Cuộc thi 'Viết về người lao động - viết cho người lao động': Nơi công nhân được ở nhà miễn phí chất lượng cao

Còn nhớ, ngay sáng mùng 6 Tết Mậu Tuất, khi nhiều doanh nghiệp (DN) vùng ĐBSCL đang nhốn nháo tìm lao động (LĐ) trước làn sóng 'đi Bình Dương' thì tại Nhà máy Chế biến bột cá của Cty TNHH SX và Dịch vụ Hải Thuận An Giang (gọi tắt là HTAG) lại hừng hực khí thế làm việc để hoàn thành đơn đặt hàng 200 tấn bột cá trị giá 7 tỉ đồng. Vì sao DN tọa lạc tại xã vùng sâu như Lương An Trà (Tri Tôn - An Giang) lại có được điều khác lạ này?

Vợ chồng anh Xô, chị Oanh (phải ảnh) vui vẻ mừng nhà mới với Phương em và ông Có . Ảnh: LỤC TÙNG

Vợ chồng anh Xô, chị Oanh (phải ảnh) vui vẻ mừng nhà mới với Phương em và ông Có . Ảnh: LỤC TÙNG

Nhà miễn phí chất lượng cao

Từng chứng kiến cảnh DN đỏ mắt tìm LĐ dịp đầu năm, vì vậy tôi lấy làm lo khi biết HTAG quyết tâm khai trương ngay ngày mùng 6 tết. Bởi ở “xứ khỉ ho, cò gáy” như Lương An Trà thì ngay ngày thường cũng đã khó tìm ra LĐ. Đã vậy, Cty mới đi vào hoạt động chưa tròn 2 năm...

Thế nhưng vừa bước vào, trước mắt tôi, hàng chục LĐ đang râm ran cười nói trong lúc chờ ghe chở cá cơm nguyên liệu cặp bến. Phép màu nào? “Chẳng có phép màu nào hết. Cty cất nhà cho anh em ở miễn phí ngay trong khuôn viên nên khi cần là làm việc ngay thôi” - chia sẻ của ông Lê Hữu Có - Chủ tịch HĐQT HTAG.

“Ai ở lại trực tết còn được thưởng thêm 2,4 triệu đồng/người” - công nhân Nguyễn Phương Em, 37 tuổi cho biết thêm - “Ngoài ra còn được Cty hỗ trợ thịt kho, hột vịt, bánh mứt ăn uống suốt thời gian trực... nên tiền trực còn y nguyên”. Trước đây, làm ở KCN Mỹ Phước 1 (Bình Dương) mỗi tháng, Phương Em tốn 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà trọ, rồi tiền điện, nước... mỗi thứ một chút, nên lương tháng nào hết tháng đó.

Sau hơn 1 năm quần quật mà chẳng tích lũy được nhiều, cũng như phần lớn công nhân, Phương Em rất muốn về quê tìm việc để có cơ hội tích lũy. Vì vậy khi nghe bạn bắn tin: “HTAG đang tuyển LĐ”, Phương Em về ngay. Và hơn cả những gì người bạn thông tin, ngoài việc làm đúng các quy định về bảo hiểm xã hội y tế... Công ty đã thống nhất bố trí cho anh vào ở miễn phí tại khu nhà tập thể... chất lượng cao. Bởi ngoài căn phòng khang trang, mỗi phòng còn được bố trí hệ thống điện, nước... Nhờ vậy mà mỗi tháng Phương Em tiết kiệm được thêm 1,5 triệu đồng.

Riêng với những cặp vợ chồng cùng làm việc, công ty có chế độ ưu tiên hơn. Vợ chồng Nguyễn Thế Danh và Huỳnh Thu Thắm vui ra mặt khi cho biết, sau thời gian vào làm việc, hai người kết hôn thì được bố trí cho căn phòng riêng. Rồi không kiềm được niềm hạnh phúc dâng trào, anh Danh đưa tôi tham quan “căn phòng hạnh phúc” mà theo anh, tốt hơn nhiều lần so với phòng trọ anh từng thuê ở các khu công nghiệp trước đó.

Nền gạch men bóng, mỗi phòng đủ diện tích để bố trí giường ngủ, nơi tiếp khách và cả khu bếp mini, nhà vệ sinh riêng... “Không chỉ có được thế giới riêng tư, ấm cúng, mỗi tháng vợ chồng tôi còn tiết kiệm được 3 triệu đồng so với thời phải thuê nhà khi làm công nhân ở Đồng Nai” - chị Thu Thắm vui vẻ cho biết.

Trước mắt, trong khuôn viên hơn 10ha, Cty xây 10 phòng giải quyết chỗ ở cho NLĐ. Nhưng, sắp tới con số này tiếp tục nâng lên, bởi theo lời ông Có, Cty đang san lấp mặt bằng thửa đất mới mua, cách nhà máy không xa để cất thêm nhà ở cho người LĐ. “Tuy nhiên, với việc giải quyết việc làm cho 100 lao động, nhà máy đã mang lại niềm vui kép: Người nghèo có việc làm và gợi mở cho địa phương thuần nông nhiều bài học về hướng giải quyết việc làm trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND xã Lương An Trà, Lê Văn Dùm chia sẻ.

“Lương tích lũy” và hơn thế nữa

Kết thúc giờ làm việc sáng, công nhân lần lượt ra về. Và rất ngẫu nhiên, tôi nghe vợ chồng anh Lê Văn Xô, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh mời Phương Em “mừng nhà mới”. Nằm ngay trên con lộ Tri Tôn đi Hòn Đất, Hà Tiên (Kiên Giang), căn nhà của vợ chồng anh Xô, chị Oanh nổi bật trong địa bàn ấp Giồng Cát (xã Lương An Trà) bởi kiến trúc đẹp, khang trang...

Với anh chị Xô, căn nhà còn có ý nghĩa hơn khi đây là lần đầu tiên cặp vợ chồng đã bước qua tuổi 50 mới có được ngôi nhà của chính mình sau nhiều năm ăn nhờ, ở đậu, hoặc sống qua ngày trông căn chòi tạm bợ. Buổi tiệc đơn sơ trà và bánh, nhưng không khí căn nhà vui hơn cả Tết.

Vợ chồng anh Xô líu ríu khoe: Đổ cái nền lên hơn 4m mất hơn 50 triệu đồng để nhà cao ngang tầm mặt đường; rồi cái vách tường được thợ tô phẳng y như... mấy cái biệt thự... dù tổng căn nhà chưa đầy 70 triệu đồng. Và mừng hơn khi toàn bộ căn nhà được xây dựng từ khoản tiết kiệm của vợ chồng sau 1 năm làm việc tại Cty HTAG. “Với mức lương 7-9 triệu đồng/người/tháng, tằn tiện ăn uống, mỗi tháng, vợ chồng tích lũy được hơn 8 triệu đồng. Cộng thêm tiền thưởng lễ, tết, cuối năm dư được 150 triệu đồng. Cất xong nhà, còn sắm được ít đồ đạc”- chị Oanh cười tít cả mắt.

Tuy nhiên, với vợ chồng anh Xô, chị Oanh, Tết năm nay còn có thêm niềm vui hơn cả “niềm vui nhà mới”. Vừa nói xong, chị Oanh hối con trai mang quạt máy ra, rồi anh Xô trịnh trọng ấn tay vào nút khởi động... Khi làn gió đầu tiên lướt qua, anh Xô khoe ngay: Từ nhỏ tới giờ, lần đầu có điện để xài quạt gió và tivi... Nếu không có chú Có, không biết đến đời nào mới được điều này”.

Chú Có là danh xưng mà tất cả người lao động tại Cty gọi ông Lê Hữu Có. Chuyện người LĐ tôn trọng ông chủ tử tế thì tôi thấy nhiều, nhưng tôn trọng đến mức kêu ông chủ bằng chú rồi xưng cháu như ở HTAG thì có lẽ hiếm. Và tự lối xưng hô này đã nói lên được mối quan hệ tình cảm, gắn bó giữa chủ và người LĐ.

Chuyện là thế này, khu vực nhà của anh chị Xô rất thưa dân cư, dân lại nghèo nên ngành điện chưa bố trí bình hạ thế... “Khi biết được điều này, chú Có đã chủ động cho gia đình anh Xô câu điện từ bình hạ thế mà Cty vừa đầu tư gần 100 triệu đồng để sử dụng trong dịp tết. Và sau đó anh Xô còn “chia lửa” thêm cho cha, mẹ, và anh em trong xóm...” - chị Tôn Thị Chuyền - Tổ trưởng Tổ CĐ Nhà máy xác nhận.

“Đẹp” trong, “long lanh” bên ngoài

Tận mắt “người thật, việc thật” tại HTAG, nhưng với tất cả sự cẩn trọng trước “ám ảnh”: DN “bỏ quên” môi trường, tôi mời bằng được TS Nguyễn Trần Thiện Khánh của ĐH An Giang đến hỗ trợ kiểm chứng môi trường.

Vừa trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ môi trường tại Nhật Bản, TS Khánh rất muốn xâm nhập thực tế nên nhận lời ngay. Sau khi tham khảo hồ sơ đánh giá tác động môi trường, giấy của cơ quan chức năng công nhận mẫu nước, khí thải của nhà máy, TS Khánh tham quan một vòng rồi đưa ra nhận xét: Nhà máy sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại Thái Lan, nên vượt trội so với nhiều nhà máy cùng loại trong khu vực ĐBSCL. Thậm chí theo TS Khánh, còn vượt trội hơn nhiều cơ sở chế biến bột cá tại Thái Lan mà anh có dịp biết trong thời gian học thạc sĩ tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT).

Theo TS Khánh, do cơ sở chuyên cung cấp bột cá cho các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản vốn đòi hỏi nguyên liệu thật tươi, tức phải đưa cá vào sấy ngay nên nhà máy không có mùi tanh và rất ít nước thải - chủ yếu có từ khâu rửa sàn. Trong khi đó, trên thực tế, nhà máy thiết kế hệ thống xử lý nước thải với 10 công đoạn liên hoàn.

TS Khánh chỉ vào 5 lọ nước vừa múc từ 5 hố tại khu vực xử lý nước thải, nói “Dù ghé đột xuất nhưng tất cả có 5 màu khác nhau từ đen đến trắng với độ tan đồng đều, chứng tỏ nhà máy xử lý liên tục chứ không làm ứng phó”. Theo TS Khánh, nhà máy còn hiện đại hơn khi sử dụng công nghệ làm nguội khí thải bằng khí đối lưu nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thật đúng là “đẹp bên trong, long lanh cả bên ngoài”. Thế nhưng, khi nghe hỏi về mình, ông Có chỉ ngắn gọn: Tôi chọn Lương An Trà đầu tư vì ngoài lý do thuận tiện trong kinh doanh, còn vì muốn giúp người nghèo nơi đây có việc làm ổn định... Ngày xưa, tôi cũng từng nghèo khó được chủ giúp đỡ mà có được ngày nay. Vì vậy, giờ tôi luôn xem và ứng xử với CN là “người một nhà” như một cách báo ân cuộc đời”.

LỤC TÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/cuoc-thi-viet-ve-nguoi-lao-dong-viet-cho-nguoi-lao-dong-noi-cong-nhan-duoc-o-nha-mien-phi-chat-luong-cao-606591.ldo