Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt: Thị trường quan trọng cho ngành ICT

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ tạo ra thị trường quan trọng cho ngành công nghiệp ICT. Hiện Bộ đã và đang xây dựng chiến lược Make in Vietnam – Sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Sáng nay (30/5), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cuộc vận động đã làm thay đổi thói quen người tiêu dùng

Ông Nguyễn Thành Chung - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 10 năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành và góp phần thay đổi nhận thức của toàn xã hội về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cũng theo ông Chung, với việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú đã tác động tới người tiêu dùng. Qua đó nhận thức của người tiêu dùng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, tin tưởng vào khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cũng như chấy lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

“Tâm lý sính hàng ngoại đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới bước đầu được xây dựng khi tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp Việt, hàng hóa Việt có chất lượng, qua đó lựa chọn cách tiêu dùng phù hợp với khuynh hướng dùng hàng Việt thay cho hàng ngoại càng gia tăng”, ông Chung chia sẻ.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử chia sẻ thêm, cuộc cách mạng số và đặc biệt là sự phát triển của Cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra cơ hội mới và thời cơ mới cho Việt Nam. Với trọng trách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ICT và các doanh nghiệp của Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang xây dựng chiến lược Make in Vietnam – Sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

“Make in Vietnam cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu. Make in Vietnam không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Cuộc vận động sẽ tạo ra thị trường quan trọng cho ngành công nghiệp ICT”, ông Chung nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt còn khó khăn khi tìm đầu ra cho sản phẩm

Đưa ra những khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường, đứng góc độ là một doanh nghiệp nhỏ, ông Nguyễn Sơn Trường - Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần giải pháp công nghệ Vĩnh Cửu cho rằng, sự thay đổi công nghệ ngày càng nhanh chóng đòi hỏi các doanh nghiệp phải dành nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, những hạn chế của các công ty nhỏ lại ảnh hưởng khá lớn đến cuộc đua cạnh tranh với các giải pháp của nước ngoài.

Cùng với đó, ông Trường cũng cho biết, hiện các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy lợi ích rõ ràng khi sử dụng sản phẩm giải pháp công nghệ Việt, nên xu hướng thích chọn sản phẩm, giải pháp nước ngoài. Bên cạnh đó còn có việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng cao trên thị trường, bởi việc khó khăn hầu như không tuyển được người làm việc ngay mà phải dành nhiều chi phí cho việc đào tạo…

Để giải quyết những bất cập đang gặp phải, ông Trường kiến nghị, cần có các biện pháp cụ thể để đưa chương trình ‘Make in Vietnam” đi vào thực tế. Theo đó, cần có chính sách ưu đãi về khả năng tiếp cận vốn đầu tư, vốn tín dụng với các tổ chức, doanh nghiệp khi sử dụng các giải pháp công nghệ Việt. Đặc biệt, cần có tiêu chí rõ ràng và có tiến trình lựa chọn giải pháp công nghệ thông tin cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước một cách công khai, minh bạch.

Trong khi đó, đưa ra kiến nghị để nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, phối hợp thực hiện của các bộ, ngành về Cuộc vận động.

Chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trong và ngoài nước. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong hoạt động chống hàng giả, hàng kém chất lượng và chống gian lận thương mại. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp các biện pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201905/cuoc-van-dong-nguoi-viet-uu-tien-dung-hang-viet-thi-truong-quan-trong-cho-nganh-ict-634178/