Cuộc trốn chạy của một thiếu nữ Ảrập làm khuấy đảo giới truyền thông

Một phụ nữ trẻ người Saudi Arabia đã bị gia đình nhốt trong nửa năm vì làm trái ý các thành viên trong gia đình. Cuối cùng, cô đã trốn thoát sang Thái Lan. Trường hợp của Rahaf Mohammed Alqunun đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế nhưng cô không phải là người duy nhất.

“Tôi là cô gái đã trốn khỏi Kuwait đến Thái Lan. Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm thực sự nếu tôi bị buộc phải quay lại Saudi Arabia”, Rahaf Mohammed Alqunun, 18 tuổi viết trên Twitter vào cuối tuần trước bằng tiếng Ảrập. Thời điểm đó, cô đã ở sân bay Bangkok, sắp bị trục xuất về quê nhà và cầu xin sự giúp đỡ.

Rahaf Mohammed Alqunun (trái) đang được cơ quan về người tị nạn Liên hợp quốc tại Thái Lan hỗ trợ

Rahaf Mohammed Alqunun (trái) đang được cơ quan về người tị nạn Liên hợp quốc tại Thái Lan hỗ trợ

Lời kêu cứu trực tiếp trên mạng xã hội

Trong suốt 48 tiếng, Alqunun đã chia sẻ trực tiếp về việc trốn chạy của mình. Trong chuyến đi gần đây cùng gia đình, Alqunun đã trốn thoát, bay sang Thái Lan và mong muốn được đến Australia, nơi cô dự định làm đơn xin tị nạn. Một người bí ẩn nói với cô rằng anh ta sẽ giúp cô xin visa, nhưng sau đó người này trở lại cùng với nhà chức trách Thái Lan khác nói với Alqunun rằng cô sẽ sớm bị trục xuất về nước.

Tự nhốt mình trong phòng khách sạn ở Bangkok, Alqunun lên mạng xã hội bày tỏ về tình thế nguy hiểm của mình. “Khi tôi bị buộc quay lại, họ sẽ giết tôi”, Alqunun nói với tờ New York Times. Trả lời phỏng vấn của tờ báo này, thiếu nữ mô tả gia đình cô sống ở thành phố Hail, phía Bắc Saudi Arabia. Cô gái từng bị nhốt trong phòng 6 tháng vì đã cắt tóc theo ý mình và gia đình không chấp thuận. Các anh trai của Alqunun cũng thường xuyên đánh cô.

Alqunun nói với New York Times và thế giới thông qua phương tiện truyền thông xã hội rằng việc cô ấy bị trục xuất về cơ bản là “án tử hình”. Cô gái đăng video trên trang Twitter của mình và nói rõ “Tôi muốn tị nạn”. Những đoạn video đăng tải trên mạng truyền thông xã hội của Alqunun nhận được phản hồi tích cực. Alqunun hiện có 50.000 cư dân mạng cùng các hãng thông tấn quốc tế theo dõi. Kết quả, cơ quan Di trú Thái Lan tuyên bố họ sẽ không đưa Alqunun về nước.

Điều đó không có nghĩa là Thái Lan đã chấp nhận cho thiếu nữ người Saudi Arabia được tị nạn. Tuy vậy, Alqunun đã có thêm một chút thời gian. Chính phủ Thái Lan vẫn có thể trục xuất cô ấy, nhưng với sự theo dõi của truyền thông xã hội và sự giúp đỡ của các tổ chức như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW, ít nhất Alqunun sẽ có thể tìm thấy tự do bằng cách xin tị nạn ở Úc, Mỹ, Anh hoặc Canada…

Không phải là trường hợp cá biệt

Adam Coogle - chuyên gia HRW ở Trung Đông hoan nghênh việc chính quyền Thái Lan đã không đưa thiếu nữ Rahaf Mohammed Alqunun lên chuyến bay trở lại Kuwait như dự định ban đầu. Đại diện của Cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) đã được phép làm việc với Rahaf Mohammed Alqunun.

Alqunun không phải là trường hợp cô gái trẻ đầu tiên muốn bỏ trốn khỏi Saudi Arabia. Vào tháng 4-2017, Dina Lasloom, một công dân trẻ tuổi của nước này đã bị bắt tại sân bay Manila, Philippines vì lý do muốn tránh một cuộc hôn nhân cưỡng ép. Cô gái ấy đã bị trục xuất về nước vào ngày hôm sau và đến nay không rõ tung tích. Hãng tin Bloomberg trích dẫn một nguồn tin giấu tên trong Chính phủ Saudi Arabia cho biết, Lasloom đang bị giam giữ tại nhà tù dành cho phụ nữ. HRW không có thông tin chính thức về số phận của Lasloom.

“Chúng tôi đã ghi nhận một số trường hợp như vậy trong nhiều năm qua. Một lần nữa, phụ nữ ở Saudi Arabia bị ngược đãi và bị khước từ một cuộc sống tự quyết vì các thành viên nam trong gia đình muốn được nắm quyền kiểm soát”, chuyên gia của HRW, ông Coogle nói.

Nhà hoạt động dân quyền Yahya Assiri, đang sống ở Anh cho rằng, những cô gái trẻ Saudi Arabia có thể bị đối xử không công bằng trong gia đình mình. Nhà nước lẽ ra phải bảo vệ họ, nhưng vì không được bảo vệ, một số cô gái đã buộc phải chọn một con đường khác, chẳng hạn như trốn ra nước ngoài.

Cơ hội trốn thoát của những phụ nữ yếu thế này phụ thuộc rất nhiều vào con đường mà họ đã chọn, ông Adam Coogle nói. Một số người tìm cách vào một quốc gia có hệ thống tị nạn phát triển tốt, chẳng hạn như một quốc gia châu Âu hoặc Mỹ và đã thành công, trong khi có người cố trốn thoát sang Australia nhưng đã bị chặn lại ở những quốc gia mà Saudi Arabia có thể gây áp lực ngoại giao.

Yến Chi (Theo DW/FastCompany)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cuoc-tron-chay-cua-mot-thieu-nu-arap-lam-khuay-dao-gioi-truyen-thong/796152.antd