Cười nắc nẻ với tích trò 'Sĩ - Nông - Công - Thương' ngày đầu xuân

Đã thành lệ, 5 năm một lần, vào ngày mồng 5 Tết, toàn thể nhân dân thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, quy tụ về trước sân đình đây để hòa trong tiếng cười nắc nẻ với các tích trò 'Sĩ - Nông - Công - Thương' của hội trình nghề, tưởng nhớ Đức thành hoàng: Tướng quân Lũ Lũy.

Cách điệu hóa trang trong lễ hội

Lũ Lũy là một vị tướng tài ba thời Hai Bà Trưng, được nhà vua phong Chỉ huy sứ Thượng tướng quân. Sau này, nhờ có công hiển ứng giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân nên được vua Đinh tôn phong là Lũ Lũy đại vương, tặng phong Thượng đẳng phúc thần.

Sinh thời, tướng quân đã đem 80 mẫu ruộng để chia cho dân nghèo làng Văn Lôi sinh cơ lập nghiệp. Ghi tạc công ơn, dân làng Văn Lôi tổ chức diễn trò trình nghề "Sĩ - Nông - Công - Thương" để tri ân ngài vào ngày mồng 5 Tết. Lệ ấy tồn tại cho đến nay.

Ban đầu là lễ rước kiệu Thành hoàng từ bãi Cấm Địa nơi Đức ông hy sinh về đình mở hội. Sau lễ rước là lễ tế. Sau lễ tế là diễn trò trình nghề ở bãi đất rộng trước cổng đình. Trong các trò diễn trình nghề ở các làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, duy nhất có trò diễn làng Văn Lôi là các lớp diễn có lời thoại.

Ông sấm mắt sáng quắc lung linh. Ảnh: Chun.

Ông sấm mắt sáng quắc lung linh. Ảnh: Chun.

Trước đây, khi Mê Linh còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, các nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian đã thống kê và tổng kết rằng, các trò diễn trình nghề ở Vĩnh Phúc hầu hết đều là các lớp "kịch câm", lớp diễn chỉ có động tác mà không có lời nói hoặc lời ca, không có lời thoại. Duy chỉ có tích trò ở làng Văn Lôi, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh có lời thoại, dù chưa thành các đoạn ca khúc.

Một điều đặc biệt nữa, đó là tất cả các nhân vật trong tích trò trình nghề "Sĩ - Nông - Công - Thương" đều được biểu tượng hóa, cách điệu hóa khác hẳn với đời thường, đảm bảo cho các tích trò sống động, có tính gây cười. Đó là hình tượng ông sấm trong hội làng, hùng dũng phi thường, mặt đỏ phừng phừng, tai to mặt lớn, mắt sáng quắc lung linh, miệng phun ra mưa cho lúa trổ bông, chắc hạt, cho khoai tốt vồng. Khi có mưa, đồng dưới, đồng trên có nước, tiếng ếch kêu ộp oạp, cóc nhảy hả hê, ấy cũng là lúc làng Văn Lôi bước vào cày bừa, cuốc góc, be bờ, giữ nước. Thật đúng là một quy trình liên hoàn của nông nghiệp.

Hình tượng con trâu, đầu làm bằng chiếc gầu giai, vẽ mắt ốc nhồi, tai lá mít, hóa trang thân trâu có đít lồng bàn. Cùng với người nông dân cần cù lao động, một nắng hai sương "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa". Dưới sự khéo léo của những người nông dân, ta tưởng tượng trước mắt là những luống cày lật úp thẳng như kẻ chỉ.

Từ hình tượng con trâu, con bò cho thấy được sự gắn kết thân thiết với con người đẹp đẽ biết nhường nào: "Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công".

Trong nông nghiệp, người nông dân và con trâu là người bạn thân thiết gắn bó, cho nên mới có "Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn". Ngày nay những con trâu sắt (máy cày, máy bừa) đã xuất hiện nhiều trên đồng ruộng, song con trâu ăn cỏ vẫn là người bạn thân thiết với người nông dân làng Văn Lôi.

Ước mơ công danh hiển đạt

Cày bừa đất kỹ, người nông dân thôn Văn Lôi lại bước vào mùa cấy. Trên sàn diễn của ngày hội, có những người thợ cấy từ đất Đông Ngàn (Bắc Ninh ngày nay) đến đây, nơi dân đông, xã lớn, nhân khang vật thịnh. Những cô thợ cấy (do con trai đóng giả con gái), đội khăn mỏ quạ, mặc áo dài, thắt lưng bao xanh, miệng nhai trầu bỏm bẻm.

Vừa nhai trầu, các cô vừa hát ví von với anh chàng thợ cày, thợ bừa tạo nên một bức tranh bài ca lao động tươi vui. Khi các cô thợ cấy từ Đông Ngàn đưa cây mạ xuống đồng với hình ảnh ước lệ những ruộng lúa được cấy thẳng hàng, đó cũng là ước mơ của người nông dân địa phương về ngày sau trên cánh đồng là cả biển lúa vàng rực rỡ, một vụ mùa bội thu.

Bước ra sân đình tiếp đó là vai diễn một thương nhân áo the khăn xếp, đi giày đen, gánh một gánh dụng cụ dạy học. Một bên là chiếc nghiên mài mực làm bằng cái mâm gỗ, với một thỏi son to bằng hòn đá nén dưa, một bên là mấy chục "chiếc bút lông mèo" dài hơn một thước (0,40cm) cán bút làm bằng gỗ xoan, đầu bút vót nhọn như đầu bút lông, bôi nhọ nồi cho đen. Người thương nhân này vừa đi vừa rao: "Ai mua bút lông mèo đây… Ai mua bút lông mèo đi!". Rồi cứ thế diễn ra cảnh người mua, kẻ bán… hài hước pha trò cười vui nắc nẻ.

Người dân làng Văn Lôi từ xa xưa đã nghĩ đến chuyện học hành của con em mình. Từ thuở khai thiên lập địa, đã có những ông đồ, thầy đồ cắp tráp nghiên về đây để gõ đầu trẻ, truyền chữ thánh hiền cho mỗi người dân. Bởi vậy, tích trò trong hội mùa lại có ông thầy đạo mạo trong trang phục khăn xếp, quần trắng, áo the, giày chí long, tay cầm gậy trúc cùng với một đoàn học trò ê a: "Tốt lúa chiêm là tốt lúa chiêm/ Tốt lúa mùa là tốt lúa mùa…". Thầy đọc trước, trò đọc sau làm cho không khí ngày hội càng thêm náo nhiệt.

Bên ngoài, người dân xem hội, những cậu cử cô tú ngày nay trông thấy vai diễn thì cười ngặt nghẽo. Song những cậu cử cô tú ngày nay vẫn cảm nhận được và thầm biết ơn ông cha từ xa xưa đã chú ý đến việc nâng cao tri thức, chú trọng người hiền tài, ước mong công danh hiển đạt.

Theo Hương ước xưa của thôn Văn Lôi, cứ vào ngày Rằm tháng hai hàng năm, tổ chức lễ cáo yết tại Văn chỉ là nơi thờ phụng việc học hành trong thôn. Lễ dùng trai bàn, hoa quả, hương đăng hành lễ. Ngày mười sáu chính lễ. Lễ Văn chỉ do tám giáp trong thôn sửa soạn luân phiên. Khi làng vào hai tiệc chính là ngày mồng bẩy tháng Giêng và ngày mười hai tháng Tám, các giáp sửa lễ khởi đầu từ hai giáp Đông trước, rồi đến giáp Bắc, hai giáp Trung Nhất, hai giáp Tây Nhị. Mỗi giáp năm hết lân lại bắt đầu giáp sau phải theo giáp trước mà sửa soạn.

Ngay việc sắp xếp chỗ ngồi tại đình làng mỗi khi lễ lạt cũng cho thấy sự tôn trọng việc học của người dân trong thôn. Theo Hương ước Văn Lôi xưa, vị trí ngồi ở đình ngoài như sau: Ban thứ nhất bên đông, từ văn võ thất phẩm trở lên; Hán tự khoa mục, Pháp học khoa mục (khoa mục chữ Hán và khoa mục theo kiểu Pháp), từ thí sinh nhất nhị trường, từ trung học tốt nghiệp trở lên. Ban thứ hai là nghị hội viên, vài vị chánh phó tổng tân cựu. Ban thứ ba là các vị từ lý trưởng, phó lý, Chánh phó hội tân cựu...

Những "cô thợ cấy" duyên dáng từ đất Đông Ngàn. Ảnh: Chun.

Ước mơ mùa vụ bội thu

Tích trò rước cây lúa của hội trình nghề thôn Văn Lội lại càng vui. Một cây lúa làm bằng cây chuối ta, vừa cao, vừa to được ghim buộc chặt chẽ trên một chiếc chõng tre có buộc đòn ngang, đòn dọc để đủ cho 8 nam thanh niên chưa vợ, khôi ngô tuấn tú khiêng.

Chạy nhanh theo sau cây lúa khổng lồ là những người nông dân mặt vuông chữ điền đội khăn, thắt bao đỏ, bao xanh, tay cầm trống chầu, trống khẩu vừa chạy vừa gõ ngũ liên, và đem đặt cây lúa vào ngự tại sân đình chỉ sau kiệu rước. Trên ngọn cây lúa được cắm những bông lúa nếp hạt mẩy bông to mà ngay từ tháng 10 hai giới phụ lão trong làng đã cắt cử những gia đình quang quẻ, đủ vợ, đủ chồng, làm ăn phát đạt chọn cất đến ngày hội mới đem ra.

Hình tượng bông lúa to bằng cây chuối, bông lúa dài như thể đuôi trâu, hạt to, mẩy là ước mơ có một vụ mùa bội thu của mọi người cày cấy. Sau tết hạ cây nêu (ngày mồng 7 tết) những bông lúa này được chia cho những người có chức sắc trong làng đem về thờ từ hội mùa năm nay đến hội mùa năm sau.

Ngày nay, ước mơ về những cánh đồng lúa trĩu bông đã thành hiện thực. Ông Nguyễn Văn Huỳnh - Chủ tịch UBND xã Tam Đồng cho biết: Văn Lôi là một trong những hợp tác xã được huyện Mê Linh quy hoạch cánh đồng lúa chất lượng cao…

Những tiếng cười nắc nẻ trong ngày hội làng cho thấy, dù xã hội có nhiều đổi thay, nhưng những nét đẹp truyền thống của lễ hội canh nông ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ vẫn được bà con thôn Văn Lôi gìn giữ và trao truyền.

Vị tướng uy dũng triều Trưng Vương

Tại Đền Trình - đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, bên tả là ban thờ tướng Lũ Lũy - vị tướng đã có công trấn giữ thành Dền (thành bà Trưng Nhị). Trên ban thờ, có hoành phi nổi bật dòng chữ "Trưng triều uy tướng" (Vị tướng uy dũng triều Trưng Vương).

Đồng thời, câu đối thể hiện tài đức của Tướng quân Lũ Lũy: "Sinh vi lương tướng phù Trưng Vương trấn thủ đô thành/ Hóa tác tôn thần bảo lê dân anh linh sở tại" (Sinh làm tướng giỏi giúp Trưng Vương trấn thủ đô thành/ Hóa làm tôn thần thật linh thiêng bảo vệ muôn dân nơi đây).

Theo tài liệu lưu tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, đời vua Đinh Tiên Hoàng đã có sắc phong Tướng quân Lũ Lũy là Hiển Ứng Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần. Đến năm Khải Định thứ 9 phong là Thuần Chính Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Tôn Thần.

Đình Văn Lôi, nơi thờ Tướng quân Lũ Lũy làm Thành hoàng đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1986, cùng Đình Cư An, Thành Dền và Thành Vượn.

Lễ hội "bách nghệ" độc đáo

Hiện nay, trên khắp địa bàn huyện Mê Linh và các huyện, thị lân cận, cùng với thôn Văn Lôi, chỉ còn 2 thôn làng khác giữ được trò trình nghề "Bách nghệ" trong hội làng. Đó là trò diễn "Sĩ - Nông - Công - Cổ" trong tích trò "đúc Bụt" làng Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày mồng 8 tháng Giêng. Và trò diễn "Sĩ - Nông - Công - Cổ" trong tích trò "Khai xuân khánh hạ" thôn Mậu Lâm, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Khải Mông

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/cuoi-nac-ne-voi-tich-tro-si-nong-cong-thuong-dau-xuan-o-thon-van-loi-581738/