín nhan sắc và sở hữu khả năng ngoại ngữ, kỹ năng ứng xử rất tốt. Không đến mức phải "hủy kèo" như Miss International nhưng Miss Universe 2021 cũng không quy tụ dàn thí sinh đông đảo như mọi năm. Nhiều nước như Lào, Malaysia… không gửi thí sinh đến Israel tranh tài. Trong khi đó, Miss World diễn ra lặng lẽ với lịch trình dự kiến một tháng ở Puerto Rico. Chiến dịch truyền thông về cuộc thi này trong vài năm trở lại đây vô cùng mờ nhạt.

Đại diện Việt Nam chinh chiến ở sân chơi quốc tế năm 2021 gồm có Hoa hậu Đỗ Thị Hà (tham gia Miss World), Á hậu Kim Duyên (Miss Universe), người đẹp Thùy Tiên (Miss Grand International)… Song công chúng chẳng mấy quan tâm chuyện chinh chiến của họ như mọi năm. Năm ngoái, khi dịch Covid chưa bùng phát mạnh tại Việt Nam, chuyện thi thố của Hoa hậu Khánh Vân ở đấu trường Miss Universe đã bị khán giả ngó lơ. Những thông tin nóng hổi về tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới khiến người ta không còn thời gian quan tâm đến chuyện người đẹp đọ sắc. Năm nay, dịch Covid khiến người dân cả nước căng mình vật lộn thì việc các cuộc thi sắc đẹp bị cho ra rìa là điều dễ hiểu.

Ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự thiếu an toàn trong khâu tổ chức đã khiến một số đấu trường nhan sắc ngày càng giảm giá trị trong mắt công chúng. "Cố đấm ăn xôi" để cuộc thi diễn ra bằng được, hậu quả là rất nhiều cuộc thi biến thành ổ dịch. Ồn ào nhất là cuộc thi Miss Eco International (Hoa hậu Sinh thái Quốc tế) và Hoa hậu Mexico.

Tại cuộc thi Miss Eco International, hơn nửa thí sinh bị nhiễm nCoV nhưng bị ban tổ chức bỏ mặc. Đêm chung kết vẫn diễn ra như không có chuyện gì nghiêm trọng. Vụ việc gây bức xúc đến mức giám đốc quốc gia Miss Eco International ở Thái Lan, Nhật Bản, Peru đồng loạt tẩy chay cuộc thi. Riêng Hoa hậu Mexico 2021 thì có đến 12 thí sinh nhiễm bệnh. Theo điều tra, các thí sinh bị nhiễm Covid do đến thăm và tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Một cuộc thi khác của Thái Lan là Miss Grand Samut Sakhon diễn ra hồi tháng 6 cũng bị cáo buộc vi phạm quy định phòng dịch khiến cho 22 người bị lây nhiễm.

Á hậu Phương Anh tiếp tục lỡ hẹn khi Miss International 2021 bị hoãn vì dịch Covid.

Đại dịch khiến cuộc thi nhan sắc buộc phải thay đổi cách thức tổ chức, chiến lược truyền thông lẫn cách lôi kéo thí sinh và khán giả. Để an toàn, thi nhan sắc thời dịch tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt. Làm tốt được điều này có Miss Univese 2020. Hoa hậu Khánh Vân cho biết, ban tổ chức yêu cầu tất cả thí sinh phải cung cấp kết quả kiểm tra PCR âm tính trong vòng 72 giờ. Việc sàng lọc và kiểm tra thân nhiệt cho thí sinh được thực hiện đều đặn mỗi ngày.

Miss Grand International cũng là cuộc thi uy tín và tỏ ra bài bản, chuyên nghiệp khi tổ chức trong mùa dịch. Thí sinh được cách ly 14 ngày ở khách sạn năm sao. Trong thời gian cách ly, ngoài việc kiểm tra y tế, các thí sinh còn được ban tổ chức đưa ra nhiều thử thách để họ vận động và hưởng ứng thông điệp tích cực. Sau cách ly, thí sinh được trang bị khẩu trang, tấm chống giọt bắn và yêu cầu giữ khoảng cách hai mét khi tham gia các hoạt động. Riêng những phần thi buộc phải tháo bỏ khẩu trang như trình diễn áo tắm, trang phục dạ hội…, ban tổ chức sắp xếp cho thí sinh thi riêng lẻ, hạn chế tụ tập đông người.

Không muốn rườm rà với nhiều quy định chống dịch nghiêm ngặt, hình thức thi online được Miss Earth (Hoa hậu Trái Đất) áp dụng hồi năm ngoái. Hơn một tháng ròng, đại diện đến từ các nước tranh tài qua phần mềm Zoom. Thi hoa hậu trực tuyến là bước đi tiên phong mà nhiều cuộc thi đang học hỏi Miss Earth.

Ở Việt Nam, các cuộc thi hoa hậu cũng dần chuyển mình để phù hợp với tình hình mới. Trong thời gian chờ đợi đến tháng 11, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021 sẽ triển khai chuỗi chương trình kỹ thuật số "Vinawoman - Bản lĩnh Việt Nam" nhằm thu hút thêm thí sinh và lan tỏa thông điệp tích cực. Chuỗi chương trình có nhiều hoạt động hướng về phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ bằng những diễn đàn, đối thoại, phần hùng biện hấp dẫn từ những hình mẫu phụ nữ thành công trong cuộc sống. Chương trình muốn tạo điều kiện cho phụ nữ nói lên tiếng nói, quan điểm của mình và lan tỏa sức ảnh hưởng đáng kể trong nhiều lĩnh vực như: giáo dục, kinh tế, nữ quyền, chính trị, phát triển bền vững…

Trong đó, những số đầu tiên nằm trong dự án Woman Talk Vietnam sẽ mở đầu với những cuộc đối thoại hấp dẫn giữa những người phụ nữ bản lĩnh, tự tin và có khả năng truyền cảm hứng trong các lĩnh vực như nhà thiết kế Thủy Nguyễn, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, doanh nhân - nhà hoạt động xã hội Helly Tống…. Đảm nhận vai trò dẫn dắt, kết nối chương trình chính là dàn người đẹp Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam: Hoa hậu H'Hen Niê, Hoa hậu Khánh Vân, Á hậu Hoàng My… Bên cạnh việc thảo luận, chia sẻ về những vấn đề xã hội, đại diện ban tổ chức cho biết "Vinawoman-Bản lĩnh Việt Nam" còn là cổng thông tin tư vấn chính thức cho các thí sinh trên hành trình chinh phục vương miện.

Đại dịch đã và đang làm thay đổi tất cả, trong đó có sân chơi nhan sắc. Để tồn tại và khẳng định giá trị của mình, các cuộc thi hoa hậu phải biến cái đẹp trở thành sứ giả truyền tải thông điệp tích cực, đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Lâu nay, các cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ đều không thiếu chương trình thiện nguyện hoặc hoạt động cộng đồng. Sau cuộc thi, hình ảnh dàn hoa hậu, á hậu tham gia hoạt động thiện nguyện này, dự án nhân văn kia luôn tràn ngập mặt báo nhưng mọi thứ vẫn mang nặng tính hình thức, đối phó.

Đã qua rồi cái thời hoa hậu chỉ là danh hiệu để trục lợi hay nâng hạng bản thân. Đấu trường nhan sắc không còn là nơi tìm ra hoa hậu chỉ để ngắm, để chưng. Trên thế giới và ngay tại Việt Nam, không hiếm hoa hậu, á hậu xin từ bỏ danh hiệu bởi chán nản sự vô vị của nó. Sau một thời gian các cuộc thi hoa hậu cấp quốc tế lẫn quốc gia mọc lên như nấm sau mưa, đây là lúc cần thanh lọc và nâng cấp chất lượng đấu trường sắc đẹp. Hơn lúc nào hết, "Sắc đẹp vì mục đích" - slogan mà cuộc thi Miss World theo đuổi - lại có ý nghĩa ở thời điểm này đến thế…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/cuoc-thi-nhan-sac-mat-gia-vi-dich-covid-i631588/