Cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu vượt sông Hương: Vì sao phương án cộng đồng bình chọn thấp lại được đánh giá tối ưu nhất?

Hội đồng thi tuyển thiết kế kiến trúc cầu vượt sông Hương lần thứ 3 vừa lựa chọn được phương án tối ưu nhất sau gần 1 năm tổ chức cuộc thi. Đó là phương án mã số I156- phương án nhận được phiếu bình chọn thấp nhất từ cộng đồng, lại được Hội đồng thi tuyển đánh giá cao và lựa chọn là phương án tối ưu nhất.

Hội đồng thi tuyển thiết kế kiến trúc cầu vượt sông Hương lần thứ 3 vừa lựa chọn được phương án tối ưu nhất sau gần 1 năm tổ chức cuộc thi. Đó là phương án mã số I156- phương án nhận được phiếu bình chọn thấp nhất từ cộng đồng, lại được Hội đồng thi tuyển đánh giá cao và lựa chọn là phương án tối ưu nhất.

Phối cảnh phương án I156 Cầu Một vòm được đánh giá là phương án tối ưu nhất.

Phối cảnh phương án I156 Cầu Một vòm được đánh giá là phương án tối ưu nhất.

5 năm vẫn chưa “chốt” phương án cuối cùng

Vào năm 2015 và năm 2016, UBND tỉnh TT- Huế mở 2 cuộc thi tìm thiết kế cho cầu vượt qua sông Hương nhưng vẫn chưa chọn được phương án nào để lập dự án xây cầu. Theo quy chế cuộc thi, nhằm mục tiêu xây dựng một công trình kiến trúc tiêu biểu, hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc khu vực sông Hương, phương án dự thi phải có ý tưởng đặc sắc, khác biệt với các cầu đã có trên sông Hương, không trùng lặp với các ý tưởng và phương án thiết kế của các cầu hiện có tại Việt Nam và trên thế giới và đồng thời nghiên cứu kỹ về phương diện chiếu sáng trang trí và chiếu sáng nghệ thuật, tạo điểm đến thu hút khách du lịch. Công trình cũng phải đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật theo quy định, phát huy tối đa về ý tưởng thiết kế, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đạt hiệu quả cao về chất lượng cũng như giá trị văn hóa và thẩm mỹ…

Trong cuộc thi lần nhất năm 2015, Ban tổ chức không chọn được phương án nào khả thi. Lần thi thứ hai tổ chức năm 2016 có 20 phương án từ 13 đơn vị tham gia. Hội đồng đã chọn ra giải Nhất là phương án “Chiếc nón”, giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về các phương án “Trăng sông Hương” và “Núi Ngự Bình”. Sau cuộc thi, giải Nhất là hình tượng nón lá được đưa ra lấy ý kiến người dân rộng rãi. Tuy nhiên, phương án này đã vấp phải sự phản đối từ công chúng cũng như các nhà chuyên môn vì chưa đáp ứng được yêu cầu của một công trình kiến trúc quan trọng, chưa thể hiện được hồn cốt văn hóa, lịch sử cố đô…

Vì vậy, năm 2019, UBND tỉnh TT-Huế tiếp tục mở cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu vượt sông Hương lần ba. Kết thúc cuộc thi, Sở Xây dựng đã nhận được 15 phương án thiết kế từ 11 đơn vị. Sau khi Hội đồng thi tuyển của tỉnh chấm điểm vòng 1 thì có ba phương án được UBND tỉnh TT-Huế quyết định lọt vào vòng 2. Ba phương án nói trên, gồm: phương án thiết kế mang tên cầu Long Thọ (mã số V126) của Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng và Thực nghiệm Kiến trúc và Xây dựng- Trường ĐH Kiến trúc TPHCM; phương án thiết kế mã số D781 của Cty CP Kiến trúc Lập Phương- CUBIC Architects (Hà Nội) và phương án thiết kế Cầu Một vòm (I156) của liên danh Cty TNHH WSP Phần Lan và Cty CP Tư vấn Kỹ thuật E&R (Hà Nội).

Lấy ý kiến cộng đồng

Ông Nguyễn Đại Viên- Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TT-Huế cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh TT-Huế, Sở này đã hoàn thành tổ chức công bố, lấy ý kiến cộng đồng về 3 phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương. Kết quả tham gia bình chọn đã nhận được hơn 49.000 lượt bình chọn. Hình thức bình chọn là trực tiếp từ Văn phòng Sở Xây dựng và qua mạng. Theo kết quả bình chọn của cộng đồng, phương án có mã số dự thi V126 có số phiếu bình chọn cao nhất với 23.615 phiếu (chiếm tỷ lệ 48%). Nhưng mới đây, khi Hội đồng thi tuyển chấm vòng chung khảo thì phương án này chỉ xếp thứ ba.

Đối với phương án thiết kế Cầu Một vòm I156 được Hội đồng đánh giá tối ưu nhất thì lại nhận được phiếu bình chọn thấp nhất từ cộng đồng, với 5.455 phiếu bình chọn (chiếm tỷ lệ 11%). Theo đánh giá của Hội đồng thi tuyển, phương án phương án thiết kế Cầu Một vòm (I156) có ý tưởng tốt và chọn lọc trong thiết kế. Là cầu vòm dễ trở thành biểu tượng của danh lam thắng cảnh cho Huế cả ban ngày và ban đêm. Hình thức kiến trúc đơn giản, đẹp phù hợp với kỹ thuật nhưng lại truyền tải được nghệ thuật kiến trúc cầu qua sông (vòm 1 nhịp) nên dễ gây được sự chú ý, hài hòa với giao thông cầu qua sông và có kiến trúc vòm parabol làm điểm nhấn phía Tây TP Huế. Dáng cầu thanh tao, hơi cong lên ở giữa và được thiết kế như sóng sông Hương. Phương án không có nơi vui chơi cho người dân, chỉ dùng riêng cho làn đường đi bộ hai bên là thích hợp và đủ để người dân đi bộ trên cầu ngắm cảnh. Hình dáng cầu hiện đại nhưng mềm mại và ấn tượng, đặc biệt là chiếu sáng về ban đêm. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này chính là đảo giao thông hai đầu cầu. Nếu phương án được chọn để thi công, cần xem lại giao thông hai đầu cầu và nghiên cứu sâu hơn các chi tiết của ống bảo vệ cáp treo để tạo ấn tượng.

Liên quan đến việc tỉnh TT-Huế nhiều lần tổ chức cuộc thi về thiết kế kiến trúc cầu vượt sông Hương khiến dư luận lo ngại lãng phí ngân sách, bà Trần Thị Hoài Trâm- Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, các cuộc thi này đều được huy động từ nguồn xã hội hóa, ngân sách không chi nên không gây lãng phí.

H.LAN

Công trình cầu vượt Sông Hương được xây dựng tại vị trí đường Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên qua đường Bùi Thị Xuân (TP Huế, TT-Huế). Công trình có chiều dài dự kiến 385m, chiều rộng 43 m, với 6 làn xe. Kinh phí dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng. Tải trọng thiết kế cầu HL93. Công trình này được tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công, xin ngân sách của Trung ương. Khi nào có kinh phí thì mới bắt đầu triển khai xây dựng. Giải Nhất của cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu vượt sông Hương có mức thưởng 500 triệu đồng, và 100 triệu đồng cho giải Nhì.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_225899_cuoc-thi-thiet-ke-kien-truc-cau-vuot-song-huong-vi-sao-phuong-an-cong-dong-binh-chon-thap-lai-duoc-danh-gia-toi-uu-nhat-.aspx