Cuộc thi ý tưởng chống ùn tắc giao thông: Hà Nội có thực sự cầu thị?

Nhiều người không khỏi băn khoăn rằng, liệu TP Hà Nội có thực sự cầu thị khi phát động cuộc thi ý tưởng chống ùn tắc giao thông?

Hình minh họa.

Việc Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” yêu cầu các điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân đã loại bỏ hoàn toàn dân “ngoại đạo”, cũng dường như đang lãng phí nguồn lực, ý tưởng từ đông đảo người dân quan tâm tới vấn đề quan trọng này của Thủ đô.

Thi ý tưởng, vẫn ra điều kiện về chuyên môn

Những ngày qua, một trong những thông tin được đông đảo người dân quan tâm là việc UBND TP Hà Nội phát động cuộc thi “Ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với giải thưởng lên đến 300,000 đô la (6,6 tỷ đồng).

Ngay sau khi thông tin về cuộc thi đặc biệt này được công bố, qua các cơ quan báo chí, hàng trăm ý kiến của bạn đọc cả nước gửi về hào hứng bình luận về những ý tưởng đã từng nung nấu hay vừa lóe lên trong đầu, với mong muốn đóng góp một ý kiến nho nhỏ của mình cho Hà Nội - trái tim thân yêu của cả nước.

Tuy nhiên, Thông báo số 26/TB-BTC ngày 10/1/2017 của Ban Tổ chức quy định về hình thức thi tuyển hạn chế và yêu cầu năng lực đã loại bỏ hoàn toàn dân “ngoại đạo”, dội một “gáo nước lạnh” vào bầu nhiệt huyết của người dân.

Đến thời điểm này, có lẽ rất nhiều người dân trên cả nước vẫn chưa hay biết về nội dung của thông báo này và vẫn đang hăm hở viết thư/đề án đóng góp ý tưởng mà không biết rằng mình không đủ điều kiện năng lực tham dự.

Theo như nội dung trong Thông báo số 26/TB-BTC thì chỉ có những tổ chức tư vấn và cá nhân liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch và phải có năng lực hạng I (cao nhất) mới được tham gia.

Đến đây, người viết không khỏi băn khoăn mà đặt ra câu hỏi là : “Liệu TP Hà Nội có thực sự cầu thị khi phát động cuộc thi”?

Chưa có tiền lệ về thi tuyển ý tưởng giải pháp tổ chức giao thông nhưng thông thường người ta sẽ tham khảo một quy chế nào đó tương tự, ví dụ như Thông tư số 13/2016/TT-BXD Quy định chi tiết về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mà Bộ Xây dựng đã ban hành.

Theo Thông tư này thì việc thi tuyển hạn chế chỉ áp dụng đối với trường hợp công trình có yêu cầu kỹ thuật cao về kỹ thuật hoặc có tính đặc thù riêng mà chỉ có một số tổ chức, cá nhân đáp ứng được.

Nếu thực sự cầu thị để nhân dân cả nước đóng góp sáng kiến cho Hà Nội, thiết nghĩ TP Hà Nội nên tổ chức thi tuyển rộng rãi, không giới hạn thành phần, không giới hạn về năng lực chuyên môn vì ở đây là thi về ý tưởng.

Vì sao lại như vậy? Thứ nhất, chúng ta không nên nghĩ ý tưởng về tổ chức giao thông và chống ùn tắc chỉ có giải pháp về kỹ thuật, hạ tầng mà còn các giải pháp về quản lý hành chính, quản lý trật tự đô thị, giải pháp về tài chính, về quản lý nhà nước…

Thứ hai, chắc chắn không chỉ những đơn vị tư vấn năng lực hạng 1 mới có ý tưởng, chúng ta nên huy động chất xám của toàn thể nhân dân.

Những người đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước như cán bộ các Sở Giao thông, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, các giáo sư, tiến sỹ đang giảng dạy tại các trường Đại học Kiến trúc, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Xây dựng, các bạn trẻ sinh viên..., thậm chí những đồng chí cảnh sát giao thông đang hàng ngày hướng dẫn giao thông trên địa bàn, các cán bộ trật tự phường, tài xế taxi… cũng hoàn toàn có thể có những sáng kiến hay mà ta không ngờ tới….

Cần xem xét toàn diện các nhóm giải pháp

Theo quan điểm của người viết, tp.Hà Nội nên chia ra các nhóm giải pháp và tương ứng với mỗi nhóm giải pháp đó sẽ có những tiêu chí và những giải thưởng phù hợp.

Không nên tập trung hết vào giải pháp thiết kế xây dựng và chỉ cần có sự tham gia của các chuyên gia sau khi đã đánh giá hết tính khả thi của ý tưởng đề xuất. Lúc thương thảo ký hợp đồng tư vấn mới cần điều kiện năng lực cụ thể.

Trong đó, nhóm giải pháp mềm là các giải pháp không liên quan đến việc quy hoạch, xây dựng giao thông như: Các giải pháp về quản lý trật tự đô thị (Các giải pháp để tăng cường quản lý tình trạng đỗ xe bừa bãi dưới lòng đường, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè như trên đường Đê La Thành hoặc giải pháp làm lan can chắn vỉa hè như TP. Hồ Chí Minh đã từng làm là một ví dụ);

Các giải pháp về hạn chế phương tiện (Ví dụ như giải pháp về thu phí xe ngoại tỉnh, giải pháp về hạn chế đăng ký xe, ngày chẵn đi xe biển chẵn, ngày lẻ đi xe biển lẻ….); Các giải pháp về tăng cường xử phạt hành chính vi phạm giao thông; Các giải pháp về phân làn, phân luồng xe một cách hợp lý...

Nhóm giải pháp cứng bao gồm: Giải pháp xây thêm cầu vượt bằng thép, bê tông; Giải pháp tổ chức tuyến riêng cho xe buýt nhanh (BRT) hoặc tuyến riêng cho xe máy; Giải pháp xây đường hầm, cầu vượt qua các nút giao thông; Giải pháp về quy hoạch đô thị, mở thêm các tuyến đường nhằm giảm tải cho một số trục chính hiện nay...

Rõ ràng, để giải quyết bài toán giao thông đô thị hiện nay không thể chỉ riêng một nhóm ngành nghề nào mà cần sự chung tay của tất cả các tổ chức, cá nhân không giới hạn năng lực, tuổi tác, miễn là có tâm huyết với đất nước, đều có thể đóng góp sáng kiến cho Hà Nội. Hy vọng Ban tổ chức cuộc thi xem xét, thay đổi về quy chế thi tuyển để người dân có cơ hội đóng góp cho đất nước.

Vũ Lê

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/cuoc-thi-y-tuong-chong-un-tac-giao-thong-ha-noi-co-thuc-su-cau-thi-d34226.html