Cuộc thi viết Người thầy kính yêu: Mái ấm cho trẻ mồ côi, khó khăn ở vùng cao

Hơn 5 năm qua, vợ chồng thầy Nguyễn Văn Diện - cô Trần Thị Lan đã cưu mang 30 em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nuôi dưỡng và cho đi học

Giữa vùng cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, có những em nhỏ mồ côi cha mẹ, cái ăn cái mặc đều thiếu thốn, không nơi nương tựa. Thật may khi các em gặp được vợ chồng thầy Nguyễn Văn Diện và cô Trần Thị Lan.

Cơ sở Dương Hiển đang nuôi dưỡng 30 em nhỏ và cưu mang 2 cụ già neo đơn (thầy Diện ngoài cùng bên trái)

Nơi có tình thương của thầy, của mẹ

Thầy Nguyễn Văn Diện và cô Trần Thị Lan công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Hà Giang. Hai người đã đứng ra thành lập cơ sở bảo trợ xã hội Dương Hiển vào tháng 9-2018, tạo ra mái ấm gia đình thứ 2 cho các em nhỏ thiếu may mắn.

Thầy Diện vốn quê Hưng Yên, còn cô Lan quê Hải Dương nhưng đã bén duyên và lập nghiệp ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc hơn 30 năm nay. Là thầy giáo cắm bản vùng cao, thầy Diện thấu hiểu được hoàn cảnh của học sinh nơi đây. Các em chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Thấy các em nhỏ mồ côi không chỉ thiếu thốn vật chất mà còn thiếu cả tình cảm gia đình, vợ chồng thầy rất xót thương.

Thầy Diện nhớ lại câu chuyện mà bố thầy thường kể về tư tưởng sống nhân nghĩa trong cuộc đời. Thầy cho biết: "Bố tôi là trẻ mồ côi vì ông nội mất khi bố mới lên 3 tuổi. Bố dượng của bố tôi bấy giờ yêu thương bố tôi vô bờ bến. Chính vì tình yêu thương đó, bố mới trưởng thành và sinh ra tôi. Thỉnh thoảng tôi về quê, bố vẫn thường nhắc rằng sống phải luôn làm điều tốt cho xã hội". Đó chính là động lực để vợ chồng thầy Diện quyết tâm thành lập mái ấm Dương Hiển.

Ba em nhỏ mồ côi cha, mẹ bỏ đi ở xã Phiêng Luông, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang được vợ chồng thầy Diện nhận về nuôi. Rồi số lượng các em nhỏ tăng dần, từ những trẻ mồ côi cha mẹ đến hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học. Ngoài ra, mái ấm còn giúp đỡ một số cụ già không nơi nương tựa.

Cô Trần Thị Lan - thường được các em nhỏ gọi bằng mẹ - kể về những ngày đầu thành lập mái ấm: "Tôi dạy các con từ tắm gội đến giặt giũ, đánh dép ra sao. Khi tâm sự, các con nói rằng về với thầy, với mẹ được nằm giường, được ăn. Ở trên bản, các con phải lên nương, đi lấy cỏ ngựa, không được ăn uống đầy đủ".

Khi mới thành lập mái ấm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, thầy trò có gì ăn nấy, nương tựa vào nhau mà sống nhưng đời sống tinh thần được cải thiện rất nhiều. Các em coi đây như mái nhà thứ hai, nơi có tình thương của thầy, của mẹ; có anh em, bạn bè và được đến trường hằng ngày.

Bà Nguyễn Thị Phương Oanh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Hà Giang, nhận xét: "Trong thời gian qua, ngoài công việc của nhà trường thì thầy Diện luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý với các em. Thầy chăm lo cho các em từng bữa cơm, giấc ngủ. Cơ sở của thầy được các cấp, các ngành quan tâm và đi vào hoạt động ổn định".

Em Thò Mí Sùng lớn lên tại mái ấm Dương Hiển từ nhỏ, đạt danh hiệu học sinh giỏi 5 năm liền. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Giáo dục trẻ thành người tử tế

Vợ chồng thầy Diện không chỉ hướng đến việc nuôi nấng mà còn mong muốn các em nhỏ được giáo dục đầy đủ để sau này trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, vợ chồng thầy hướng dẫn các em trồng rau, chăn nuôi thêm để vừa biết quý trọng lao động vừa tự chu cấp một phần cho những bữa ăn hằng ngày.

Em Biền Tiếng Nương, người dân tộc Tày, nhớ lại: "Bố con mất, mẹ con bỏ đi lấy chồng mới, con về mái ấm Dương Hiển đã 3 năm. Ở đây, con được thầy, mẹ yêu thương và được ăn no, mặc ấm, học hành đầy đủ. Hằng tuần, chúng con học từ thứ hai đến thứ bảy. Cuối tuần, thầy hướng dẫn chúng con cùng nhau trồng rau. Trước đây ở nhà, con phải đi chăn dê, còn ở đây chỉ lo ăn học, phụ quét dọn".

Vợ chồng thầy Diện đều biết chút ít tiếng của người dân tộc thiểu số trong thời gian làm giáo viên cắm bản. Vì vậy, họ hiểu được các em nhỏ nói gì, mong muốn gì và lấy tình yêu thương để dạy dỗ, bảo ban các em.

Để có thể nuôi được các em nhỏ ăn học đầy đủ, vợ chồng thầy Diện phải cân đối chi tiêu. Thầy Diện cho biết ông đã nghỉ công tác để dành toàn thời gian chăm sóc các em. Ngoài ra, thầy có một căn nhà cho thuê, cộng với đồng lương của cô để trang trải cho các em ăn uống hằng ngày. Bên cạnh đó, mái ấm còn được một số nhà hảo tâm, người thân trong gia đình giúp đỡ gạo, rau quả... để bảo đảm bữa ăn cho trẻ.

Với lợi thế là một giáo viên hướng nghiệp, thầy Diện đã định hướng ngành nghề cho các em nhỏ khi học hết phổ thông. Đến nay, 1 em đã trở thành chiến sĩ công an, 1 em đang học cao đẳng nghề.

Với những em nhỏ như Thò Mí Sùng, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Đoàn Kết (huyện Vị Xuyên), thầy Diện tạo điều kiện tối đa để học tập. "5 năm nay, con là học sinh giỏi. Lớn lên, con muốn trở thành cô giáo để dạy và giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn" - Sùng bày tỏ.

Người tiên phong

Bà Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vị Xuyên, xúc động: "Anh Diện là người tiên phong ở tỉnh Hà Giang xin chủ trương thành lập cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ đồng hành cùng cơ sở để hỗ trợ được nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn".

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Nguyễn Duy Khánh (xã Văn Phú, huyện Thường Tín, TP Hà Nội)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-mai-am-cho-tre-mo-coi-kho-khan-o-vung-cao-19623122419084559.htm