Cuộc trao đổi gay gắt của quan chức Mỹ - Trung giữa căng thẳng khí cầu

Bên lề Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tối 18/2 đã có cuộc gặp đầy căng thẳng với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị sau sự cố khinh khí cầu.

Trong cuộc gặp đầy căng thẳng với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị, ông Blinken đã cảnh báo rằng việc khinh khí cầu Trung Quốc xâm nhập không phận Mỹ “không bao giờ được xảy ra nữa”.

Mô tả của Mỹ về cuộc gặp này không đề cập đến việc ông Vương Nghị phản ứng thế nào. Tuy nhiên, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hai vị quan chức đã có cuộc trao đổi đầy gay gắt.

Cuộc gặp giữa hai vị quan chức đã nối lại liên lạc ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh, vốn bị đóng băng kể từ sau khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc, theo New York Times.

Tranh luận gay gắt

Ông Vương Nghị khẳng định Mỹ phải “giải quyết thiệt hại” do việc sử dụng vũ lực bừa bãi, khi nước này bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ở ngoài khơi Nam Carolina.

Những tuyên bố từ Mỹ và Trung Quốc về cuộc họp cho thấy cả hai bên đều đang đào sâu vào vấn đề khinh khí cầu, hai tuần sau khi nó bị bắn hạ. Theo New York Times, Mỹ hy vọng tìm ra con đường hướng tới một giải pháp cho phép ông Blinken sắp xếp lại chuyến thăm Trung Quốc.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên sau nhiều năm của một ngoại trưởng Mỹ, song nó đã bị hoãn khi một khí cầu Trung Quốc xâm nhập không phận Mỹ.

Đáng chú ý, trong cuộc gặp ở Munich, cả hai bên đều không nói gì về việc tìm ngày mới cho chuyến công du của ông Blinken. Nói với NBC, Ngoại trưởng Blinken khẳng định ông đã trao đổi rõ ràng và thẳng thắn với ông Vương về sự cố khinh khí cầu, đồng thời cho biết vị quan chức Trung Quốc đã “không xin lỗi” trong cuộc họp.

Đó cũng là một lời nhắc nhở về việc mối quan hệ Mỹ - Trung có lẽ đã xuống mức thấp nhất kể từ khi cựu Tổng thống Richard Nixon mở một kênh liên lạc với giới lãnh đạo Trung Quốc nửa thế kỷ trước.

 Ông Vương Nghị và ông Blinken tại một hội nghị vào tháng 7/2022. Ảnh: AP.

Ông Vương Nghị và ông Blinken tại một hội nghị vào tháng 7/2022. Ảnh: AP.

Tổng thống Biden thường đề cập đến mong muốn về một mối quan hệ với Trung Quốc mà trong đó hai nước cạnh tranh mạnh mẽ nhưng không xung đột.

Tuy nhiên, nhiều quan chức tại Hội nghị An ninh Munich quan ngại rằng việc xử lý sự cố khinh khí cầu chỉ nêu bật việc hai nước đã thất bại trong việc giảm leo thang như thế nào, ngay cả khi không có thiệt hại về người.

Vài giờ trước khi hai quan chức cấp cao gặp mặt, ông Vương đã xuất hiện trước hội nghị. Trước sự ngạc nhiên của nhiều quan chức phương Tây, ông lặp lại tuyên bố của Trung Quốc về việc đó là một khí cầu nghiên cứu “dân sự” bay lạc.

"Việc triển khai một tiêm kích hiện đại để bắn hạ khí cầu bằng tên lửa là không thể tin được, gần như là cuồng loạn", ông Vương Nghị nói.

Trong bản mô tả về thông điệp ông Blinken gửi ông Vương Nghị, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington “sẽ không ủng hộ bất kỳ hành vi xâm phạm đến chủ quyền của chúng tôi”.

Họ đồng thời khẳng định “các chương trình giám sát tầm cao của Trung Quốc - từng xâm nhập vào không phận của hơn 40 quốc gia trên khắp 5 châu lục - đã được phơi bày ra toàn thế giới”.

Cụm từ đáng chú ý

Kể từ sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ, Hải quân Mỹ và Lực lượng Tuần duyên đã thu gom được phần lớn thiết bị của nó. Giới chức Mỹ cho biết họ dự định công khai thông tin về các cảm biến được tìm thấy.

Bên cạnh đó, trong cuộc gặp, ông Blinken cũng đưa ra cảnh báo tới Bắc Kinh liên quan tới những vấn đề căng thẳng hiện tại.

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cố gắng mô tả phát biểu của ông Blinken là cứng rắn, tuyên bố chính thức của họ về cuộc họp cho biết ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại ngoại giao và việc các đường dây liên lạc được mở mọi lúc”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay ông Blinken đã "thẳng thắn" trong suốt cuộc họp, theo Reuters. Bên cạnh đó, ông Blinken đã khẳng định “chúng tôi không muốn xung đột với Trung Quốc và không muốn tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Cụm từ đó đặc biệt đáng chú ý vì trong những phát biểu trước đó tại hội nghị, ông Vương đã khẳng định rằng “tâm lý Chiến tranh Lạnh đã quay trở lại” trong các vấn đề toàn cầu.

 Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Cuộc gặp vào tối 18/2 diễn ra hai tuần sau khi ông Blinken đột ngột hoãn chuyến thăm tới Bắc Kinh - vốn được lên lịch từ lâu - nhằm xoa dịu mối quan hệ giữa đầy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây.

Việc hoãn chuyến thăm và cuộc khẩu chiến sau đó đã càng tạo thêm bước lùi trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ban đầu, Trung Quốc bày tỏ lấy làm tiếc về vụ việc khinh khí cầu, khẳng định đây là thiết bị nghiên cứu khí tượng đã đi chệch hướng khỏi lộ trình ban đầu. Tuy nhiên, trong những ngày tiếp theo - đặc biệt là sau khi quân đội Mỹ xác định và bắn hạ ba vật thể khác - giọng điệu của Bắc Kinh trở nên cứng rắn hơn.

Ông Vương Nghị gọi phản ứng của Mỹ là một nỗ lực “để chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước”. Bên cạnh đó, vị quan chức đồng thời khẳng định việc bắn hạ khinh khí cầu là “100% lạm dụng việc sử dụng vũ lực” và Mỹ đã vi phạm một công ước quốc tế về quản lý không phận.

Ông Danny Russel, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định bất chấp những lời lẽ sắc bén, việc cuộc gặp này được tổ chức và cả hai bên đều nêu quan điểm của mình về sự cố khinh khí cầu có thể giúp họ gác lại vụ việc và tiếp tục sắp xếp lại chuyến thăm Bắc Kinh của ông Blinken.

Trong khi đó, mặc dù nhận định việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu là “vấn đề nhạy cảm và sẽ không mang đến điều tốt đẹp gì cho quan hệ hai nước”, tiến sĩ Shen Dingli, một học giả về quan hệ quốc tế ở Thượng Hải - vẫn hy vọng Mỹ, Trung có thể bỏ qua mâu thuẫn lần này.

“Tôi hy vọng hai quốc gia sẽ có thể khép lại trang này và tiếp tục tiến về phía trước”, ông nói.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-trao-doi-gay-gat-cua-quan-chuc-my-trung-giua-cang-thang-khi-cau-post1403140.html