Cuộc trao đổi 'bánh ít đi bánh quy lại' giữa TT Duterte và TQ

Trung Quốc phớt lờ cuộc chiến chống ma túy 'đẫm máu' của Tổng thống Rodrigo Duterte trong khi Philippines dịu giọng với các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Theo The Economist Intelligence Unit (EIU), một công ty liên kết của tờ The Economist, sức ảnh hưởng của các quốc gia nước ngoài phản đối cuộc chiến chống ma túy của Philippines rất hạn chế đối với Tổng thống Duterte.

Trong khi cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III kiên quyết chống lại việc Trung Quốc đòi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, bao gồm cả vùng biển mà Manila gọi là Tây Philippines, chính sách đối ngoại của ông Duterte trở nên "đáng chú ý".

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón khi ông đến Trung tâm Thể thao dưới nước Quốc gia ở Bắc Kinh để dự Lễ khai mạc FIBA Basketball World Cup 2019 vào ngày 30/8/2019. Ảnh: Philstar.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón khi ông đến Trung tâm Thể thao dưới nước Quốc gia ở Bắc Kinh để dự Lễ khai mạc FIBA Basketball World Cup 2019 vào ngày 30/8/2019. Ảnh: Philstar.

"Ông Duterte rất ôn hòa với chính phủ Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng ‘lờ đi’ cuộc chiến chống ma túy khi Philippines giảm bớt sự phản đối đối với các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông", EIU nói.

EIU cho rằng ông Duterte đang nghiêng về việc theo đuổi các chính sách xã hội, như phòng chống ma túy, hơn là mối quan hệ của Philippines với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Một số quốc gia đã bày tỏ quan ngại về cuộc chiến chốn ma túy của nhà lãnh đạo Philippines do số người chết "đáng kinh ngạc" liên quan đến chiến dịch.

Tổng cộng có 18 quốc gia, bao gồm Anh, Australia, Tây Ban Nha, Italy và Mexico, đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc để điều tra cuộc chiến chống ma túy của Philippines.

Đáp trả quyết định này, ông Duterte đã đình chỉ việc đàm phán tất cả các thỏa thuận cho vay và cấp vốn với chính phủ của các quốc gia ủng hộ nghị quyết.

EIU cho biết trước đây Philippines cũng từng từ chối khoản tài trợ trị giá 290 triệu USD từ Liên minh châu Âu.

"Tổng giá trị viện trợ phát triển từ nước ngoài vào cuối năm 2018 vào khoảng 2,2 tỷ USD, trong đó số tiền từ các nước tham gia ký kết ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc chiếm khoảng 490 triệu USD, tương đương với 0,2% GDP danh nghĩa", báo cáo viết.

Chính phủ Philippines có lẽ không lo lắng về ảnh hưởng của việc này ở tầm vĩ mô nhưng vị thế của đất nước trên trường quốc tế có thể sẽ bị ảnh hưởng ở một số khía cạnh khác, chẳng hạn như các khoản đầu tư kinh doanh sẽ bị rút lại hoặc hủy bỏ, theo Philstar.

Bất chấp những lời chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, ông Duterte vẫn được xếp hạng mức độ hài lòng "rất tốt", dựa trên khảo sát của Social Weather Stations vào tháng 6.

"Cho đến nay, những nhận xét thẳng thắn và thái độ từ chối thẳng thừng của ông đối với các quốc gia từng được coi là đồng minh đều không làm tổn hại đến chính quyền của ông về mặt chính trị, và cũng không có tác động kinh tế rõ ràng", EIU nói. Các quyết sách xã hội quan trọng của Duterte dự kiến cũng sẽ không suy yếu trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

"Nước ngoài sẽ tiếp tục chỉ trích thái độ và phương hướng của ông, nhưng trừ khi Trung Quốc thay đổi thái độ, con đường của Duterte có vẻ đã được định sẵn", báo cáo của EIU viết.

Khánh Linh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuoc-trao-doi-banh-it-di-banh-quy-lai-giua-tt-duterte-va-tq-post999653.html