Cuối năm bụi bặm với nghề lăn sơn

Là một người thợ lăn sơn đã hơn 20 năm trong nghề, ông Nguyễn Tiến Kim, 59 tuổi ở Thụy Khuê, Hà Nội cho biết, dịp cận Tết nhu cầu rất cao. Tổ dịch vụ lăn sơn của ông có 5 người, thường xuyên làm việc hết công suất. Anh em phải tăng giờ làm để có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Anh Vũ Đình Hải đang kẻ lại đoạn sơn tiếp giáp trần và tường.

Quy trình làm đẹp nhà

Ngày 9/1, ông Kim cùng một thợ lăn sơn nữa đến làm cho gia đình ở phố Minh Khai. Ngôi nhà có diện tích 50m2, 3 tầng. Tổng diện tích mặt trần, tường cần lăn sơn lại khoảng gần 600m2. Ông Kim cho biết, việc ở đây sẽ mất khoảng hơn 2 ngày mới xong.

Trong khu vực phòng lăn sơn, tất cả các đồ đạc của gia đình được tổ thợ sơn dọn gọn vào giữa, lấy bạt che chắn cẩn thận sau đó kê giáo lên và bắt đầu công việc. Đầu tiên là phải làm vệ sinh toàn bộ bề mặt tường và trần. Người thợ phải sử dụng máy mài và giấy ráp để loại bỏ phần sơn và ma tít cũ trên bề mặt. Những kẽ nứt hoặc mảng vữa cũ sắp bong đều phải được loại bỏ một cách sạch sẽ.

Công việc này được làm lần lượt từ phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, phòng vệ sinh… Tiếp đến, người thợ dùng matis bả lại bề mặt tường bịt lại các lỗ hổng trên tường và những mảng vữa cũ bị bong ra trong quá trình làm vệ sinh bề mặt. Đợi cho matis khô thì mới dùng giấy ráp đánh lại cho phẳng, bảo đảm tường đã sạch thì mới lăn sơn.

Quá trình lăn sơn khá đơn giản, bởi các hãng sơn đã tối ưu hóa sản phẩm để có thể sử dụng một cách dễ dàng nhất. Đối với bề mặt tường sơn lại, người thợ chỉ cần sơn 1 lớp lót và 2 lớp sơn màu. Người thợ sử dụng lô lăn sơn theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, nên màu sơn rất đều và mau khô. Tại những góc trần và tường mà lô lăn không đưa được tới nơi, người thợ phải dùng chổi sơn nhỏ để quét lại, kẻ thẳng đoạn tiếp giáp giữa trần và tường.

Kỹ thuật khó nhất không nằm ở công đoạn lăn sơn mà là công đoạn bả matis. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải bả matis sao cho bề mặt tường thật phẳng. Nếu bề mặt không phẳng, sau lăn sơn, khi bật đèn sáng người ta sẽ nhìn thấy khoảng màu đậm nhạt khác nhau trên tường, ảnh hưởng đến mỹ thuật trong không gian phòng.

Làm không hết việc

Trong thời điểm hiện nay, công việc của ông Kim chủ yếu là nhận lăn sơn lại cho các gia đình để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Là thợ lâu năm, do có nhiều khách quen, ông Kim nhận được khá nhiều việc. Có hai hình thức nhận việc. Gia chủ mua sơn và vật liệu, thợ đến làm và tính công trên m2 nhà, thông thường tùy theo thực tế mức giá lăn sơn lại từ 15.000 – 20.000 đồng/m2. Hình thức khoán trên m2, sơn và vật liệu sẽ do người thợ mua. Hình thức này thì mức giá thi công từ 50.000 – 60.000 đồng/m2, tùy theo loại sơn mà chủ nhà yêu cầu.

Theo ông Kim, người thợ thường muốn làm theo hình thức khoán cả vật liệu, vì như vậy cả người thợ và chủ nhà cũng đều có lợi hơn vì người thợ sơn có thể tiết kiệm được đáng kể các vật liệu như matis và sơn dư thừa từ các công trình khác.

Vũ Đình Hải, thợ lăn sơn cho biết, trong những tháng cuối năm, anh em thường làm 10 giờ mỗi ngày để kịp yêu cầu khách hàng. Công việc cũng khá vất vả. Nếu chăm chỉ thì có thể thu nhập được 500 nghìn đồng/ngày.

“Tôi sẽ cố gắng làm đến sát Tết để có thể gom được 15 triệu chuẩn bị cho gia đình vào dịp Tết này” – anh Hải chia sẻ.

Cũng theo anh Hải, nghề lăn sơn khá đơn giản, gần như ai cũng có thể làm được. Với một lao động trẻ, chỉ cần hướng dẫn vài buổi là đã có thể bắt đầu làm được. Tuy nhiên, những vấn đề về an toàn lao động cũng phải được đào tạo cẩn thận, đặc biệt là việc sử dụng các trang thiết bị bảo hộ cần thiết khi làm việc trên cao tại các khu vực tường nhà bên ngoài.

Vào dịp cuối năm, cùng với sự gia tăng nhu cầu xã hội về dịch vụ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa thì nhu cầu làm đẹp cho căn nhà cũng tăng theo, trong đó có nghề lăn sơn. Đây là một nghề trong lĩnh vực xây dựng, công việc khá đều đặn trong năm, tuy nhiên vào thời điểm cận Tết Nguyên đán thì lại càng bận bịu, vất vả hơn, nhưng bù lại người thợ cũng có thu nhập tốt hơn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cuoi-nam-bui-bam-voi-nghe-lan-son-4058275-b.html