Cuộc xâm chiếm công nghệ từ Trung Quốc: Nỗi lo của người Mỹ

Một nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc muốn chiếm lĩnh thị phần bằng cách bán những chiếc xe trang bị ắc quy có công nghệ tiên tiến nhất. Vậy làm cách nào công ty này có được công nghệ đó?

Họ có thể thuê một số kĩ sư, xây dựng một phòng thí nghiệm và phát triển công nghệ đó trong nước. Họ có thể hợp tác với bộ phận nghiên cứu của một trường đại học để tạo ra nó. Hoặc một lựa chọn khác, đó là mua lại một công ty của Mỹ đã có sẵn công nghệ này.

Lựa chọn trên có thể có lợi cho cả bên thâu tóm và đối tượng được thâu tóm, nhưng nó có thể chặn đứng toàn bộ hệ sinh thái phát triển quanh công ty đó ở Mỹ. Công ty bên phía Trung Quốc chắc chắn sẽ đem công nghệ này về nước, sản xuất ắc quy công nghệ cao đó ở Trung Quốc và sử dụng nguyên vật liệu của Trung Quốc. Nếu công ty phía Mỹ không bị thâu tóm, nó có thể sản sinh ra một mạng lưới các nhà cung cấp và khách hàng. Một số nhân viên của công ty này có thể sẽ rời sang làm việc cho các nhà cung cấp hoặc các khách hàng nói trên, hoặc làm cho các công ty đối thủ, hoặc tự thành lập một doanh nghiệp mới. Họ có thể sẽ mang kiến thức về công nghệ của công ty cũ đi theo, và cho dù là các ý tưởng đó có được bảo vệ bằng các thỏa thuận bảo mật hay không thì nó cũng có thể kết hợp với ý tưởng của những người khác và có khả năng tạo ra những phát minh hoàn toàn mới. Nhưng lúc này, do công ty Trung Quốc đã mua lại công nghệ và đem nó về nước, vòng tròn phát triển này sẽ diễn ra ở Trung Quốc thay vì ở Mỹ, và nền kinh tế Mỹ xét về tổng thể sẽ bị thua thiệt.

Động thái mới của CIFUS

Kịch bản trên có thể được ngăn chặn bởi những hành động kịp thời của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). CIFUS là một tổ chức chính thức có nhiệm vụ xử lý các vấn đề liên quan tới nguy cơ cho an ninh quốc gia, ví dụ như một thế lực nước ngoài muốn thông qua thâu tóm công ty để xói mòn ưu thế của Mỹ trong kĩ thuật quân sự. Trên thực tế, an ninh quốc gia Mỹ hầu như không bao giờ bị chia tách khỏi các vấn đề về kinh tế, như ví dụ trên đã miêu tả, vì các ưu thế về công nghệ có ý nghĩa trong cả lĩnh vực quân sự và kinh tế. CIFUS đã thuyết phục thành công Tổng thống Mỹ Donald Trump ngăn chặn công ty Broadcom thâu tóm đối thủ là công ty sản xuất thiết bị truyền thông Qualcomm của Mỹ, đó là vì tổ chức này e ngại động thái này sẽ dẫn đến cắt giảm chi phí chi cho nghiên cứu, từ đó làm suy yếu thế thống trị của Mỹ về mặt công nghệ, đem lại lợi thế cạnh tranh cho Huawei, đối thủ đến từ Trung Quốc.

Đây có thể chỉ là khởi đầu, có lẽ CIFUS sẽ sớm tăng cường hành động hơn đáng kể. Ông Trump và Bộ trưởng Ngân khố Steve Mnuchin đang cân nhắc dùng các quyền khẩn cấp để ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ, và CIFUS sẽ thi hành các hạn chế này. Bên cạnh đó, đã có các nỗ lực lập pháp được ủng hộ của cả hai đảng nhằm tăng cường quyền lực của CIFUS và mở rộng giám sát của cơ quan này để theo dõi cả các khoản đầu tư thiểu số của các công ty Trung Quốc.

Nếu một công ty Trung Quốc chỉ mua một khoản cổ phần thiểu số trong các công ty Mỹ, nó sẽ không thể thực hiện được kịch bản ở trên. Vậy tại sao lại giám sát cả các khoản đầu tư thiểu số này? Vì khi làm như thế, các công ty Trung Quốc có thể cử nhân viên đến làm việc với các công ty Mỹ, cho phép họ sao chép, học được hoặc đánh cắp các thiết kế, ý tưởng và kiến thức về các quy trình và chuyển chúng về các công ty Trung Quốc. Một CIFUS mạnh mẽ hơn sẽ ngăn được điều này.

Đây có thể là một ý tưởng tốt. Hạn chế nguồn vốn của Trung Quốc vào các công ty Mỹ không có gì quá nguy hiểm. Nhờ vào các nhà đầu tư như Quỹ Vision của Softbank và các nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ giàu có, cộng với việc định giá các công ty công nghệ đang tăng vọt, cuối cùng là lãi suất thấp, tất cả giúp cho các công ty Mỹ khó mà bị đói vốn. Việc ép các công ty Trung Quốc giảm tốc trong việc thâu tóm và đầu tư, nhất là vào các công ty công nghệ sẽ hầu như không đem lại trở ngại, hạn chế nào.

Các kịch bản thâu tóm công nghệ của Trung Quốc

Nhưng Trung Quốc sẽ không dễ dàng bị ngăn cản. lãnh đạo nước này rất quyết tâm trong việc đưa nước này vượt lên trong chuỗi giá trị. Để có thể đạt được một vị trí trong khu vực thiết kế và sản xuất, khu vực nhiều lợi nhuận hơn trong cái gọi là “đồ thị nụ cười”(*), Trung Quốc cần nâng cấp trình độ công nghệ của mình. Đây chính là tinh thần của kế hoạch “Made in China 2025”, với hy vọng thiết lập vị trí dẫn đầu về công nghệ của Trung Quốc trong một số các ngành công nghiệp mũi nhọn trong một vài năm tới.

Việc này càng trở nên cấp bách hơn vì tuy có mức đầu tư kỉ lục vào công nghệ, mức tăng trưởng năng suất của Trung Quốc đã chậm lại trong những năm gần đây.

Vì vậy chính phủ Trung Quốc được kỳ vọng phải thực hiện các biện pháp mạnh để thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình, điều đó có nghĩa là thâu tóm công nghệ nước ngoài bằng bất cứ cách nào có thể.

Một phương pháp mà Trung Quốc sẽ thử dùng để lấy được công nghệ của Mỹ là liên doanh. Trung Quốc thường yêu cầu các công ty đa quốc gia phải thiết lập liên doanh với các công ty nội địa Trung Quốc mới có thể tiếp cận thị trường khổng lồ này. Nhưng rất khó để một công ty Mỹ có thể hoạt động ở Trung Quốc mà không để lộ các bí mật về công nghệ. Đối tác Trung Quốc có thể lấy cắp công nghệ của công ty Mỹ rồi chuyển nó sang cho một công ty Trung Quốc khác hoặc cho chính phủ, sau đó các bên này sẽ dùng chính những công nghệ này cạnh tranh với các công ty Mỹ và đẩy họ ra khỏi thị trường Trung Quốc. Theo dự thảo luật mới nhất, các quan hệ liên doanh này không nằm trong phạm vi quản lý của CIFUS, do đó nếu ông Trump muốn bịt lỗ hổng này, ông sẽ phải tìm một cách khác.

Một cách cuối cùng để Trung Quốc có thể lấy được công nghệ Mỹ là thuê chuyên gia người Mỹ, những người này tự nhiên sẽ đem theo các ý tưởng và kĩ thuật họ học được từ các công ty trước hoặc từ đại học của Mỹ. Trung Quốc có thể đặc biệt nhắm vào người Mỹ gốc Hoa, những người này sẽ có kĩ năng ngôn ngữ cần thiết. Vì những người Mỹ gốc Hoa thường chịu sự phân biệt trong công việc ở Mỹ, một sự nghiệp tại Trung Quốc có vẻ rất hấp dẫn.

Nếu Mỹ thực sự nghiêm túc trong việc ngăn chặn chuyển giao công nghệ, nước này phải làm nhiều việc hơn là chỉ ngăn đầu tư từ Trung Quốc. Mỹ phải tìm cách để giảm thiểu nguy cơ hoặc ngăn ngừa hoàn toàn việc bắt buộc hoặc lén lút chuyển giao công nghệ thông qua hình thức liên doanh. Và Mỹ phải tìm cách biến nước này thành một nơi hấp dẫn hơn cho những người làm trong lĩnh vực công nghệ, nếu không họ sẽ chuyển sang Trung Quốc làm việc.

(*): Đồ thị nụ cười là một đồ thị có dạng giống nụ cười, đỉnh bên trái là phần “Thiết kế và Sản xuất“, xuống đáy ở giữa là phần “Chế tạo và Lắp ráp“, đỉnh bên phải là phần “Thương hiệu và Dịch vụ”.

Quang Trần/Bloomberg

Nguồn NDH: http://ndh.vn/cuoc-xam-chiem-cong-nghe-tu-trung-quoc-noi-lo-cua-nguoi-my-20180810084934558p146c158.news